Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu nhiều lần nói với công chúng yêu nhạc rằng: "Trong các nhà thơ, tôi thích nhất Xuân Quỳnh, bởi thơ của Quỳnh giản dị, dễ hiểu mà sâu lắng. Đó là lời của người phụ nữ có tình yêu da diết với người mình yêu, vì thế tôi thật may mắn làm cái việc của người viết nhạc, phổ thơ và nâng thêm cho bài thơ bay lên bầu trời... mùa thu".
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu nhiều lần nói với công chúng yêu nhạc rằng: “Trong các nhà thơ, tôi thích nhất Xuân Quỳnh, bởi thơ của Quỳnh giản dị, dễ hiểu mà sâu lắng. Đó là lời của người phụ nữ có tình yêu da diết với người mình yêu, vì thế tôi thật may mắn làm cái việc của người viết nhạc, phổ thơ và nâng thêm cho bài thơ bay lên bầu trời... mùa thu”.
Cũng thật hiếm khi Thơ tình cuối mùa thu như chiếc lá vàng long lanh trên vòm cây của vườn thu mà ta có thể mở cả hai cánh cổng để chiêm ngưỡng: nhạc và thơ.
Xuân Quỳnh (sinh năm 1942) được mọi người gọi là nữ sĩ để tiếp nối cùng với Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan... Nữ thi sĩ mất năm 1988 trong một tai nạn thảm khốc nơi chân cầu Phú Lương (tỉnh Hải Dương) cùng với chồng - nhà thơ, nhà viết kịch lừng danh Lưu Quang Vũ và con trai út Lưu Quỳnh Thơ.
Nữ sĩ Xuân Quỳnh. |
Trong nhiều bản in không thấy Xuân Quỳnh ghi thời gian sáng tác bài Thơ tình cuối mùa thu cũng như Thuyền và biển, nhưng chắc chắn đó là giai đoạn cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 thế kỷ XX. Những ai đọc và biết về Xuân Quỳnh sẽ hiểu gần như các bài thơ giai đoạn này Xuân Quỳnh đều dành tặng cho người chồng tài hoa Lưu Quang Vũ. Khác hẳn giai đoạn trước, những bài thơ chị viết đều mang nét khái quát về chiến tranh, cuộc sống con người như các tập: Tơ tằm, Hoa dọc chiến hào, Lời ru trên mặt đất... Khi kết duyên với Lưu Quang Vũ, chị đổi phong cách và chủ đề với những tập thơ rất đằm thắm của người phụ nữ, người vợ, người mẹ với chồng con: Sân ga chiều em đi, Tự hát, Hoa cỏ may…
Có thể nói, Xuân Quỳnh đã dìu dắt tuổi thơ tôi lớn lên qua những tác phẩm thơ, tập truyện dành cho thiếu nhi như: Bầu trời trong quả trứng, Mùa xuân trên cánh đồng, Bến tàu trong thành phố… với những nhân vật sẻ đồng, sếu, họa mi hay hoa huệ, dâm bụt, dạ lý hương... Sau này, tôi biết những sáng tác của Xuân Quỳnh đều bắt đầu từ những điều rất giản dị, như trong lúc bế con, nấu cơm... Nhớ đến các con là chị suy nghĩ và viết để tặng cho con. Nhìn vẻ bề ngoài, Xuân Quỳnh là người phụ nữ đẹp, mau mắn với đôi mắt tươi tắn, đầy duyên sắc nhưng tâm hồn chị lại rất đa cảm. Thế nên, chỉ cần phơi một tấm áo cho con, cho chồng dưới làn nắng thu, trong gió heo may cũng làm chị xao lòng và làm thơ, viết truyện.
Trở lại với bài thơ được phổ nhạc Thơ tình cuối mùa thu, đúng như nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã nói, Xuân Quỳnh không bóng gió, cao siêu gì cả, nội dung thật dễ hiểu: Đó là tâm trạng của đôi bạn tình mà ở đây là Quỳnh - Vũ trước cuộc đời, đó là “cuối mùa thu” thật xao xác, thật cảm động nhưng cũng thật long lanh yêu thương vì Chỉ còn anh và em/Cùng tình yêu ở lại. Thực ra, trong nhiều bài thơ của Xuân Quỳnh, bài thơ này không nổi trội vì nó rất “cá nhân”, đó cũng là lý do nhiều nhà phê bình văn học ít trích dẫn so với những bài khác như Chồi biếc, Sóng, Bàn tay em, Tự hát… Vì dường như là linh cảm vô hình những năm cuối đời, Xuân Quỳnh dành hết những sáng tác của mình cho chồng và con, có những bài như đùa mà rớm nước mắt, có những bài đằm thắm, thủ thỉ yêu thương. Cũng như thế, Lưu Quang Vũ đã dốc sức viết tới hơn 40 vở kịch.
Ta có thể cảm tưởng rằng Thơ tình cuối mùa thu được người phụ nữ viết trong buổi chiều, trước thềm nhà đang tràn ngập gió heo may, bầu trời cuồn cuộn mây trắng. Người phụ nữ cảm nhận được thời gian cuộc đời đang trôi đi, trôi đi hơi xao buồn. Nhưng kết của bài thơ lại làm cho người đọc bừng tỉnh: Kìa bao người yêu mới/Đi qua cùng heo may. Chắc chắn viết tới dòng chữ này, Xuân Quỳnh đã rớm nước mắt long lanh của hạnh phúc tiếp nối.
Cũng như bài thơ, bản nhạc được phổ trong thời điểm của những khúc tráng ca nên bài hát Thơ tình cuối mùa thu không được phổ cập lắm. Chính người viết khi có mặt ở TP. Hồ Chí Minh năm 1987 cũng run lên sung sướng khi mua được tập sách nhạc có bài hát Thơ tình cuối mùa thu trên nền giấy trắng tinh, nhưng thỉnh thoảng lắm Đài Tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh mới phát bài hát này, còn các đài khác thì gần như không. Trong khi đó, bài Thuyền và biển lại được trình diễn rộng khắp, trở thành bài hát ưa thích cho các thí sinh thi thố. Chỉ đến khi ca sĩ Bảo Yến hát thì Thơ tình cuối mùa thu thực sự bùng nổ, trở thành một trong những bài hát hay nhất về mùa thu. Cùng với Bảo Yến, ca sĩ Quang Lý cũng thể hiện rất ấn tượng ca khúc này, sau này còn có giọng ca trẻ mang màu sắc dân ca như: Phương Thảo, Tân Nhàn, Minh Huyền nhưng nổi trội ngang tầm với Bảo Yến chỉ có Phương Thảo.
Bây giờ, cứ đến cuối thu, trời hanh hao se lạnh, ta lại nghe Thơ tình cuối mùa thu để thấy ấm lòng. Nữ sĩ Xuân Quỳnh đã Mùa thu ra biển cả/Theo dòng nước mênh mang/Mùa thu vào hoa cúc, nhưng với Thơ tình cuối mùa thu thì vẫn còn mãi mãi, vì đó là tình yêu.
LÊ ĐỨC DƯƠNG