Cuộc đời nhạc sĩ Văn Cao có nhiều thăng trầm, khiến không ít người đã ví ông với Trương Chi, người ngư phủ - nghệ sĩ cô đơn trong bản nhạc cùng tên của ông. Tuy nhiên, nhìn lại loạt ca khúc tiền chiến của người nhạc sĩ tài hoa này, có thể thấy hình bóng chàng Trương luôn bàng bạc trong trong âm nhạc của ông chứ không riêng gì tình khúc này.
Cuộc đời nhạc sĩ Văn Cao có nhiều thăng trầm, khiến không ít người đã ví ông với Trương Chi, người ngư phủ - nghệ sĩ cô đơn trong bản nhạc cùng tên của ông. Tuy nhiên, nhìn lại loạt ca khúc tiền chiến của người nhạc sĩ tài hoa này, có thể thấy hình bóng chàng Trương luôn bàng bạc trong trong âm nhạc của ông chứ không riêng gì tình khúc này.
Trong ca khúc Cung đàn xưa, người nghe bắt gặp tiếng đàn tài hoa của chàng Trương: Chiều năm nay. Tiếng người khơi thương. Tiếng đàn gieo oan. Giấc mộng chàng Trương… Ở đây, hình bóng của Trương Chi chỉ thoảng qua, được Văn Cao mượn để nói đến một mối tình tương tư với người đẹp “gót hài khai hoa”, “mắt huyền lưu xuân”. Hình dáng của chàng Trương Chi dần rõ nét hơn ở Thiên Thai. Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng. Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc chốn Đào Nguyên..., mỗi lần nghe đoạn nhạc này cùng “tiếng đàn xao xuyến” tôi lại nghĩ đến chàng Trương Chi cắm sào ôm đàn gảy bên mạn thuyền, phải là anh chàng ngư phủ ấy mới có thể có tiếng hát, tiếng đàn hay đến vậy. Trong hồi ký Nhớ, khi nhắc đến bài hát này, nhạc sĩ Phạm Duy nhận định: “Có lẽ, chiếc thuyền trong bài hát này là của Trương Chi mà Văn Cao đã cho hai chàng Lưu Nguyễn mượn tạm. Và những âm ba của giọng hát mà Văn Cao nói tới trong đoạn này đã làm cho hoa đào nơi suối tiên phải rụng cánh, có lẽ đó là tiếng hát của người thợ chài trên sông Ngự, trong cuộc đời có thực hay truyện cổ lung linh vậy”... Hình bóng Trương Chi được nhạc sĩ Văn Cao âm thầm nuôi dưỡng để rồi một ngày khi mọi thứ đã chín muồi, ông đưa chàng ngư phủ - nghệ sĩ ấy lên đỉnh cao với tuyệt phẩm Trương Chi.
Ca sĩ Ánh Tuyết biểu diễn ca khúc “Trương Chi”. |
Với người Việt, tích truyện Trương Chi - Mỵ Nương không hề xa lạ. Câu chuyện cổ tích ấy từng được lưu truyền trong dân gian theo lối văn vần: Ngày xưa có anh Trương Chi. Người thì thậm xấu, tiếng thì thật hay. Cô Mỵ Nương vốn ở lầu Tây. Con quan Thừa tướng ngày ngày cấm cung… Nhiều văn nghệ sĩ đã dựa vào câu chuyện cổ ấy làm cảm hứng sáng tác. Cùng thời với Trương Chi của Văn Cao, nhạc sĩ Hùng Lân viết Hận Trương Chi, Phạm Duy viết Khối tình Trương Chi. Sau này, nhạc Việt còn có Chuyện tình Trương Chi, Mỵ Nương (Anh Bằng), Trương Chi và Mỵ Nương (Lê Hựu Hà và Tùng Châu), Khúc hát Trương Chi (Đặng Hữu Phúc). Điều đáng nói, trong khi các đồng nghiệp kể lại câu chuyện cổ bằng nhạc, ca ngợi mối tình Trương Chi - Mỵ Nương thì Văn Cao lại chỉ xem đó như là duyên cớ, cái nền để đề cập đến con người và số phận, sự cô đơn của người nghệ sĩ trước thời cuộc.
Tương truyền, ngày xưa có chàng ngư phủ mồ côi Trương Chi có tiếng sáo rất hay. Tiếng sáo của anh làm Mỵ Nương - con gái quan Tể tướng say đắm. Một thời gian, Trương Chi bị ốm, Mỵ Nương nhớ tiếng sáo đến ngã bệnh. Biết chuyện, quan Tể tướng đã mời chàng Trương đến thổi sáo chữa bệnh. Khỏi bệnh, Mỵ Nương cho mời Trương Chi vào gặp nhưng khi nhìn thấy gương mặt xấu xí của chàng, nàng đã quay mặt đi. Sau lần gặp ấy, Trương Chi đã đem lòng yêu Mỵ Nương, mang bệnh tương tư mà chết. Trải qua bao năm tháng chôn vùi dưới đất, thân xác đã tiêu tan nhưng trái tim Trương Chi kết thành một khối ngọc đỏ thắm như thách thức với thiên thu, thủy chung chờ đợi. Về sau có người tình cờ tìm được khối ngọc này, tiện thành một bộ đồ trà và đem dâng quan Tể tướng. Trong một yến tiệc, quan Tể tướng sai lấy bình trà quý ra dùng. Khi rót nước vào chén, Mỵ Nương chợt thấy trong chén trà hình bóng con thuyền của Trương Chi và tiếng sáo ngày xưa vọng về. Nhớ đến người xưa, Mỵ Nương khóc, nước mắt nhỏ vào trong chén và chén trà tan đi trong tay nàng. |
Nhạc sĩ Văn Cao mở đầu tuyệt phẩm Trương Chi bằng những giai điệu huyền ảo, ca từ đầy chất thơ: Một chiều xưa trăng nước chưa thành thơ. Trầm trầm không gian mới rung thành tơ. Vương vất heo may hoa yến mong chờ. Ôi tiếng cầm ca thu tới bao giờ… Lời ca thiên về miêu tả đưa con người về thuở sơ khai, khi “trăng nước chưa thành thơ” - một thế giới chưa có nghệ thuật, chưa có sáng tạo. Rồi âm nhạc xuất hiện kéo theo mùa thu tới. Ngay sau đó, ông đưa tiếng nhạc của Trương Chi đến với Mỵ Nương: Lòng chiều bơ vơ lúc Thu vừa sang. Chập chùng đêm khuya tiếng ai phòng loan. Một cánh chim rơi trong khúc nhạc vàng. Đây đó từng song he hé đợi đàn… Chỉ vài ca từ, Văn Cao đã cho thấy Mỵ Nương rất say mê tiếng đàn của chàng nghệ sĩ nghèo. Văn Cao không đi sâu vào chuyện tình éo le ấy như nhiều nhạc sĩ khác, thay vào đó ông nói đến tâm thế của chàng nghệ sĩ Trương Chi trước sự phũ phàng của người tri kỷ. Anh Trương Chi. Tiếng hát ngàn xưa còn rung. Anh thương nhớ, oán trách cuộc từ ly não nùng… Kỳ thực, điều sâu xa mà nhạc sĩ muốn đề cập đến là thái độ của Trương Chi trước sự “phụ bạc” của Mỵ Nương, cũng là của người đời vốn thường xem trọng vẻ bề ngoài hơn là phẩm chất cao quý bên trong. Đò ơi! Đêm nay dòng sông Thương dâng cao mà ai hát dưới trăng ngà. Ngồi đây ta gõ ván thuyền ta ca trái đất còn riêng ta, phải chăng đó là tinh thần tự chủ của người nghệ sĩ. Thông qua Trương Chi, Văn Cao ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của người nghệ sĩ, thế nhưng nhiều người chỉ nhớ đến Trương Chi như một bản nhạc tình mà ít để ý đến khía cạnh này. Ca khúc Trương Chi còn có phần lời 2: Từ ngày trăng mơ nước in thành thơ. Lạc loài hương thu thoáng vương đường tơ. Ngây ngất không gian rên xiết lay bờ. Bao tiếng cầm ca rung ánh sao mờ… Tuy nhiên, các ca sĩ khi trình bày đều chỉ hát phần lời 1!
Nhạc sĩ Văn Cao viết Trương Chi năm 1942, khi vừa tròn 19 tuổi. Như một định mệnh, cuộc đời ông cũng lắm phen chìm nổi như số phận chàng Trương. Ca sĩ Ánh Tuyết kể rằng, có lần đã hỏi nhạc sĩ Văn Cao về xuất xứ của bài hát Trương Chi, người nhạc sĩ tài hoa khẽ khàng thổ lộ: “Trương Chi là tôi đấy”. Cũng may, với tâm thế làm chủ mình, ông vẫn vượt qua được những chìm nổi của danh lợi. Trong câu chuyện xưa, trái tim của Trương Chi đã tan rã nhưng “tiếng hát ngàn xưa còn rung”, thì nay nhạc sĩ Văn Cao ra đi nhưng những tuyệt phẩm của ông vẫn còn mãi!
THÀNH NGUYỄN