Bao đời nay, người Việt gắn bó với biển, đảo và có một nền văn hóa biển hết sức phong phú. Thế nhưng đến nay, vẫn rất ít phim truyện nhựa, phim truyền hình khai thác chủ đề này.
Bao đời nay, người Việt gắn bó với biển, đảo và có một nền văn hóa biển hết sức phong phú. Thế nhưng đến nay, vẫn rất ít phim truyện nhựa, phim truyền hình khai thác chủ đề này.
Những năm gần đây, rất nhiều phim truyền hình ăn khách được làm về đề tài nông thôn như: Đất và người, Ma làng, Gió làng Kình… mới nhất là phim Bão qua làng. Những bộ phim về nông thôn miền Bắc đã phản ánh chân thực, sinh động mọi ngóc ngách đời sống ở thôn quê: từ những mối thù dòng họ truyền đời, sự lộng hành chuyên quyền của những quan chức địa phương, sự bảo thủ lạc hậu đến những vấn đề “nóng” của xã hội hôm nay như đền bù đất đai. Bên cạnh đó, mảng phim lấy bối cảnh nông thôn miệt vườn sông nước miền Nam cũng được khai thác nhiều như các phim: Hương phù sa, Sông dài, Cá rô - em yêu anh…, làm bật lên vẻ đẹp của sông nước, miệt vườn Nam bộ, tình người chân chất của người dân nơi đây. Sự thành công của những bộ phim này đã góp phần lôi kéo khán giả về với phim Việt. Tuy nhiên, có cảm giác các nhà làm phim đã nghiêng quá nhiều về 2 đầu đất nước mà bỏ quên khúc ruột miền Trung. Bao năm qua, dải đất miền Trung với nhiều làng biển giàu văn hóa, với những con người ngày đêm bám biển ít được chú ý.
Một cảnh trong phim “Đảo ngọt”. |
Đến bây giờ, hình như chưa có phim truyền hình nào làm về đề tài đời sống người dân vùng biển. Phim truyện nhựa lấy chủ đề về biển, đảo có thể kể trên đầu ngón tay. Một trong những phim thành công nhất liên quan đến biển đảo là Hải nguyệt (đạo diễn Trần Mỹ Hà, giải A Hội điện ảnh Việt Nam năm 1998). Phim kể về tình yêu biển, yêu quê hương của Hải Nguyệt (Hồng Ánh) - cô gái sinh ra trong gia đình ba đời làm nước mắm. Sau ngày đất nước giải phóng, trong khi cha đưa cả gia đình ra nước ngoài thì cô quyết định ở lại quê hương cùng với bà cố. Bà đột ngột qua đời, để lại cho Hải Nguyệt biết bao khó khăn nhưng cô vẫn nuôi ước mơ cháy bỏng: khôi phục nghề truyền thống của gia đình. Hơn 15 năm qua, hầu như không có thêm bộ phim mới nào lấy chủ đề về biển, đảo. Đây phải chăng là điều bất hợp lý ở một đất nước luôn “thao thức” với Biển Đông.
Đến cuối tháng 8 vừa qua mới có thêm 2 bộ phim về biển, đảo: Đảo ngọt (kịch bản và đạo diễn Châu Huế - Hùng Vỹ, phát sóng tối 31-8 trên VTV1) và Mộ gió (kịch bản Lê Mạnh Thường, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần). Nếu như Đảo ngọt là câu chuyện nhẹ nhàng về tình cảm, hoài bão của các chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền của đất nước thì Mộ gió lại sâu sắc hơn. Cũng là câu chuyện về bám biển, nhưng Mộ gió đã nói lên được tình yêu ngàn đời của người dân Việt Nam với biển, dù biết bao người đã nằm lại với biển khơi, được người thân tưởng nhớ bằng những ngôi mộ gió. Có thể nói, Mộ gió, Đảo ngọt được chú ý không chỉ vì xuất hiện ở thời điểm mà tinh thần quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của người Việt đang lên cao, mà quan trọng hơn, thông qua câu chuyện một làng chài ven biển, phim đã gợi mở nhiều chủ đề về đề tài biển, đảo. Nước Việt Nam có chiều dài bờ biển hơn 3.400km, với nhiều văn hóa làng biển đặc sắc. Nếu biết khai thác, những tập tục văn hóa khác biệt như tục thờ cá Voi, các nghề biển truyền thống... có thể sẽ trở thành những đề tài hấp dẫn.
Đâu là nguyên nhân khiến các nhà làm phim không mặn mà với phim về biển, đảo? Có thể dễ dàng chỉ ra đó là do thiếu kịch bản hay, đặc biệt là khó khăn về kinh phí. Cách đây mấy năm, nhà biên kịch Đặng Minh Châu từng nói anh ấp ủ viết kịch bản phim lấy bối cảnh về các làng biển ở Nha Trang, nhưng khi đề xuất ý tưởng thì nhiều đơn vị sản xuất phim từ chối vì ngại đi xa tốn kém; máy móc hiện đại mới thực hiện được các cảnh quay về sóng nước có hiệu quả cao...
Thiết nghĩ, việc đưa đoàn làm phim đi xa có thể khiến chi phí làm phim tốn kém hơn nhưng bù lại chắc chắn sẽ thu hút được khán giả. Hơn nữa, trong tình hình hiện nay rất cần có những bộ phim truyền hình, phim truyện nhựa về biển, đảo để tiếp thêm sức mạnh cho những người con đang ngày đêm bám biển, gieo thêm tình yêu biển, đảo trong lòng người Việt.
XUÂN THÀNH