Tối Thứ sáu tuần qua, trên màn ảnh kênh VTV1, hiện lên hình ảnh đen trắng với những xác người khô quắp nằm la liệt. Đó là những thước phim trong bộ phim tài liệu "Những tháng năm không thể lãng quên".
Tối Thứ sáu tuần qua, trên màn ảnh kênh VTV1, hiện lên hình ảnh đen trắng với những xác người khô quắp nằm la liệt. Đó là những thước phim trong bộ phim tài liệu “Những tháng năm không thể lãng quên”.
Năm 1945, năm lịch sử dân tộc sang trang với cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công. Đó cũng là năm đất nước trải qua nỗi đau 2 triệu người chết đói. Sự kiện đau thương ấy hẳn ai cũng biết qua sách sử, qua những thước phim tư liệu được phát lại hàng năm vào dịp kỷ niệm những ngày tháng Tám lịch sử. Nhưng bộ phim lần này là một cuộc hành trình của những người làm nghề qua những nẻo đường, vùng quê, gặp nhiều chứng nhân lịch sử, tái hiện ký ức của họ về thời khắc đau thương ấy. Những khoảnh khắc nghẹn ngào theo ký ức của các nhân chứng sống, về những xác người khô khốc nằm la liệt các nẻo đường, nhiều đến độ người ta phải nén lòng gom lại mà châm lửa đốt. Xem mà lạnh người theo lời kể của Giáo sư sử học Lê Văn Lan tái hiện hình ảnh đoàn người cứu đói nhét từng nắm cơm vào tay người đói, dẫu cho lắm người như không còn đủ sức lực để đưa nắm cơm lên miệng; hay cái cảnh phu xe cứ thế lầm lũi lôi xác người lên xe kéo dọc đường đi, cả những người vẫn còn chút hơi tàn nhưng chẳng đủ sức bật lên lời. Bộ phim còn là xúc cảm về tấm lòng một người đàn ông tự nguyện làm công việc thắp hương tưởng niệm những nạn nhân chết đói năm 1945. Để rồi khép lại phim là ước vọng về một khu tưởng niệm dành cho nạn nhân chết đói năm ấy còn đau đáu trong tâm tư ông như thể là lời để ngỏ cho các thế hệ mai sau...
Tháng năm ấy không có tuổi trẻ chúng tôi; cũng không có thế hệ bố mẹ chúng tôi khi nhẩm tính lại tuổi tác, dẫu cho trong nhiều câu chuyện kể về thời xưa của thế hệ trước bên mâm cơm gia đình cũng có những ký ức về chiến tranh, về những lần sơ tán vì bom đạn. Cái năm ấy chỉ có thể mường tượng qua lịch sử của những trang sách, thước phim, lời kể.
Những tháng năm không thể nào quên, của các nhân chứng sống; của những người muốn ghi lại mãi mãi một thời khắc dù oanh liệt hay đau thương của lịch sử dân tộc; của những người làm công tác truyền thông, mỗi năm lại nhớ đến những thước phim tư liệu để phát, như để nhắc nhở các thế hệ bây giờ, trong đó có chính mình về những năm tháng không thể nào quên của lớp lớp người đi trước.
Có thể còn có nhiều bộ phim như thế mà những người trẻ đã bỏ lỡ. Nhưng vẫn thầm cảm ơn những người đã làm một chuyến đi khắp nẻo để làm bộ phim tài liệu ấy. Giống như cái cách làm xanh những bài nhạc đỏ bằng những sân chơi âm nhạc kiểu Giai điệu tự hào, Tuổi 20 hát... như một bài báo đề cập cách đây vài ngày, đó cũng là một cách để lịch sử không bao giờ bị lãng quên, dù biết rằng, thế hệ hôm nay có xem hay không, có nhớ hay không thì nó vẫn mãi là một phần của lịch sử, một phần làm nên lịch sử dân tộc.
B.T