07:02, 23/02/2015

Hồn Chăm qua khung cửi

Hòa trong nắng xuân dịu dàng trên đỉnh đồi Cù Lao là sự rộn ràng của du khách gần xa trầm trồ thán phục đôi tay tài hoa của những cô gái Chăm đang thả hồn vào từng sợi chỉ nhỏ để tạo nên những tấm thổ cẩm chỉ có của riêng mình…

Hòa trong nắng xuân dịu dàng trên đỉnh đồi Cù Lao là sự rộn ràng của du khách gần xa trầm trồ thán phục đôi tay tài hoa của những cô gái Chăm đang thả hồn vào từng sợi chỉ nhỏ để tạo nên những tấm thổ cẩm chỉ có của riêng mình…

 

k
Chị Phú Nữ Hồng Gấm thoăn thoắt bên khung dệt.

 

Ghé đến Tháp Bà Ponagar Nha Trang ngày đầu xuân, du khách không thể không dừng bước bên khung cửi của những cô gái Chăm trong trang phục truyền thống với đôi tay thoăn thoát như thoi đưa. Những sợi chỉ nhỏ như được “thổi hồn”, dần biến thành từng tấm thổ cẩm đầy “mê hoặc” rực rỡ sắc màu với những đường nét hoa văn nổi bật.

 

Bà Thiên Thị Phương là một phụ nữ Chăm đã trên 20 năm làm nghề tại làng Mỹ Nghiệp, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận - làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống nổi tiếng cả nước có từ hàng trăm năm nay. Ngược lại với vóc dáng nhỏ bé, ít nói cười, lọt thỏm trong bộ áo dài truyền thống Aw kamei Cam và khung cửi là cả một sự điêu luyện, tỉ mẫn của đôi bàn tay.

 

Chỉ vào tấm vải khổ rộng 1m, dài 1,6m, bà Phương cho biết, để dệt xong tấm vải này cần phải mất 8 ngày chưa kể công đoạn xe tơ, nhuộm vải. Việc tách hạt lấy bông, cuộn, ngâm dập, nhuộm, hồ, chải… rất vất vả. Tuy nhiên, công đoạn chọn màu để nhuộm cũng vất vả không kém, muốn có màu đen phải nhuộm thổ cẩm bằng lá chum bầu, sau đó đem ngâm nhiều ngày trong bùn non hoặc muốn có màu đỏ phải có mủ cây cánh kiến, màu xanh thì dùng lá cây chàm…

 

k
Du khách xem chị Phú Nữ Hồng Nhị dệt tấm thổ cẩm chạy dòng chữ "kỷ niệm Tháp Bà Nha Trang".

 

Anh Vạn Ngọc Chí, chồng bà Phương chia sẻ: “Vợ tôi được gia đình truyền dạy cho nghề dệt thổ cẩm từ khi còn con gái. Tôi là người cùng làng nên cũng biết nghề và rất thích. Muốn có tấm vải đẹp người thợ dệt phải có tay nghề cao và đam mê nghề”.

 

Đối với 2 chị em ruột Phú Nữ Hồng Gấm và Phú Nữ Hồng Nhị, tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã có hơn chục năm làm dệt vải từ truyền thống gia đình. Chị Gấm kể, 2 chị em được mẹ truyền dạy nghề dệt thổ cẩm từ khi tuổi mới lên 10.

 

Nhìn khung cửi của chị Hồng Gấm, tôi thấy nhiều túi vải nặng treo lủng lẳng trên khung dệt trông ngộ nghĩnh, chị giải thích rằng đây là dụng cụ dùng để điều chỉnh sợi tơ tạo hoa văn cho tấm vải theo ý của mình. Muốn có hoa văn tinh xảo, độc đáo, người thợ dệt phải có hoa tay, óc thẩm mỹ cùng sự hiểu biết về đường nét, màu sắc, hình khối…

 

Sản phẩm của chị Gấm dệt được là một tấm thổ cẩm có chiều ngang 20 cm, chiều dài thì tùy theo nhu cầu sử dụng. Mỗi ngày chị có thể dệt trên 5 m dùng để may túi xách, ví, đồ trang trí làm sản phẩm lưu niệm.

 

k
Các em nhỏ cũng đang say mê nhìn theo đôi tay của chị Hồng Nhị.

 

Ngoài bàn tay khéo léo, am tường về màu sắc, đệt thổ cẩm là một công việc hết sức tỉ mẫn. "Nếu không chịu khó, kiên nhẫn sẽ khó làm hoàn thành công việc. Đơn giản như khi đang dệt, chỉ đứt…người thợ đôi khi mất tới hàng giờ đồng hồ mới tìm và nối được mối chỉ”, chị Hồng Nhị chia sẻ thêm.    

 

Nhìn dòng chữ "kỷ niệm Tháp Bà Nha Trang" từ từ hiện ra trên tấm vải nhỏ do chị Hồng Nhị thực hiện, nhiều du khách như ngỡ ngàn. “Tôi chưa từng thấy dệt vải theo kiểu thủ công như thế này nên thật sự tôi rất thích. Để tạo được một tấm thổ cẩm tinh xảo là cả một quá trình làm việc nghiêm túc của người thợ dệt”, chị Thu Vân du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh cho hay.

 

k
Bà Thiên Thị Phương đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề.

 

Bên cạnh niềm tự hào, sự say mê với nghề truyền thống, còn đó những trăn trở của chính những người đã nhiều năm gắn bó với nghề. “Người dân làng Mỹ Nghiệp bây giờ ít có người trẻ theo nghề truyền thống này, chủ yếu họ đi học xa nhà, làm ăn kinh doanh buôn bán chứ theo nghề này vất vả lắm” - bà Phương tâm sự.

 

Như Thảo