07:10, 11/10/2014

Một người dân sở hữu pho tượng Phật hiếm

Gần đây, "Làng cối đá xưa" của anh Huỳnh Hữu Lộc (thôn Ngọc Hội, xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang) thu hút nhiều du khách đến tham quan. Không chỉ ngắm hơn 5.200 bộ cối đá được sắp đặt trong khuôn viên rộng, du khách còn thấy hấp dẫn với thông tin anh Lộc đang thờ phụng một pho tượng Quán Thế Âm Bồ Tát bằng đồng cổ.

Gần đây, “Làng cối đá xưa” của anh Huỳnh Hữu Lộc (thôn Ngọc Hội, xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang) thu hút nhiều du khách đến tham quan. Không chỉ ngắm hơn 5.200 bộ cối đá được sắp đặt trong khuôn viên rộng, du khách còn thấy hấp dẫn với thông tin anh Lộc đang thờ phụng một pho tượng Quán Thế Âm Bồ Tát bằng đồng cổ.


Theo anh Lộc, đó là một báu vật không chỉ của gia đình, dòng tộc anh, mà còn vô cùng quý hiếm đối với nền văn hóa Phật giáo Việt Nam. Anh Lộc cho biết, pho tượng có tên đầy đủ là Tượng Quán Thế Âm Bồ Tát nguyên thể - Phật giáo Mật tông - hệ Kim Cang thừa. Tượng được đúc bằng đồng đổi màu, diện đổi sắc, có chiều cao 52cm, đường kính trung bình 17cm, nặng 9kg, có thần thái, hoa văn theo phong cách Đôn Hoàng đời nhà Đường (Trung Quốc), với tay trái An úy ấn, tay phải Hộ thân ấn. Cách đây ít ngày, Thượng tọa Thích Từ Nghiêm, Trưởng Ban Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP. Đà Nẵng, một chuyên gia sưu tầm và đang lưu giữ, phụng thờ 200 pho tượng cổ ở chùa Phổ Đà (Đà Nẵng), đã đến thăm và cho rằng, rất có thể đây là pho tượng độc nhất vô nhị ở Việt Nam, có giá trị đặc biệt đối với nền văn hóa Phật giáo ở nước ta.

 

Pho tượng Phật hiếm.
Pho tượng Phật hiếm.


Để chứng minh pho tượng đổi màu, anh Lộc bật lần lượt các loại đèn chiếu sáng, qua đó giải thích cho chúng tôi về sự thay đổi thần thái và màu sắc pho tượng. Lý giải về nguồn gốc pho tượng, anh Lộc kể: “Cha tôi là người Huế. Trước năm 1930, khi ông hơn 10 tuổi đã xuất gia làm đệ tử của sư thầy Thích Tịnh Khiết, thường xuyên ở trong cung Diên Thọ (Cung đình Huế). Hơn 40 tuổi, vì nhiều lý do, cha tôi không tu tập nữa và xây dựng gia đình với mẹ tôi, cũng ở nội thành Huế. Sau năm 1975, cả gia đình về Nha Trang sinh sống. Năm 2013, trước lúc mất, ông gọi con cháu lại và giao cho tôi pho tượng này cùng một lư hương bằng đồng kèm lời khuyên hãy gìn giữ như một nguồn tài sản quý giá, không thể so sánh với vàng hay đồng đen... Chính tôi và gia tộc cũng rất bất ngờ vì ông đã giữ kín mấy chục năm qua, nay mới trao lại cho tôi”. Anh cũng chia sẻ sẵn sàng đón tiếp, đồng thời rất cần sự phản biện khoa học của các chuyên gia khảo cổ, cơ quan chức năng, chư tăng phật pháp, qua đó có kế hoạch phối hợp bảo vệ, gìn giữ pho tượng.


Trước mắt, để thực hiện trọn lời di huấn của cha, anh Lộc đã cẩn thận phục dựng ngôi nhà cổ Huế xưa và đặt pho tượng rất trang trọng trên bàn thờ gỗ uy nghi, lồng trong 2 lớp tủ kính cường lực vững chắc. Đồng thời, triển khai hệ thống bảo vệ kỹ lưỡng, cùng với sự hỗ trợ của 16 thợ làm đá, thợ làm nhà cổ…mà anh mời về từ Huế, Đà Nẵng, Phú Yên…


C.THI