Nhà thơ Quang Dũng (1921 - 1988) là một người hào hoa, lãng tử phiêu du. Đường đời, đường thơ của ông trải dài từ đồng bằng lên miền núi, từ nông thôn đến thành thị… mà đỉnh cao chính là "Tây Tiến" - tuyệt tác được kết tinh giữa hồn thơ lãng mạn với hiện thực cách mạng bi tráng.
Nhà thơ Quang Dũng (1921 - 1988) là một người hào hoa, lãng tử phiêu du. Đường đời, đường thơ của ông trải dài từ đồng bằng lên miền núi, từ nông thôn đến thành thị… mà đỉnh cao chính là “Tây Tiến” - tuyệt tác được kết tinh giữa hồn thơ lãng mạn với hiện thực cách mạng bi tráng.
Gõ 4 chữ “nhà thơ Quang Dũng” vào phần tìm kiếm hình ảnh trên google, trước mặt tôi hiện ra bức hình đen trắng chụp người thanh niên rất đẹp trai, đó là thi sĩ Quang Dũng năm 32 tuổi. Nhìn bức ảnh đã nhuốm màu thời gian, tôi tự hỏi vì đâu chàng thanh niên Bùi Đình Diệm lại đặt cho mình cái bút danh đầy dũng khí ấy. Nhà thơ Trần Lê Văn, một người bạn thân của tác giả Tây Tiến cho biết: Thuở thanh niên, người bạn của mình rất mê các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn, vì thích nhân vật Dũng (một thanh niên có chí khí) trong tiểu thuyết Đoạn tuyệt của Nhất Linh nên chàng đã chọn bút danh là Quang Dũng. Thế nhưng, có người khác lại nói bút danh Quang Dũng xuất phát từ tên con trai đầu lòng của nhà thơ. Không biết đâu là đáp án chính xác nhưng có lẽ không có bút danh nào hay và hợp với ông đến thế. Hai chữ Quang Dũng ăn nhập tuyệt đối với dáng người cao lớn, gương mặt vuông vắn mũi cao, ria rậm... tính tình lãng tử và chất thơ kiêu hùng, bi tráng của ông.
Sinh ra ở Đan Phượng, Hà Tây (nay là Hà Nội), một vùng đất giàu truyền thống thi ca, Quang Dũng bén duyên với thơ từ rất sớm. Ở tuổi 16 (1937) ông đã có bài thơ Chiêu Quân (cung phi nhà Hán). Ngay từ bài thơ đầu tay, thơ ông đã có giọng điệu rất riêng khó trộn lẫn: Đây Nhạn Môn Quan đường ải vắng/Trường Thành xa lắm Hán Vương ơi!/Chiêu Quân che khép mền chiên bạch/Gió bấc trời Phiên thấm lạnh rồi. Trong giọng thơ sầu bi ai oán, nhuốm chút gì đó có vẻ cổ xưa đã ngầm báo hiệu sự xuất hiện của một hồn thơ lãng mạn. Rời ghế nhà trường ông không đi làm mà nổi máu giang hồ đi kéo đàn cho gánh hát, làm gia sư để thỏa chí nay đây mai đó.
Cách mạng Tháng Tám thành công, ông hồ hởi tham gia cách mạng. Đất nước giữa thời tao loạn, như nhiều bạn bè cùng trang lứa, Quang Dũng cũng đã xếp bút nghiên lên đường đánh giặc. Ngày ra đi kháng chiến được ông ghi lại một cách hào sảng như tráng sĩ ra trận thời xưa: Thôi nhé miền xuôi! Thôi tạm biệt/Thôi chào Hà Nội lửa ngang trời/Ta đi/… Cổng chéo - Đồng Xuân - thề một chết/Hàng Gai tay bỏng trục “ba càng”/Đất cũ Thăng Long người lẫm liệt (Những làng đi qua). Ông bước vào chiến trận mà như bước chân phiêu lãng giang hồ, say mê hồ hởi đến lạ. Chính cái tâm thế lãng mạn ấy, với hiện thực cách mạng khắc nghiệt đã giúp hồn thơ Quang Dũng bay cao, mà Tây Tiến chính là đỉnh cao.
Bài thơ Tây Tiến vừa có cái đẹp hùng tráng của núi rừng hiểm trở và vẻ bình dị nên thơ của cuộc sống nơi bản làng miền núi, có cảm hứng mạnh mẽ hòa hợp với chất trữ tình nhẹ nhàng mềm mại trong thơ. Và hơn hết, ở đó có chân dung những người lính hào hoa: Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/Quân xanh màu lá dữ oai hùm/Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm. Bằng những đường cọ, nhà thơ đã vẽ nên bức tranh sinh động về chân dung người lính Tây Tiến, một kiểu tráng sĩ - thi sĩ của thời hiện đại. Với khổ thơ về cái chết hào hùng, bi tráng của người lính Tây Tiến, nhà thơ đã tạc nên một tượng đài về người lính Tây Tiến: Rải rác biên cương mồ viễn xứ/Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/Áo bào thay chiếu anh về đất/Sông Mã gầm lên khúc độc hành. Đọc Tây Tiến, không có một chữ nào nhà thơ viết về mình nhưng người đọc vẫn thấy hồn cốt nhà thơ trong đó. Điều hấp dẫn bạn đọc, người lính Tây Tiến của Quang Dũng không chỉ anh dũng mà còn rất đỗi hào hoa, rất người và rất “đời”. Đã có một thời, Tây Tiến bị phê phán có tư tưởng tiểu tư sản, ủy mị... nhưng thời gian đã chứng minh đây là một bài thơ tuyệt tác, như Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Lai Thúy đánh giá: “Tây Tiến là trường hợp thơ chỉ một bước đi vào cổ điển. Nó vượt qua sự lưỡng phân cũ/mới, truyền thống/hiện đại để đạt đến sự nhất nguyên của cái đẹp, một giá trị nằm ngoài thời gian”. Đề cập đến Tây Tiến, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã viết: “Không có Quang Dũng, Tây Tiến chỉ đơn thuần là một sự kiện lịch sử quân sự. Có Quang Dũng và bài thơ mang tên này của ông, Tây Tiến trở thành lịch sử tâm hồn, của văn hóa, của tinh thần một giống nòi. Tây Tiến thơ đã cấp sức sống cho địa dư sông núi chiến trận, đã biến Tây Tiến đoàn quân thành bất tử”.
Không biết có phải vì cái căn cốt lãng tử, thích đi đây đó để khám phá mà Quang Dũng luôn bị ám ảnh bởi những áng mây - biểu tượng của sự tự do vĩnh cửu. Mây cứ trở đi trở lại trong thơ của ông trở thành một thi ảnh giàu ý nghĩa. Ở bài thơ Tây Tiến ông có bức họa “heo hút cồn mây súng ngửi trời”, Mắt người Sơn Tây ông nhớ “xứ Đoài mây trắng lắm”... đến khi về sống ở Hà Nội ông vẫn thèm được làm “Mây ở đầu ô” để được “lang thang”, “hẹn những chân trời xa lạ”. Ngẫm lại, đời thơ của Quang Dũng cũng như áng mây. Cũng vì cái tính ưa lãng du, thích vẽ vời mà có lần ông gặp rắc rối. Chuyện là có lần ông về Vĩnh Phú để thăm nhà văn Sao Mai, đến ngã ba sông Bạch Hạc Việt Trì, trong khi đang chờ cầu phao để qua sông, vì ham ký họa cảnh mấy anh lính chiến trực pháo trên nóc lô cốt, Quang Dũng đã bị cánh lính “nêu cao tinh thần cảnh giác” bắt về trụ sở. Tại đây, khi xét hỏi, ông lại quên không đem thẻ căn cước, chỉ có thẻ hội viên Hội Nhà văn nhưng oái oăm thay, người trong thẻ lại không có râu trong khi nhà thơ lại có râu. May sao, một anh lính yêu thơ sau khi nghe Quang Dũng giải thích đã để cho ông đi vì: “Thời buổi này chỉ có nhà thơ mới quên căn cước, mới để râu mà không hề lo khi người ta đối chiếu với ảnh người thật”. Bao năm, ông cứ như một áng mây trắng xứ Đoài hồn nhiên lang thang từ làng ra phố, hết phố lên rừng, rồi lại từ rừng về phố. Cái tính ưa phiêu lãng hồn nhiên vô tư ấy đã cho ông không ít vần thơ tuyệt tác nhưng cũng làm ông mất đi không ít sáng tác có giá trị. Nhiều bạn thơ kể lại, sinh thời, Quang Dũng rất nghệ sĩ, không có ý thức lưu giữ sáng tác cẩn thận. Nhiều bài thơ được ông ghi lẫn vào sổ mua gạo, sổ ghi công việc của cơ quan, sổ tay của bạn bè... nên nhiều bài bị thất lạc. Làm thơ từ thuở hoa niên nhưng mãi đến cuối đời, khi đã nằm trên giường bệnh, ông mới in tập thơ riêng - Mây đầu ô (1986).
Ở đời không có cái gì tuyệt đối. Nếu như không có cái tính lãng mạn, ưa xê dịch đó, chắc gì đã có một thi sĩ Quang Dũng nức tiếng của “xứ Đoài mây trắng”. Tính cách quyết định số phận, âu đó cũng là quy luật!
XUÂN THÀNH