05:09, 18/09/2014

Khẳng định giá trị văn hóa biển đảo xứ Trầm Hương

Ngày 19-9, Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa sẽ khai mạc triển lãm "Văn hóa biển đảo Khánh Hòa", đồng thời phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học xã hội tổ chức hội thảo khoa học với đề tài "Khảo cổ học tiền sơ sử Khánh Hòa". Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Chí Tâm - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết:

Ngày 19-9, Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa sẽ khai mạc triển lãm “Văn hóa biển đảo Khánh Hòa”, đồng thời phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học xã hội tổ chức hội thảo khoa học với đề tài “Khảo cổ học tiền sơ sử Khánh Hòa”. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Chí Tâm - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết:


- Hình ảnh, tư liệu, hiện vật về văn hóa biển, đảo Khánh Hòa rất phong phú. Tuy nhiên, vì diện tích trưng bày có hạn nên ở triển lãm lần này chúng tôi chỉ giới thiệu hơn 150 hình ảnh, hiện vật, tư liệu lịch sử tiêu biểu về văn hóa biển, đảo ở Khánh Hòa. Trong đó, có những hiện vật được khai quật từ các di chỉ thuộc văn hóa Xóm Cồn, di chỉ Hòa Diêm, hiện vật khảo cổ ở quần đảo Trường Sa, các bản đồ cổ thể hiện Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam, các châu bản triều Nguyễn ghi chép về việc quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Ngoài ra, tại triển lãm, chúng tôi sẽ giới thiệu các ngành nghề mang tính truyền thống của xứ Trầm Hương như: yến sào, nghề làm nước mắm, các phương thức đánh bắt thủy sản truyền thống... Qua đó, công chúng sẽ thấy được phần nào những nét đặc trưng của văn hóa biển, đảo xứ Trầm Hương - nơi mà văn hóa biển hiện diện trong tất cả mọi mặt của đời sống.


- Cùng với triển lãm, ngành Văn hóa còn phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học xã hội tổ chức hội thảo khoa học với đề tài “Khảo cổ học tiền sơ sử Khánh Hòa”. Vì sao có sự kết hợp này, thưa ông?

 


- Hiện chúng tôi đang thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học (cấp tỉnh) “Khảo cổ học tiền sơ sử Khánh Hòa”. Việc tổ chức hội thảo là nhằm thu thập thêm các ý kiến của các chuyên gia khảo cổ học, các nhà nghiên cứu lịch sử để phục vụ cho việc thực hiện đề tài nói trên. Tại hội thảo, chúng tôi sẽ báo cáo kết quả đào thám sát ở 4 địa điểm khảo cổ Vĩnh Hải, Suối Cam, Gò Điệp (Cam Lâm) và Gò Miếu (Cam Ranh) cùng những đánh giá sơ bộ ban đầu. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng sẽ trình bày một số vấn đề liên quan đến khảo cổ học tiền sơ sử Khánh Hòa như: đặc trưng phân bố các di tích khảo cổ tiền sử và sơ sử ở Khánh Hòa; đồ trang sức của cư dân cổ Khánh Hòa; giao lưu văn hóa giữa cư dân cổ Khánh Hòa với các văn hóa đồng đại trong khu vực và xa hơn... Đặc biệt, trong hội thảo, các chuyên gia khảo cổ học sẽ công bố kết quả đợt khảo sát khảo cổ ở quần đảo Trường Sa vào tháng 6-2014. Cũng cần nói thêm, trong văn hóa tiền sơ sử của Khánh Hòa, yếu tố biển đảo rất rõ nét, chính vì vậy nên hội thảo và triển lãm là sự kết hợp, bổ sung cho nhau rất tốt.


- Ngành Văn hóa mong muốn gì qua triển lãm, hội thảo lần này, thưa ông?


- Triển lãm và hội thảo lần này giới thiệu những thông tin có giá trị liên quan đến văn hóa biển, đảo Khánh Hòa, trong đó có khảo cổ học tiền sơ sử. Đó là những tiền đề quan trọng để tỉnh có thể xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm tăng cường phát huy giá trị văn hóa biển, đảo vào thực tế cuộc sống. Đồng thời, chúng tôi cũng mong muốn triển lãm sẽ góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, trong việc giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc cũng như những giá trị văn hóa truyền thống gắn liền với biển, đảo.


X.T (Thực hiện)