10:09, 22/09/2014

Người Việt có mặt ở Trường Sa từ rất sớm

Ngày 22-9, trong khuôn khổ Hội nghị Nghiên cứu khảo cổ học tiền sơ sử Khánh Hòa, Phó Giáo sư, Tiến sĩ  Bùi Văn Liêm - Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học đã báo cáo kết quả của đợt khảo sát khảo cổ học mới nhất ở Trường Sa. Qua các hiện vật thu được ở chuyến đi này cho thấy, muộn nhất từ thế kỷ X, người Việt đã đến Trường Sa.

Ngày 22-9, trong khuôn khổ Hội nghị Nghiên cứu khảo cổ học tiền sơ sử Khánh Hòa, Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS) Bùi Văn Liêm - Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học đã báo cáo kết quả của đợt khảo sát khảo cổ học mới nhất ở Trường Sa. Qua các hiện vật thu được ở chuyến đi này cho thấy, muộn nhất từ thế kỷ X, người Việt đã đến Trường Sa.


Nhiều hiện vật khảo cổ ở Trường Sa


Theo kế hoạch hợp tác giữa Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và tỉnh Khánh Hòa, từ ngày 21-6 đến 29-6, đoàn công tác khảo cổ gồm 10 thành viên thuộc Viện Khảo cổ học, Cục Di sản văn hóa, Bảo tàng Khánh Hòa, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP. Hồ Chí Minh đã điều tra khảo sát ở 4 đảo: Trường Sa Lớn, Nam Yết, Sơn Ca, Phan Vinh. Khi đào hố thám sát ở đảo Trường Sa Lớn và Nam Yết, đoàn đã thu được 4 mảnh gốm thời tiền sử, ngoài ra còn thu được một số mảnh gốm thời Trần, Lê và một số mảnh sành có niên đại khoảng thế kỷ XVIII - XIX. Ở các hố thám sát, các nhà khoa học đã phát hiện dưới lớp cát tôn nền đảo có lớp cát trắng xám lẫn màu đen nghi là tầng văn hóa.

 

datay2013.jpg
Một góc đảo Đá Tây, Trường Sa.


PGS.TS Bùi Văn Liêm cho biết, việc nghiên cứu khảo cổ học về Trường Sa đã được tiến hành từ những năm 90 của thế kỷ trước. Theo chỉ thị của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, bắt đầu từ năm 1993, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia (nay là Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), trực tiếp Viện Khảo cổ học đã tiến hành nghiên cứu khảo cổ học ở Trường Sa. Giai đoạn 1993 - 1995, Viện Khảo cổ học đã điều tra và khai quật khảo cổ trên các đảo: Trường Sa Lớn, Nam Yết và Song Tử Tây. Năm 1999, Viện Khảo cổ học tiếp tục tiến hành điều tra và khai quật khảo cổ học trên 7 đảo thuộc quần đảo Trường Sa gồm: Sơn Ca, Sinh Tồn, Phan Vinh, An Bang, Trường Sa Đông, Tốc Tan và Đá Tây. Trong 2 đợt này, các nhà nghiên cứu đã thu 498 hiện vật, trong đó có gốm thô Sa Huỳnh, đồ gốm sứ có niên đại từ thế kỷ XIII - XVIII, đồ sành, tiền kim loại thời Nguyễn (niên hiệu Minh Mạng, Tự Đức). Hiện nay, Bảo tàng Khánh Hòa lưu giữ 79 mảnh gốm, sứ thu được trong đợt khảo sát, khai quật khảo cổ ở quần đảo Trường Sa giai đoạn 1993 - 1999.

 

Các nhà nghiên cứu đi khảo sát về khảo cổ  ở đảo Trường Sa Lớn.
Các nhà nghiên cứu đi khảo sát về khảo cổ ở đảo Trường Sa Lớn.

 
“Kết quả khảo sát khảo cổ học ở Trường Sa lần này tiếp tục khẳng định và củng cố thêm kết luận từ các đợt điều tra, khai quật khảo cổ học ở quần đảo này giai đoạn 1993 - 1999 rằng: Đã thấy những chứng cứ khoa học hiển nhiên về hoạt động trên biển của cư dân tiền sử cũng như của người Việt trong lịch sử ở quần đảo Trường Sa”, PGS.TS Bùi Văn Liêm kết luận.


Sự có mặt liên tục của người Việt


Theo các nhà nghiên cứu, với những hiện vật thu lượm được qua các đợt điều tra khai quật trước đây và số hiện vật thu được lần này, có thể khẳng định, sự có mặt liên tục của người Việt Nam trên các hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Trên đảo Trường Sa Lớn, các nhà nghiên cứu đã phát hiện những mảnh gốm văn hóa Sa Huỳnh. Điều này cho thấy, có thể cư dân Sa Huỳnh từng đặt chân đến đây. “Những nghiên cứu khảo cổ học cho thấy, văn hóa Sa Huỳnh đã lan tỏa đến Philippines, nên việc gốm Sa Huỳnh có mặt ở Trường Sa là điều hợp lý. Tuy nhiên, để đưa ra kết luận một cách chân thực, cần có những nghiên cứu sâu hơn”, PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam bày tỏ.

 

1
Một số mảnh gốm thu được ở đảo Nam Yết.


Trong nghiên cứu trước đây, dựa vào những mảnh gốm thu được ở các đảo Trường Sa Lớn, Nam Yết…, các nhà khảo cổ khẳng định, ít nhất, người Việt đã có mặt ở quần đảo Trường Sa từ cuối thời Trần (thế kỷ XIII). Tuy nhiên, tại hội thảo lần này, PGS.TS Tống Trung Tín cho biết, niên đại của các mảnh gốm, sứ này còn có mặt sớm hơn. “Các nghiên cứu gần đây cho thấy, trong số các mảnh gốm, sứ thu được ở quần đảo Trường Sa có những mảnh gốm thuộc về thời Đinh - Tiền Lê. Như vậy, ít nhất, người Việt đã có mặt ở quần đảo Trường Sa từ thế kỷ X”, PGS.TS Tống Trung Tín khẳng định. Sự có mặt của tiền kim loại thời Nguyễn trên đảo Nam Yết rất phù hợp với những ghi chép của Lê Quý Đôn trong Phủ Biên tạp lục (viết năm 1776) về việc các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã lập những đội Hoàng Sa, Bắc Hải đến các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa… để thu hải sản và các sản vật của những tàu đắm.  


Việc điều tra, khai quật khảo cổ học ở quần đảo Trường Sa trước đây và kết quả của đợt khảo sát lần này hết sức có ý nghĩa với việc khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam đối với quần đảo này. “Tới đây, chúng tôi sẽ đề nghị nghiên cứu sâu hơn về khảo cổ ở Trường Sa…”, PGS.TS Bùi Văn Liêm nói.


XUÂN THÀNH