Không biết từ bao giờ, người miền Bắc có quan niệm "Tháng Giêng là tháng ăn chơi". Trong tháng đầu tiên của mùa xuân, hội hè đình đám được tổ chức khắp các làng quê Bắc bộ, tạo nên một nét sinh hoạt văn hóa độc đáo… Điều này đã in đậm trong thơ, nhất là những thi sĩ đồng quê như Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ.
Không biết từ bao giờ, người miền Bắc có quan niệm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Trong tháng đầu tiên của mùa xuân, hội hè đình đám được tổ chức khắp các làng quê Bắc bộ, tạo nên một nét sinh hoạt văn hóa độc đáo… Điều này đã in đậm trong thơ, nhất là những thi sĩ đồng quê như Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ.
Lễ hội rước pháo làng Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) |
Từ lâu, người yêu thơ đã gọi Nguyễn Bính là thi sĩ của mùa xuân. Từ trước Cách mạng Tháng Tám, thi sĩ chân quê đã nổi tiếng với các bài thơ: Xuân về, Thơ xuân, Mùa xuân xanh, Tết của mẹ tôi, sau này ông còn có thêm Thư Tết, Xuân nhớ miền Nam, Tiếng trống đêm xuân... Thơ xuân vẫn như mạch ngầm chảy mãi không bao giờ cạn trong thơ Nguyễn Bính. Ngoài việc ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, thơ xuân của Nguyễn Bính còn đề cập đến những hội hè của xứ Bắc rất đậm nét.
“Tháng giêng vừa Tết đầu xuân/Xanh um lá mạ, trắng ngần hoa cam/Mưa xuân rắc bụi quanh làng/Bà già sắm sửa hành trang đi chùa/Ông già vào núi đề thơ/Trai tơ đình đám, gái tơ hội hè” (Tỳ bà truyện). Cả một năm lao động vất vả, cuộc sống luôn bộn bề khó khăn, hội làng là dịp để mọi người tạm gác lại những lo toan, hòa mình vào không khí sum vầy và những sinh hoạt cộng đồng. Nhà thơ Nguyễn Bính rất thấu hiểu tâm tư, nỗi niềm của người dân quê khi viết những câu thơ đầy náo nức về hội làng trong bài Hội xuân: “Hội xuân gió loạn đuôi cờ/Làng xa, đêm vắng, nhặt thưa trống chèo/Hội làng đèn đuốc như sao/Đêm chèo tiếng trống giáo đầu nổi lên”, “Quê hương tôi có hát xòe, hát đúm/Có hội xuân liên tiếp những đêm chèo”.
Đọc thơ Nguyễn Bính, ta như được sống lại những ngày Tết cổ truyền với những trò chơi dân gian, những hội làng, đêm hát chèo thâu đêm. Sau này, khi được trở lại quê hương vào một ngày xuân sau bao năm xa cách, ông đã reo lên: “Xuân này vui Tết lại vui quê/Lại chuyện làm ăn, chuyện hội hè/Xanh biếc đầu xuân, nương mạ sớm/Giậu tầm xuân nở, bướm vàng hoe/Vào đám làng tôi mở trống chèo/Bay cờ, lộn gió, đỏ đuôi nheo/Lớp mà Thị Kính nuôi con mọn/Tôi biết người xem lệ chảy nhiều”… Không chỉ tài hoa khi dựng cảnh những ngày hội làng quê, ông còn rất am hiểu và khéo léo khi đặc tả những nét văn hóa làng quê qua cách ăn mặc, dáng vẻ bề ngoài của người nhà quê trong những ngày hội xuân. Đó là phong cách ăn mặc, trang điểm của trai thanh, gái lịch thời đó khi đi xem hội, đi chùa đầu năm: “Khen ai tóc thẳng đường ngôi/Ấm hơi trầu quế, thơm mùi hương nhu/Khen ai áo kép, quần hồ/Hội làng mê mải sớm trưa đi về” (Hội xuân); “Trên đường cát mịn một đôi cô/Yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa/Gậy trúc dắt bà già tóc bạc/Tay lần tràng hạt miệng nam mô” (Xuân về).
Nhà thơ Đoàn Văn Cừ cũng có nhiều bài thơ về Tết, hội hè đình đám ngày xuân. Nếu như thi sĩ chân quê thường chỉ lướt qua hội hè đình đám, như có cớ để gửi gắm nỗi lòng mình thì Đoàn Văn Cừ lại là một bậc “họa sĩ” kỳ tài với những bức tranh xuân đầy màu sắc. Ngoài Chợ Tết với sắc màu rực rỡ, thi sĩ họ Đoàn còn có nhiều bài thơ tả thực về các ngày hội mùa xuân của đồng bằng Bắc bộ. Trong ký ức của nhà thơ, mùa xuân chính là hội hè đình đám liên hồi kỳ trận: “Mùa xuân ấy, ông tôi lên tận tỉnh/Đón tôi về xem hội ở làng bên/Suốt ngày đêm chuông trống đánh vang rền/Người lớn, bé mê man về hát bội” (Đám hội). Trong thơ Đoàn Văn Cừ, hình ảnh Tết - hội xuân hiện lên rõ mồn một với những trò chơi dân gian rất đặc trưng của thôn quê Bắc bộ như chơi tổ tôm, đánh đu, đấu vật: “Các cụ già uống rượu mãi gần đêm/Tổ tôm điếm chơi đêm không biết chán/Những con bé áo xanh đòi chị ẵm/Để đi theo đám rước quanh làng”; “Đoàn trải dài vùn vụt giữa sông/Người lố nhố chèo trên làn nước lạnh/Bọn đô vật trước đình thi sức mạnh/Mình cởi trần gân cốt nổi như lươn/Tiếng reo hò khuyến khích dậy từng cơn/Lấn tiếng trống bên đường khua rộn rã…”. Những phong tục tập quán lâu đời, những ký ức, hoài niệm tưởng đã lùi chìm vào dĩ vãng xa xăm, dưới ngòi bút miêu tả tỉ mỉ của ông trở nên cụ thể, sinh động, có hình, có nét.
Trong bài thơ Đám cưới mùa xuân, thi sĩ họ Đoàn còn đặc tả cả một đám cưới xứ Bắc xưa với đầy đủ lễ vật, phục trang, lễ nghi đẹp mắt. Như một nhà quay phim tài ba, sau thước phim viễn cảnh với đoàn người “đi lí nhí một hàng đen”, nhà thơ đi vào đặc tả đám rước với đủ cả nam phụ lão ấu, già trước, trẻ sau, thong thả, trang nghiêm mà vẫn vui vẻ. Đi đầu “Một cụ già râu tóc trắng như bông/Mặc áo đỏ, cầm hương đi trước đám”, tiếp theo là các cụ khác, chống gậy, cầm ô... Các cụ áo mền bông đỏ sẫm, các bà hoặc nón nghệ, khăn mặt đỏ hoặc váy lĩnh, dép quai cong, nàng dâu rạng rỡ với vành khuyên vàng, áo mới, nón quai thao. Trong ngày rước dâu, lễ vật đầy đủ với: mâm đồng che lụa đỏ, chăn hồng, hòm da đen. Chen lẫn trong những câu thơ tả thực ấy, nhà thơ đưa vào cái nhìn tinh tế khi phát hiện lũ trai tơ hớn hở như đám cưới của mình vậy; các thôn nữ thì ngây thơ nhìn trời biếc một cách mơ mộng... Tinh tế và ý nhị biết bao!
Ngày nay, ở nhiều làng quê, hội làng đang được khôi phục, nhưng xem ra không còn phong vị độc đáo như xưa. Tết bây giờ đã sung túc hơn, nhưng tiếc thay những nét văn hóa độc đáo được xem là “hồn dân tộc” như tranh Tết, thơ xuân, câu đối, hội xuân... đã dần phai nhạt theo thời gian.
THÀNH NGUYỄN