Theo thời gian, với sự phát triển của công nghệ in ấn, các rạp phim không còn sử dụng pano giới thiệu phim được vẽ bằng tay. Nghề vẽ quảng cáo phim lặng lẽ đi vào quên lãng…
Theo thời gian, với sự phát triển của công nghệ in ấn, các rạp phim không còn sử dụng pano giới thiệu phim được vẽ bằng tay. Nghề vẽ quảng cáo phim lặng lẽ đi vào quên lãng…
Lang thang trên mạng Internet, bất chợt nhìn thấy bức ảnh rạp Tân Tân năm 1967, phía trước mái vòm treo loạt pano quảng cáo phim, chợt nhớ lâu lắm rồi các rạp phim không còn sự hiện diện của các pano quảng cáo phim khổ lớn được vẽ bằng tay.
Họa sĩ Trần Hòa Ân (sinh năm 1937, người làm nghề vẽ quảng cáo phim lâu năm nhất ở Nha Trang) cho biết: Rạp phim đầu tiên ở Nha Trang có sử dụng họa sĩ vẽ quảng cáo phim là rạp Tân Tân. “Năm 1953, ông Tôn Thất Đệ mua lại rạp Abraham do người Pháp xây dựng từ những năm cuối thập niên 30 và đổi lại tên rạp là Tân Tân. Để hút khách, ông chủ đã thuê một thợ vẽ người Sài Gòn ra làm quảng cáo cho rạp phim. Tuy nhiên, đến năm 1956, vì một lý do chủ quan, ông thợ vẽ đã bỏ vào Sài Gòn. Từ vị trí phụ vẽ tôi được đưa lên làm thợ chính vì ông chủ không kiếm ra người làm”, ông Ân kể. Sau rạp Tân Tân, đến lượt rạp Minh Châu có thợ vẽ quảng cáo. “Ông chủ rạp Minh Châu đã mời ông Chín (thường gọi là Chín Minh Châu), một thợ vẽ của đoàn cải lương về vẽ quảng cáo phim cho rạp của mình”, ông Ân nhớ lại.
Rạp Tân Tân với loạt pano quảng cáo phim “Hiệp khách hành”. (Ảnh: Internet) |
Đến thập niên 60, với sự ra đời của nhiều rạp phim mới, những người làm nghề vẽ quảng cáo phim ở Nha Trang khá đông. Có thể kể đến Lê Vũ vẽ cho rạp Nha Trang, Trần Hòa Ân vẽ cho rạp Tân Tân, rạp Tân Tiến có Phạm Mậu, rạp Hưng Đạo có Lê Tình, rạp Minh Châu có ông Chín... Nghề vẽ quảng cáo phim hồi ấy thu nhập cũng khá ổn định, thợ vẽ phải ăn lương tháng như một thành phần của rạp phim. Thời bấy giờ, thông tin về phim ảnh còn khan hiếm, người ta xem phim nhiều khi chỉ dựa vào tên của diễn viên, đạo diễn. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra cho người vẽ quảng cáo phim rất cao. Theo những người trong nghề, nhìn qua thì vẽ quảng cáo phim tưởng là giản đơn, nhưng cũng cần có nghề, phải biết chọn những cảnh ấn tượng (ảnh) để đưa lên bảng pano quảng cáo, phải biết sắp xếp các cảnh sao cho hấp dẫn, nói như ông Trần Hòa Ân là “nhìn vào tấm pano giới thiệu phim người xem phải thấy diễn viên như đang cử động...”. “Trong làng vẽ quảng cáo phim ở Nha Trang, 2 họa sĩ Trần Hòa Ân và Chín Minh Châu được người trong nghề xếp vào lớp đàn anh. Anh Ân có lối vẽ hiện đại, mạnh về bố cục và ý tưởng, trong khi anh Châu lại có kiểu vẽ mang hơi truyền thống (tả thực) bởi ảnh hưởng của lối vẽ cải lương. Tôi và anh Phạm Mậu ảnh hưởng bởi lối vẽ của anh Ân”, họa sĩ Lê Vũ nói.
Mấy mươi năm đã trôi qua, nhưng kỷ niệm về nghề vẽ quảng cáo phim ai cũng bồi hồi. Họa sĩ Lê Vũ kể: “Có lần nhân dịp Tết năm Ngọ, anh Chín Minh Châu vẽ một con ngựa thật to chồm ngang phía trước rạp Minh Châu. Đến phim cao bồi, anh ấy vẽ thêm người cao bồi tay cầm súng ngồi trên ngựa rất ấn tượng. Đến cảnh khác lại dựa theo đó mà thay đổi. Khi chiếu phim về lực sĩ Hercules, anh ấy lại vẽ hình Hercules cơ bắp cuồn cuộn tay cầm 2 xích sắt đặt ngay cổng rạp, người đi qua đi lại vẫn đi giữa 2 chân của chàng lực sĩ”. Họa sĩ Trần Hòa Ân được nhiều người trong nghề đánh giá cao khi vẽ pano quảng cáo bộ phim The Longest day (Ngày dài nhất) - bộ phim về quân đồng minh đổ bộ vào bờ biển Normandi (Pháp), trận đánh đưa đến bước ngoặt của thế chiến thứ hai dẫn đến những thất bại của quân phát xít Đức về sau. “Cả tấm pano lớn tôi vẽ một bãi biển, lệch về bên trái là một khẩu súng cắm trên cát, phía trên nòng súng chụp cái mũ sắt. Thay vì giới thiệu tên diễn viên như thường lệ, phía trên tôi vẽ từng khuôn mặt diễn viên trong những ô nhỏ liên tiếp nhau như cuộn phim kéo ngang qua màn ảnh...”, họa sĩ Trần Hòa Ân nhớ lại.
Ở Nha Trang, từ những năm 90 của thế kỷ trước, các rạp chiếu phim hoạt động ngày càng khó khăn nên những người làm nghề vẽ quảng cáo phim đã chuyển nghề. Cách đây khoảng 10 năm, mỗi lần đến mùa phim Tết, Trung tâm Điện ảnh Khánh Hòa vẫn sử dụng các tấm pano khổ lớn để giới thiệu phim. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, các rạp phim đã “đoạn tuyệt” với việc vẽ pano giới thiệu phim, thay vào đó các poster phim được in khổ lớn... Ngày còn nhỏ, tôi rất mê các tấm pano giới thiệu phim, không ít lần tôi đã ngồi hàng giờ chỉ để xem người thợ vẽ các gương mặt tài tử điện ảnh, các cảnh chiến đấu rất hấp dẫn. Những lần không có tiền xem phim, nhìn các pano ấy, tôi cứ tưởng tượng ra những trường đoạn hành động hấp dẫn, những tình huống ngặt nghèo mà nhân vật chính phải đối mặt... Với tôi, những tấm pano quảng cáo phim ấy giống như biểu trưng của một thứ ánh sáng văn hóa. Bây giờ, cái “ánh sáng” ấy đã được thay thế bằng những “ánh sáng” hiện đại hơn nhưng sao không có cảm xúc như ngày xưa!
THÀNH NGUYỄN