Lần thứ ba Việt Nam có mặt trong Tuần lễ các dàn nhạc châu Á 2014 diễn ra từ ngày 3 đến 9/10 tại Tokyo (Nhật Bản), Dàn nhạc giao hưởng Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM sẽ tham gia với hai tác phẩm: Nocturne Tiếng vọng (Đỗ Hồng Quân) và bản Giao hưởng số 7 của L.V.Beethoven (nghệ sĩ violin Nguyễn Hữu Nguyên trình diễn).
Lần thứ ba Việt Nam có mặt trong Tuần lễ các dàn nhạc châu Á 2014 diễn ra từ ngày 3 đến 9/10 tại Tokyo (Nhật Bản), Dàn nhạc giao hưởng Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM sẽ tham gia với hai tác phẩm: Nocturne Tiếng vọng (Đỗ Hồng Quân) và bản Giao hưởng số 7 của L.V.Beethoven (nghệ sĩ violin Nguyễn Hữu Nguyên trình diễn).
Được tổ chức thường niên từ 2002 đến nay với mục đích giao lưu và phát triển hoạt động biểu diễn của các dàn nhạc trong khu vực, Tuần lễ các dàn nhạc châu Á 2014 - liên hoan dành riêng cho các dàn nhạc giao hưởng chuyên nghiệp khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã thu hút sự tham gia của nhiều dàn nhạc trong khu vực và quốc tế như Sydney Symphony, Korean Symphony Orchestra, Guangzhou Symphony Orchestra, Shanghai Symphony Orchestra, Seoul Phiharmonic Orchestra... Việt Nam đã tham gia “sân chơi” này từ năm 2004 với đại diện là Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam và Dàn nhạc giao hưởng Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM (2008).
“Một nếp nhà tranh bên sông vắng/ Một chiếc thuyền nan chở đầy trăng/ Ai đó chờ ai trong hi vọng/ Đã mấy xuân rồi, dứt chiến tranh”.4 câu thơ của nhà thơ Trương Quang Được chính là mạch cảm xúc để nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân sáng tác Nocturne Tiếng vọng từ năm 1995 nhân kỷ niệm 20 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
4 chủ đề: Ngược dòng thời gian - Trăng của tình yêu (với hình ảnh của sông nước thanh bình và sự hồi tưởng về thời thanh xuân), Tiếng vọng chiến trường xưa (mang âm hưởng bi kịch, đấu tranh), Đợi chờ trong im lặng (khắc họa hình tượng những người phụ nữ, bà mẹ Quảng Nam sống trong hy sinh thầm lặng) cho đến Những tượng đài bất tử thể hiện sự hiến dâng anh hùng đã được chuyển tải vào tác phẩm không lời Tiếng vọng bằng những âm điệu từ âm nhạc truyền thống với phong cách, ngôn ngữ âm nhạc đương đại.
Trước khi đi lưu diễn tại Nhật Bản, Tiếng vọng đã được biểu diễn trong nước nhiều năm qua. Gần đây nhất, tác phẩm được biểu diễn dưới sự chỉ huy của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cùng Dàn nhạc Nhà hát Nhạc Vũ kịch TP.HCM vào ngày 19/5 tại Nhà hát TP.HCM.
Ở vị trí Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đánh giá việc các dàn nhạc giao hưởng của Việt Nam xuất hiện liên tục trên sân khấu quốc tế gần đây cho thấy nền âm nhạc chuyên nghiệp của Việt Nam đang được thế giới ghi nhận. Đó là một dấu hiệu tốt mà âm nhạc Việt Nam cần nắm bắt và phát huy.
Chia sẻ thêm với TT&VH, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết, đây cũng là lần thứ hai ông tham gia sự kiện này với tư cách nhạc sĩ (trước đó là tác phẩm Biến tấu trên chủ đề dân ca quan họ Bắc Ninh). Sắp tới, trong khuôn khổ Festival âm nhạc châu Á diễn ra vào tháng 11 tại Tokyo, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân tiếp tục nhận lời mời tham dự liên hoan với tư cách là chỉ huy dàn nhạc.
Chương trình biểu diễn của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM tại Liên hoan các Dàn nhạc châu Á sẽ được biểu diễn trước khi đoàn lên đường trong chương trình Giai điệu trẻ tháng 9 vào 20h ngày 29/9/2014 tại Nhà hát TP.HCM.
Theo Thể thao & Văn hóa