Bộ phim truyện điện ảnh về đề tài biển đảo mang tên "Mộ gió" vừa được chiếu ra mắt trong khuôn khổ "Đêm điện ảnh hướng về biển đảo" do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức.
Bộ phim truyện điện ảnh về đề tài biển đảo mang tên “Mộ gió” vừa được chiếu ra mắt trong khuôn khổ “Đêm điện ảnh hướng về biển đảo” do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức. “Mộ gió” khắc khoải nỗi niềm yêu biển đã lặn vào máu thịt ngư dân, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, giản dị, tự nhiên như chuyện người Việt yêu làng, yêu nước và cho dù phải gian khổ, hy sinh vẫn sẵn sàng bám biển, bảo vệ biển của mình.
“Mộ gió” không chỉ được chú ý vì xuất hiện ở thời điểm tinh thần quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của người Việt dậy lên như sóng cồn, mà trong khuôn khổ câu chuyện ở một làng chài ven biển, phim thực sự gợi mở nhiều vấn đề về đề tài biển, đảo đối với điện ảnh đương đại. Phim được Nghệ sĩ Ưu tú, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần xây dựng trên nền câu chuyện do sĩ quan Cảnh sát biển Lê Mạnh Thường viết ra. Và đúng như tác giả từng chia sẻ, kịch bản chân chất, mang nhiều nỗi ám ảnh từ những gì “mắt thấy, tai nghe” của anh được bàn tay của nhà biên kịch lành nghề Trịnh Thanh Nhã trau chuốt, sắc sảo hơn, chạm tới vấn đề mang tính cốt lõi: Tình yêu biển, quyết tâm bám biển để gìn giữ chủ quyền của ngư dân Việt Nam.
Chuyện phim bắt đầu với “ông Tám cô đơn” quắc thước, bề ngoài lạnh lùng, nghiêm khắc nhưng ẩn giấu bên trong một khối tình sâu nặng với biển, với làng. Biết rõ nỗi hiểm nguy luôn chực chờ con người ở ngoài khơi xa, tuy vẫn đều đặn ra khơi đánh cá nhưng ông Tám tuyệt đối cấm Tiến, đứa cháu nội sớm mồ côi cha, mon men lên tàu cá ra biển. Ông lo đứa cháu nội sẽ nhận kết cục giống cha mình - một ngư dân đã bỏ thân mình ngoài khơi, giờ chỉ còn hiện diện trong ngôi “mộ gió”... Tuy thế, mang dòng máu ngư dân trong mình nên dù đang học kỹ sư chế biến thủy - hải sản, ở Tiến luôn đau đáu ước mơ vươn khơi. Sau nhiều lần “đàm phán” với ông không thành, Tiến trốn ông ra biển trên một tàu cá. Lần ấy, trong cơn bão biển tràn về, tàu cá mà Tiến có mặt lại gặp sự cố về máy móc, bị cướp biển khống chế...
Cảnh trong bộ phim “Mộ gió”. |
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho biết, vì không có trường quay nên mọi cảnh quay của phim được thể hiện trên biển. Tuy gặp rất nhiều khó khăn nhưng chính những trải nghiệm trong quá trình lênh đênh trên biển để ghi hình đã cho ông và các thành viên trong đoàn làm phim sự hiểu biết sâu sắc hơn về biển, về tình yêu và sự gắn bó của ngư dân đối với biển, với ngư trường. Đạo diễn chia sẻ: “Phim chỉ đi sâu khắc họa một khía cạnh chủ đạo trong cuộc đời của một ngư dân, đó là tình yêu biển của họ. Những ngư dân Việt Nam sống nhờ biển, làm giàu nhờ biển nên yêu biển, dù có vất vả hy sinh thì cũng vẫn một lòng bám biển. Bên cạnh họ chính là lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, những con người âm thầm, kiên trung, vì dân, vì nước”.
Sự gắn kết giữa ngư dân và lực lượng Cảnh sát biển được gửi gắm trong nhân vật Tiến. Sau khi rơi xuống nước, một mình vật lộn chống chọi với cướp biển, nhờ bơi giỏi và dũng cảm, Tiến đã sống sót và được lực lượng Cảnh sát biển ứng cứu kịp thời. Trở về nhà trong nỗi đau đáu thương nội và lo cho cuộc mưu sinh của bà con làng chài, Tiến quyết định nghỉ học, gia nhập lực lượng Cảnh sát biển để vẫn được gắn bó với biển và nhất là được góp phần bảo vệ ngư dân.
Phim có nhiều cảnh quay xúc động. Một mảng đời sống làng biển hiện lên, người xem rưng rưng khi trước mắt là cảnh người nhà ngư dân đốt đuốc đứng bên nhau, lặng im chờ tin người thân có mặt trên chiếc tàu gặp nạn; hay cảnh vuốt đất sét làm hình người cho “mộ gió”, tưới nước lên mộ vì “người chết ngoài biển lúc nào cũng thèm nước ngọt”. Tuy thế, bên cạnh những hình ảnh về sự dữ dội, vô số mối hiểm nguy mà dân chài luôn phải đối mặt và tìm cách vượt qua, “Mộ gió” cũng có những cảnh quay thơ mộng. Những cảnh sớm tinh mơ ở làng biển, nơi Tiến và người bạn gái làng chài hẹn hò giữa một màu xanh tím như voan giăng mắc vẻ bình yên như ước mong bình dị của người dân chài.
Diễn viên gạo cội Nguyễn Châu đã vào vai “ông Tám cô đơn” với “sức nặng” của sự dồn nén, tiết chế và bùng nổ cảm xúc đúng lúc. Bà Bảy, người cũng chỉ còn lại một mình sau khi chồng, con ra khơi rồi vĩnh viễn không trở về, xuất hiện không nhiều nhưng để lại cho khán giả câu nói nhiều day dứt: “Đàn bà làng biển phải học cách chờ đợi mà cũng phải học cách không chờ đợi gì”.
Rõ ràng, tuy được thực hiện trong điều kiện nhiều hạn chế nhưng “Mộ gió” đã góp phần gợi mở ý tưởng làm phim truyện điện ảnh về đề tài biển đảo, một mảng đề tài hết sức phong phú và chưa được khai thác tương xứng.
Thi Thi (HNM)