Khánh Hòa là một trong những địa phương có nhiều phát hiện về khảo cổ học tiền sơ sử. Những thành tựu về nghiên cứu khảo cổ học không chỉ có ý nghĩa trên lĩnh vực văn hóa mà còn góp phần thiết thực vào việc nâng cao chất lượng dạy học lịch sử địa phương.
Khánh Hòa là một trong những địa phương có nhiều phát hiện về khảo cổ học tiền sơ sử. Những thành tựu về nghiên cứu khảo cổ học không chỉ có ý nghĩa trên lĩnh vực văn hóa mà còn góp phần thiết thực vào việc nâng cao chất lượng dạy học lịch sử địa phương.
Thiết kế bài giảng về lịch sử địa phương
Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã xác định Khánh Hòa là trung tâm của nền văn hóa Xóm Cồn. Nơi đây còn có nhiều di chỉ khảo cổ mang đặc trưng văn hóa Sa Huỳnh. Ngoài ra, còn có nhiều di tích về kiến trúc Chăm pa... Những tư liệu về khảo cổ học trên địa bàn tỉnh không chỉ có ý nghĩa về mặt văn hóa - lịch sử, mà còn có ý nghĩa ở khía cạnh giáo dục - giảng dạy về lịch sử. Việc vận dụng các tư liệu khảo cổ học vào công tác giảng dạy lịch sử có thể khai thác theo 2 hướng: dựa vào tư liệu khảo cổ để soạn bài giảng và sử dụng di chỉ khảo cổ học vào hoạt động ngoại khóa. Năm 1990, ngành Giáo dục Khánh Hòa khi biên soạn tài liệu dạy học về địa phương đã nhắc đến một số di tích của người xưa trên đất Khánh Hòa. Tuy nhiên, do điều kiện lúc đó nên tài liệu còn khá sơ sài, thiếu hình ảnh. Thời kỳ này, việc giảng dạy lịch sử địa phương cũng chưa được chú trọng, việc ứng dụng tư liệu khảo cổ học vào giảng dạy lịch sử địa phương còn khá mờ nhạt.
Một buổi ngoại khóa của học sinh THCS tại Tháp Bà Ponagar. |
Những năm gần đây, việc giảng dạy lịch sử địa phương được chú trọng hơn. Trong tài liệu Lịch sử địa phương Khánh Hòa (xuất bản năm 2013), Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Hoa - Phó Chủ tịch Hội Sử học Khánh Hòa và các cộng sự đã dựa vào tư liệu khảo cổ học để dựng nên bức tranh lịch sử khánh Hòa xưa. Trên cơ sở này, khi biên soạn bộ tài liệu Lịch sử địa phương Khánh Hòa (4 tập) dùng để dạy và học, nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Hoa (chủ biên) đã dựa vào tư liệu khảo cổ để khôi phục lại bức tranh lịch sử Khánh Hòa xưa. “Trên cơ sở chương trình sách giáo khoa và các tư liệu về khảo cổ, chúng tôi đã thiết kế bài giảng Khánh Hòa thời nguyên thủy và Chăm pa trong phần lịch sử địa phương dành cho học sinh lớp 6”, Tiến sĩ Hoa cho biết.
Ở phần Khánh Hòa thời nguyên thủy, nhóm biên soạn đã giới thiệu những dấu tích của người nguyên thủy được tìm thấy trên địa bàn tỉnh như: công cụ đá ở đảo Hòn Tre (Nha Trang); đồ trang sức bằng đá, vỏ nhuyễn thể ở các di chỉ Xóm Cồn, Hòa Diêm (Cam Ranh); mộ chum Diên Sơn (Diên Khánh); xưởng chế tác đàn đá ở Dốc Gạo (Khánh Sơn); hòn ghè, bàn đập, khuôn đúc đồ đồng bằng đá ở Vĩnh Yên (Vạn Ninh)... Đồng thời, dựa trên tư liệu khảo cổ học, nhóm biên soạn đã cung cấp một số thông tin sơ bộ về đời sống vật chất (nơi cư trú, thức ăn, công cụ sản xuất) và tinh thần (tín ngưỡng, đồ trang sức) của cư dân thời nguyên thủy; nền văn hóa Xóm Cồn, mối liên hệ giữa các di chỉ khảo cổ học.
Ở phần Thời kỳ Chăm pa, các nhà biên soạn đã dùng những tư liệu về khảo cổ học để minh họa cho phần diễn tiến lịch sử của mảnh đất Khánh Hòa từ thời Chăm pa đến khi sáp nhập trở thành một phần đất của Đại Việt; đời sống vật chất tinh thần của người Chăm pa xưa. “Tuy đã có nguồn sử liệu chữ viết (chữ Hán, bia kí Chăm) nhưng tài liệu về khảo cổ học tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong các bài giảng về lịch sử... Chúng tôi dựa vào các hiện vật của người Chăm pa ở Bảo tàng tỉnh và Tháp Bà Ponagar để làm các ví dụ về đời sống vật chất, tinh thần của người Chăm pa”, Tiến sĩ Hoa cho biết. Ngoài những nội dung chính trên, nhóm biên soạn còn giới thiệu thêm các di chỉ khảo cổ học đã được phát hiện trên địa bàn như: Hòn Tre (Nha Trang), Xóm Cồn, Bình Hưng, Bình Ba (Cam Ranh), Vĩnh Yên (Vạn Ninh), Hòa Diêm (Cam Ranh), bia Võ Cạnh (Nha Trang) để học sinh đọc thêm.
Góp phần nâng cao chất lượng dạy học lịch sử
Bên cạnh việc vận dụng tư liệu khảo cổ để soạn bài giảng, các trường có thể tổ chức cho học sinh đi ngoại khóa ở những di chỉ khảo cổ học để học sinh có thể nắm bắt vấn đề kỹ hơn, hứng thú hơn với việc học sử, hiểu hơn về ý nghĩa tài liệu khảo cổ học. Ngoài ra, các trường có thể tổ chức cho học sinh học ngoại khóa tại bảo tàng, điều này giúp các em có thể tìm hiểu nhiều nội dung cùng một lúc. Chẳng hạn với Bảo tàng Khánh Hòa, học sinh có thể tìm hiểu về thời nguyên thủy, văn hóa Chăm thông qua hiện vật khảo cổ; ngoài ra có thể tìm hiểu thêm về chủ quyền, văn hóa biển, đảo.
Ông Lê Chí Hướng - Giám đốc Bảo tàng tỉnh: Chúng tôi sẵn sàng cung cấp tất cả các tư liệu, hình ảnh về khảo cổ học trên địa bàn tỉnh để các giáo viên giảng dạy về lịch sử. Đồng thời, rất mong nhiều trường sẽ đưa học sinh đến tham quan bảo tàng, để các em hiểu biết nhiều hơn về lịch sử văn hóa của xứ Trầm Hương. |
Việc vận dụng khảo cổ học để dạy lịch sử địa phương có ý nghĩa rất quan trọng đối với học sinh. Thông qua các hiện vật, tư liệu về khảo cổ học, các em biết về đời sống vật chất, tinh thần của cư dân cổ Khánh Hòa; về một nền văn hóa Chăm pa rực rỡ trên đất Khánh Hòa. Từ hình ảnh các di vật và vị trí di chỉ khảo cổ được giáo viên đánh dấu trên lược đồ, học sinh sẽ hình dung được cuộc sống của cư dân Khánh Hòa xưa gắn liền với biển đảo, sông nước...
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Hoa, chính sự phong phú về di tích lịch sử thời tiền, sơ sử ở Khánh Hòa đã góp phần thiết thực vào việc nâng cao chất lượng dạy học lịch sử. Đặc biệt hiện nay, giáo dục đào tạo đang tiến hành công cuộc “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam” theo Nghị quyết XI Trung ương Đảng và bộ môn lịch sử đang hướng đến phương pháp dạy học theo di sản. “Chúng tôi hy vọng, thời gian tới, Bảo tàng Khánh Hòa sẽ lưu giữ được nhiều di sản khảo cổ học trong đất liền cũng như biển đảo, tạo thành một điểm đến hữu ích của những giờ học lịch sử địa phương...”, Tiến sĩ Hoa bày tỏ.
XUÂN THÀNH