Trong ký ức mỗi người, có lẽ hình ảnh người thầy và mái trường tuổi thơ luôn để lại dấu ấn sâu đậm nhất. Nhưng phải là người đứng trên bục giảng, từng gắn bó với mái trường, với đàn em thơ thì mới có những cảm nhận, những cảm xúc "bồi hồi xao xuyến lạ" khi nghe tiếng trống khai trường.
Trong ký ức mỗi người, có lẽ hình ảnh người thầy và mái trường tuổi thơ luôn để lại dấu ấn sâu đậm nhất. Nhưng phải là người đứng trên bục giảng, từng gắn bó với mái trường, với đàn em thơ thì mới có những cảm nhận, những cảm xúc “bồi hồi xao xuyến lạ” khi nghe tiếng trống khai trường. Bài thơ Thầy giáo già và năm học mới của Nguyễn Sĩ Đại có tứ thơ không mới nhưng nhà thơ đã thể hiện những cảm xúc bình dị mà sâu lắng về tình thầy trò, mái trường tuổi thơ, về truyền thống hiếu học của dân tộc.
Vẫn là tiếng trống khai trường mỗi độ thu về nhưng với thầy giáo già sao nghe lòng xao động, vẫn thấy bồi hồi như thuở nào cắp sách tới trường. Hơn ai hết, từng gắn bó với mái trường tuổi thơ, thầy hiểu cả những “niềm vui khó tả” của bao thế hệ học trò. Và thầy hẳn không nhớ hết “đã bao nhiêu thế hệ” đến rồi lại đi. Nhưng với thế hệ trẻ thì vẫn “ánh mắt trẻ bao giờ cũng trẻ”. Ánh mắt họ vẫn cứ sáng trong, tươi trẻ dù cuộc đời có dâu bể đổi thay. Ánh mắt ấy như muốn nói bao điều. Và điều quan trọng hơn muốn nói là họ vẫn Ngước nhìn thầy như ngước một người cha. Đó là thái độ tin cậy của thế hệ học trò đối với người thầy đáng kính, mẫu mực, có tâm nguyện tất cả vì học sinh thân yêu...
Tình cảm không chỉ là sự tin cậy. Một niềm tin sắt son với thế hệ trẻ khi họ vẫn từng lớn lên từ mái trường, đi vào mọi nẻo đường cuộc sống mà vẫn bắt đầu “từ cửa lớp đi ra”. Tình cảm còn là sự ghi nhận lương tâm, phẩm chất và công lao của người thầy. Trong nhà trường, thầy giáo không chỉ dạy chữ mà còn dạy làm người. Và với những người thầy đáng kính thì cả đời sao cứ băn khoăn vì tuổi thơ như lúc nào cũng cảm thấy Tấm bảng nào cũng hẹp. Câu thơ như gợi lên bao điều muốn nói, chất chứa cả tấm lòng của tác giả muốn dành cho người thầy đã từng giảng dạy mình. Đây là một biểu hiện sinh động của tình thầy trò, hay là tình cảm trách nhiệm của người thầy.
Nhưng với một dân tộc có 4.000 năm văn hiến, những điều kỳ diệu, “lạ lùng” nhất vẫn thuộc về lịch sử. Lịch sử ấy là mùa thu cách mạng, những mùa thu Cờ vẫn thắm như ngày đầu dựng nước. Nhắc đến truyền thống cha ông, không thể không nói tới tinh thần hiếu học của dân tộc như một truyền thống quý báu nhất. Điều muốn nói là truyền thống và hiện đại vẫn luôn đan xen nhau, tạo nên nét bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là một sự kết hợp hài hòa, tự nhiên, hợp quy luật như một Trời Nguyễn Khuyến hay hình ảnh Nắng lựng vàng hoa mướp giữa vườn quê... Yêu biết bao hình ảnh mộc mạc, giản dị mà sâu sắc tình cảm dân tộc. Phải có một sự tinh tế, một thái độ trân trọng, tác giả mới xây dựng được hình ảnh mang nhiều ý nghĩa như thế.
Nói truyền thống cũng là để nói cái hiện tại và tương lai của sự học. Nếu truyền thống là bệ phóng thì hiện tại là con tàu tri thức để tiến vào tương lai. Và nhà thơ đã tôn vinh sự học như cảm thấu vai trò của nhà trường trong sự nghiệp cách mạng hôm nay. Cho nên, cái xao động của người thầy giáo già, và cái nao nức của tuổi trẻ học đường mỗi khi mùa thu lại về, tiếng trống trường lại điểm cũng là lẽ thường tình, tự nhiên. Điều quan trọng hơn là phải trang bị cho các em những gì để làm hành trang bước vào tương lai cuộc sống? Đây có lẽ không chỉ là nỗi niềm băn khoăn của thầy giáo già mà còn là của toàn xã hội. Còn với nhà thơ, như có một gợi mở: Lấy đời rộng, trời xanh làm trang giấy/Viết tên mình mạch lạc trước bao la. Câu thơ thật đẹp không chỉ vì có những từ ngữ, hình ảnh gợi cảm mà còn chất chứa một tấm lòng làm sao cho các em được khôn lớn, trưởng thành...
Bài thơ nói về đạo làm thầy, về sự học mà cũng chứa bao cảm xúc về quê hương đất nước. Không có lòng thiện cảm hẳn không có những cảm xúc sâu sắc như thế. Tác giả nói hộ hơn là người trong cuộc khi anh là một nhà báo (từng công tác ở Báo Nhân Dân, hiện công tác ở Thời báo Doanh nhân Việt Nam) và cũng là một nhà thơ. Điều muốn nói là bài thơ đã thể hiện được những điều cao cả, thiêng liêng của đạo làm thầy, truyền thống hiếu học của dân tộc ta, nhất là trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
Trọng Nguyên
Thầy giáo già và năm học mới
Thầy giáo già nghe tiếng trống đầu năm
Lòng bỗng thấy bồi hồi xao xuyến lạ
Có cậu bé mang niềm vui khó tả
Mùa thu vàng sánh bước dưới hàng cây.
Những hàng ghế vơi đi, những hàng ghế lại đầy
Thầy không nhớ đã bao nhiêu thế hệ
Ánh mắt trẻ bao giờ cũng trẻ
Ngước nhìn thầy như ngước một người cha.
Con đường dài từ cửa lớp đi ra
Viên phấn nhỏ, tấm bảng nào cũng hẹp
Thầy đã nói về bao điều tốt đẹp
Có những điều ít thấy ở ngoài kia!
Nhưng mùa thu nước Việt lạ lùng chưa
Cờ vẫn thắm như ngày đầu dựng nước
Trời Nguyễn Khuyến treo tầng không xanh ngắt
Nắng lựng vàng hoa mướp giữa vườn quê...
Bài học đầu tiên, nào lại mở sách ra
Thầy và các em bước vào năm học mới
Lấy đời rộng, trời xanh làm trang giấy
Viết tên mình mạch lạc trước bao la.
Nguyễn Sĩ Đại