10:08, 15/08/2014

Từ văn học đến màn ảnh...

Việc đưa các tác phẩm văn học lên màn ảnh không phải là điều gì mới mẻ. Rất nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng trên thế giới đã được chuyển thể thành phim (thậm chí là nhiều lần).

Việc đưa các tác phẩm văn học lên màn ảnh không phải là điều gì mới mẻ. Rất nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng trên thế giới đã được chuyển thể thành phim (thậm chí là nhiều lần). Ở Việt Nam, hầu hết các bộ phim kinh điển như: Con chim vành khuyên, Chị Tư Hậu, Vợ chồng A Phủ, Làng Vũ Đại ngày ấy, Chị Dậu, Nổi gió, Ván bài lật ngửa, Đêm hội Long Trì… đều là tác phẩm chuyển thể. Thực tế sẽ không bao giờ có một sự trùng khớp hoàn toàn giữa văn học với điện ảnh. Trong một số trường hợp người biên kịch, đạo diễn đã sáng tạo thêm những nhân vật mới, tình tiết mới, thậm chí thay đổi màn kết theo ý tưởng của mình. Có người đã thành công, nhưng cũng không ít người thất bại với những màn “thêm, bớt” đó.


Người Việt ai cũng yêu thích bộ phim tình báo Ván bài lật ngửa (đạo diễn Khôi Nguyên), nhưng không phải ai cũng biết phim này được làm dựa theo tiểu thuyết Giữa biển giáo rừng gươm của Nguyễn Trương Thiên Lý (tức nhà cách mạng - nhà báo Trần Bạch Đằng). Thực tế bộ phim chỉ là phần đầu của tiểu thuyết, rất nhiều nhân vật không có trong tiểu thuyết đã được đạo diễn thêm vào để tạo nên sự hấp dẫn cho bộ phim như: lão già đầu bạc người Hoa, người đẹp Monique, tướng cướp Bảy “Cầu Muối”… Trong tập sách Thành phố những gương mặt điện ảnh (Hội Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh xuất bản năm 1986), nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan cho biết, khi phim được trình chiếu, nhà báo Trần Bạch Đằng đã đánh giá rất cao bộ phim: “Đạo diễn có những xử lý tốt về mặt kỹ thuật”, tuy nhiên ông lại không thích việc lạm dụng đánh đấm, phô trương ngoại hình, nhân vật có bề ngoài hào nhoáng không phù hợp với hình ảnh của một nhà tình báo cách mạng. Nhà báo Trần Bạch Đằng cho rằng, việc đạo diễn thêm thắt một số nhân vật phụ như lão già đầu bạc, người đẹp Monique đã làm lu mờ tuyến nhân vật chính. Ở cuối tập 4, đạo diễn đã bày ra chuyện Nguyễn Thành Luân đơn thương độc mã đi giải cứu vợ một cách mạo hiểm theo kiểu người hùng là sự xa rời kịch bản, không phù hợp với tính cách công tác của người chiến sĩ tình báo chiến lược. Thế nhưng, nếu như ngoại hình của Nguyễn Thành Luân không bắt mắt, không có những pha hành động gay cấn, không có những nhân vật có tính “câu khách” kia… chắc gì phim đã thu hút đến vậy.

 

Cảnh trong phim Cánh đồng bất tận.
Cảnh trong phim Cánh đồng bất tận.


Phim Người không mang họ (chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Xuân Đức), đạo diễn Long Vân đã chọn một cái kết khác hẳn với tiểu thuyết. Trong tác phẩm của nhà văn Xuân Đức, tướng cướp Trương Sỏi đã bị các chiến sĩ công an bắt giữ và bị tử hình. Thế nhưng, khi làm phim đạo diễn Long Vân đã chọn một cái kết theo kiểu vui vẻ bằng việc để cho Trương Sỏi lấy thân mình đỡ đạn cho Khánh Hòa - nữ chiến sĩ công an mà y từng quen biết. Phát đạn đó đã đưa tướng cướp hoàn lương. Kiểu kết thúc rất ép-phê đó đã đưa Trương Sỏi trở thành mẫu người hùng được nhiều khán giả yêu thích. Tuy nhiên, điều này đã làm cho phim khác xa với tinh thần nguyên bản của tiểu thuyết. Nhà văn Xuân Đức có lần tâm sự, sau khi phim chiếu nhiều thanh niên đã tự xưng mình là Lãm, Trương Sỏi, đó là điều mà ông không hề muốn, bởi ông không có ý định xây dựng một nhân vật người hùng quanh nhân vật Trương Sỏi mà chỉ muốn cho thấy thời cuộc đã xô đẩy một con người lương thiện trở thành một tướng cướp!


Phim Đất và người (đạo diễn Nguyễn Hữu Phần - Phạm Thanh Phong) chuyển thể từ tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của nhà văn Nguyễn Khắc Trường cũng rất thành công. Một trong những nhân vật hấp dẫn nhất, được nhiều người yêu thích nhất chính là Chu Văn Quềnh do nghệ sĩ Hán Văn Tình đóng. Câu nói của Quềnh “Không nên hoãn cái sự sung sướng đó lại” trở thành câu nói cửa miệng của nhiều người suốt một thời gian dài. Thế nhưng, những ai từng đọc sách mới biết, Quềnh của phim khác xa so với nguyên tác văn học. Trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Khắc Trường, Quềnh chết ở ngay đầu câu chuyện vì sau khi ăn no lại đi đóng gạch nên bị chảy máu dạ dày, còn trong phim Quềnh lại là một nhân vật  chính xuyên suốt, gây nhiều chi tiết hài hước. Ai tinh ý, có thể nhận ra Quềnh chính là sự kết hợp giữa 2 nhân vật Quềnh và Thó trong tiểu thuyết.


Gần đây nhất, bộ phim Cánh đồng bất tận (chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư), đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đã chọn cho đứa con tinh thần của mình một cái kết lạc quan hơn. Truyện kết thúc với cảnh Nương bị hãm hiếp, ông Võ chạy đến muộn màng chỉ còn biết tìm những gì có thể che đậy cơ thể của đứa con gái tội nghiệp dưới ánh mặt trời. Thế nhưng, khi làm phim đạo diễn đã đẩy đi xa hơn với việc thêm cảnh kết - ông Võ thay đổi tính tình, từ người cục cằn, thù đời… trở thành người đưa đò hồn hậu. Cái kết ấy đã bị nhiều bạn đọc lên tiếng là khiên cưỡng, lạc quan quá mức so với tác phẩm văn học. Trả lời cho luồng ý kiến này, đạo diễn nói: “Cần phải để bộ phim có đời sống riêng và không thể làm phim giống y như truyện”.


Văn học và điện ảnh là 2 tác phẩm độc lập, có đời sống khác nhau. Biết vậy, nhưng khi xem những bộ phim chuyển thể dù muốn hay không, khán giả bao giờ cũng có tâm lý so sánh bản phim với tác phẩm văn học, lên tiếng chỉ trích từ sự khác biệt đó. Liên quan đến vấn đề này, nhà biên kịch Đặng Minh Châu (tác giả kịch bản phim Mùa lá rụng - chuyển thể từ 2 tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn và Đám cưới không giá thú) cho biết: Việc trung thành 100% so với tác phẩm hay thêm bớt nhân vật không phải là điều quá quan trọng mà quan trọng nhất là phim phải nói được điều mà tác giả gửi gắm trong tác phẩm. Việc chọn một cái kết khác so với tác phẩm gốc nếu làm tác phẩm hay hơn thì cũng không có gì phải phàn nàn!


THÀNH NGUYỄN