11:03, 03/03/2015

"Ăn tô mì Quảng, nói chuyện bao đồng": Đau đáu tình đất, tình người

Nhà văn Hoàng Nhật Tuyên vừa ra mắt tập bút ký "Ăn tô mì Quảng, nói chuyện bao đồng" (Nhà xuất bản Đà Nẵng), tập hợp 18 bút ký anh viết rải rác trong khoảng 10 năm gần đây. Khác với tên sách, những câu chuyện anh ghi lại trong tập bút ký không hề "bao đồng", .....

Nhà văn Hoàng Nhật Tuyên vừa ra mắt tập bút ký “Ăn tô mì Quảng, nói chuyện bao đồng” (Nhà xuất bản Đà Nẵng), tập hợp 18 bút ký anh viết rải rác trong khoảng 10 năm gần đây. Khác với tên sách, những câu chuyện anh ghi lại trong tập bút ký không hề “bao đồng”, ngược lại, nó gợi cho người đọc những chiều sâu về nét đẹp thiên nhiên, lịch sử, văn hóa của xứ Trầm Hương, cũng như tình đất - tình người xứ Quảng.

 


Chiều sâu của những nét đẹp văn hóa, lịch sử


Trong bút ký Ăn tô mì Quảng, nói chuyện bao đồng, nhà văn Hoàng Nhật Tuyên có kể về ông Sáu Đổng, một người xứ Quảng sống ở xứ heo hút Bù Đăng, Bình Phước nhưng vẫn luôn đau đáu về quê nhà. Xa quê hơn 50 năm, ông vẫn nói giọng Quảng, kể chuyện xứ Quảng, đãi khách những món Quảng chính hiệu như chưa từng một ngày sống xa quê. Đặc biệt, mỗi khi gặp người cùng quê, ông quý như bắt được vàng, lại đem chuyện quê ra kể để mà nhớ thương. Những dòng văn hóa cứ miên man chảy theo câu chuyện, để rồi khi đọc hết mới ngộ ra đó chính là tình quê, tình người mà chỉ những người xa quê, từng sống cảnh tha hương ngộ cố tri (xứ người gặp bạn cũ) mới thấu hiểu.   


Viết Những người làm nên tượng đài, anh nhắc lại cuộc biểu tình ngày 16-7-1930 ở huyện Tân Định (nay là thị xã Ninh Hòa); Thình lình sống dậy cửa Nha Trang là chuyện về cái chết lẫm liệt của chí sĩ Trần Quý Cáp - một danh sĩ xứ Quảng đã có nhiều dấu ấn ở xứ Trầm Hương. Bút ký Nơi ấy còn mãi một huyền thoại là câu chuyện về một người con ưu tú khác của xứ Quảng - anh hùng Nguyễn Phan Vinh và cuộc chiến đấu oanh liệt của những chiến sĩ tàu không số tại vùng biển Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa… Gạt đi lớp bụi thời gian, nhà văn đã khai quật lên những trầm tích văn hóa, lịch sử để có những trang viết rất lôi cuốn, sinh động, làm bật lên tinh thần cách mạng của vùng đất, nghe như tiếng nói của cha ông ngày xưa vọng về.


Hết xuống biển, anh lại lên rừng Thăm thung lũng tử thần. Viết về Tô Hạp, anh nhắc cho bạn đọc biết cái tên Tô Hạp xuất phát từ loài cây tô hạp hương từng được ghi trong sử sách như một loại hương liệu quý. Và nhà văn cũng cắt nghĩa để người đọc hiểu thêm về danh xưng thung lũng tử thần  trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Từ chuyện cây trái núi đồi của Tô Hạp - Khánh Sơn, anh kể chuyện về một khách du lịch người Pháp vượt đèo Khánh Sơn lên du lịch, về một người lính Sài Gòn năm xưa lên thăm lại “thung lũng tử thần”. Những câu chuyện miên man chỉ để nói lên một điều: sức hút của vùng đất phía Tây xứ Trầm Hương.


Tinh tế trong cái chất trữ tình


Xen lẫn giữa những bút ký có hơi hướng ôn lại lịch sử ấy, tác giả còn có nhiều bút ký rất trữ tình, giàu chất văn hóa. Sống ở thành phố biển hơn nửa đời người, nhà văn Hoàng Nhật Tuyên hẳn nhiên phải có những trang văn về xứ sở này. Nha Trang - một thoáng thu nói về vẻ đẹp của tiết thu Nha Trang, một nét đẹp mong manh mà người không theo dõi thật khó nhận ra. Cách anh gợi “một chút thu ngắn ngủi” của Nha Trang qua làn gió se lạnh, qua màu xám của mây trời, qua sự chín rụng rồi đến nảy mầm của quả tra… mới biết anh yêu vùng đất này đến nhường nào. Cùng với những trang viết đó, anh còn có Xứ ngàn mai kể về vùng đất ven đầm Thủy Triều mà thuở xưa từng bạt ngàn mai rừng, Đi qua Hạc Đỉnh lại viết về những chuyến viễn du trên con đường nối biển và hoa (Nha Trang - Đà Lạt) qua đỉnh đèo Hòn Giao, nơi nổi tiếng với loài hoa lan Hạc Đỉnh, nơi có những người T’ring hồn nhiên như cây cỏ.


Trong các bút ký của mình, Hoàng Nhật Tuyên luôn đưa vào những huyền thoại, chuyện dân gian, thơ ca… nên đọc rất sinh động. Với bút ký Lên đèo Cục kịch ngắm bồng bềnh mây, anh không chỉ giới thiệu vẻ đẹp của đèo Cả với rất nhiều cây đát, cùng những đám mây trắng bồng bềnh… mà còn cho người đọc biết đèo này còn có tên đèo Cục kịch bởi ngày xưa xe ngựa, xe trâu làm bằng bánh gỗ đi qua đây nghiến lên đá nên phát ra tiếng kêu lịch kịch; rồi chuyện dãy Đại Lãnh được vua Minh Mạng cho khắc vào Tuyên Đỉnh; chuyện Vũng Rô từng là địa chỉ đỏ về tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc chuyển vào bằng những con tàu không số. Và đương nhiên, nói đến đèo Cả, anh không quên nhắc đến những thi phẩm nổi tiếng thời kháng chiến chống Pháp: Đèo cả của Hữu Loan và Nhớ máu của Trần Mai Ninh.


Trong tập bút ký ấy còn có cả một nỗi nhớ miên man về xứ Quảng mà như nhà văn đã ghi lại câu ca: “Quê nhà không nhớ thì thôi, khác chi đứa bé chẳng nhớ nôi mình nằm”. Đó là Hội An miền nhớ với những ký ức về một thời từng là “thiên đường” với đứa bé nhà quê; là Đi qua những mùa hoa cỏ với tình yêu thiên nhiên cây cỏ, chuyện về tục cúng 12 bà mụ; là cái Tết quê in đậm từ ngày thơ bé với những buổi chợ phiên, trò chơi bài chòi ngày xuân ở xứ Quảng… Đặc biệt, trong dòng hồi ức đó còn có một bút ký ngắn về người chị của nhà văn (Chị tôi) mà khi đọc đến không thể nhói lòng:  “Tháng tư, hôm nay em về. Nghĩa trang quê nhà với lớp lớp mộ bia giăng hàng và chị đang nằm ở đó, cùng đồng đội… Em bước tới bước lui và mấy lần đọc dòng chữ khắc tên chị in trên tấm bia màu trắng. Trong tiếng xôn xao từ vòm cây nằm quanh nghĩa trang, em ngỡ như chị đang về, đang cười, đang nói. Ngỡ như chị vẫn còn, vẫn đang ở ngày xưa khi tuổi đang mười bảy, mười tám, vẫn mũ tai bèo cùng khẩu carbin quàng vai, vẫn nụ cười tươi và những lời dặn ân cần dành cho em vào những lúc sắp đi xa...”.


Văn cũng như người, bút ký của nhà văn Hoàng Nhật Tuyên giản dị nhưng không kém phần trữ tình, tinh tế. Chọn cho mình cái tựa sách “Ăn tô mì Quảng, nói chuyện bao đồng”, nhưng những chuyện mà nhà văn viết không hề bao đồng chút nào.


XUÂN THÀNH