12:08, 22/08/2014

Kiều Hưng, tiếng hát một thời

Trong chương trình "Giai điệu tự hào" tháng 7-2014 trên kênh VTV1, nhiều khán giả rất xúc động được "gặp lại" Kiều Hưng trên sân khấu. Với khán giả trẻ hôm nay, không mấy người biết ông cụ có giọng hát trong veo kia là một trong những ca sĩ hàng đầu suốt thập niên 70, 80.

Trong chương trình “Giai điệu tự hào” tháng 7-2014 trên kênh VTV1, nhiều khán giả rất xúc động được “gặp lại” Kiều Hưng trên sân khấu. Với khán giả trẻ hôm nay, không mấy người biết ông cụ có giọng hát trong veo kia là một trong những ca sĩ hàng đầu suốt thập niên 70, 80. Nói như nhiếp ảnh gia trẻ Na Sơn tại sân khấu thì “Kiều Hưng - người hát tình ca số 1 của Việt Nam mọi thời!”.


Ngã rẽ của anh phụ đài


Kiều Hưng được khán giả Hà Nội và miền Bắc biết đến với bài hát “Bài ca trên núi” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, lời của nhà văn Tô Hoài, trong bộ phim “Vợ chồng A Phủ” năm 1961. Hôm ra mắt phim ở rạp Tháng Tám, nhiều người, kể cả nhạc sĩ La Thăng - Đoàn trưởng Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương - cũng thốt lên: “Cậu nào hát hay thế?”. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương càng kinh ngạc hơn: “Cậu này hát rất có chất Mèo (tiếng gọi người H’Mông những năm 60), mà lời của mình đâu dài và hay thế?”. Chả là Kiều Hưng thấy lời gốc ngắn quá đã sáng tác thêm lời cho trọn vẹn bản tình ca. Sau đó mới biết anh chàng hát hay kia chính là một người đang làm phụ đài của đoàn mình, nhạc sĩ La Thăng liền cất nhắc lên làm ca sĩ hát bè.


Kiều Hưng sau này kể lại, ông vốn quê Phú Xuyên - Hà Tây, con địa chủ nhưng là phận con vợ lẽ thứ 7 nên Kiều Tất Hưng (tên khai sinh) cũng chẳng sung sướng gì. Sau ngày giải phóng Thủ đô 1954, ông ra Hà Nội học nghề may, thích ca hát nên xin thi vào trường âm nhạc nhưng không đậu. Vậy nhưng, máu văn nghệ trong ông vẫn không buông mặc dù phải làm đủ nghề tự do, kể cả bán báo. May sao, Kiều Tất Hưng xin được vào Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương với công việc phụ đài.

 

Trong chương trình “Giai điệu tự hào” tháng 7-2014 trên kênh VTV1, nhiều khán giả rất xúc động được “gặp lại” Kiều Hưng trên sân khấu. Với khán giả trẻ hôm nay, không mấy người biết ông cụ có giọng hát trong veo kia là một trong những ca sĩ hàng đầu suốt thập niên 70, 80.
Ca sĩ Kiều Hưng hát cùng Nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền.


Tuy hát rất hay nhưng do chỉ được tham gia tốp ca nên Kiều Hưng vẫn lận đận. Chỉ tới khi đi diễn trên các tuyến lửa miền Trung, Quảng Bình hay các trận địa pháo, tên lửa khắp miền Bắc thì Kiều Hưng mới có cơ hội hát đơn. Chính từ đây, chất giọng riêng biệt đầy truyền cảm của Kiều Hưng được mọi người ghi nhận.


Nhiều người vẫn tự hỏi Kiều Hưng tuy là giọng nam cao nhưng khi thể hiện những bài hát rất nhẹ nhàng như không, ông hát dân ca cũng đầy truyền cảm, thoảng đưa như dòng sông Nhuệ quê hương. Cùng lứa thì Trung Kiên hát hào sảng khí thế, Quý Dương hát chất bác học, Trần Hiếu trầm lắng hóm hỉnh, Kiều Hưng hát trong veo, đơn giản mà sang trọng. Tuy có năng khiếu thiên bẩm nhưng do không được đào tạo bài bản nên khi rất thành công những năm cuối thập niên 60, Kiều Hưng đã hiểu sự hạn chế của mình. Vì thế, đầu năm 70, khi chiến tranh còn ác liệt, Kiều Hưng được 2 sự lựa chọn: Đi biểu diễn ở các nước XHCN và dân chủ để tuyên truyền cho thế giới ủng hộ Việt Nam và đi học nhạc ở nước ngoài. Kiều Hưng chọn đi học và Nhạc viện Kiev (Ukraine) thuộc Liên Xô cũ là điểm đến tu nghiệp. Nơi đây, cùng với bạn bè là ca sĩ, nhạc sĩ như: Trung Kiên, Trần Thu Hà (nghệ sĩ piano), Nguyễn Đức Toàn... Kiều Hưng đã được trang bị trọn vẹn kiến thức âm nhạc chuyên nghiệp.


Khi trở về, với hành trang học tập bài bản, Kiều Hưng trở thành ca sĩ hàng đầu, toàn diện ở mọi thể loại nhạc nhẹ. Càng hay nữa, Kiều Hưng dù học ở phương Tây nhưng khi hát, nhất là thể loại dân ca, ông vẫn giữ hồn cốt quê hương dân tộc mà mọi người vẫn nhớ như: Bèo dạt mây trôi, Inh lả ơi, Xuân bản mèo... Đặc biệt, những bản nhạc có âm hưởng dân ca thì Kiều Hưng xử lý quá tuyệt vời.


Ngày trở về


Kiều Hưng đã đứng trên đỉnh cao âm nhạc gần 20 năm cho tới năm 1991. Đây chính là khoảng lặng dẫn đến một ngả rẽ khác của danh ca này. Ông theo vợ sang Liên Xô, Đông Âu sụp đổ, ông sang Đức định cư. Có thời điểm vì miếng cơm manh áo xứ người, ông đi hát cho các trung tâm hải ngoại với những bài hát thuộc loại “nhạc vàng” đã làm cho tên tuổi Kiều Hưng “biến mất” tại quê nhà. Ngay cả việc về nước thăm nhà cũng “nghìn trùng cách trở” vì Kiều Hưng cảm thấy mình như có lỗi với đất nước. Trong một lần sang Pháp, bạn ông, Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên khi đó với tư cách là Thứ trưởng Bộ Văn hóa đã đứng ra bảo lãnh cho ông về thăm quê mà Kiều Hưng vẫn băn khoăn. Mãi cho đến sau năm 2000, ông mới về. Một nhà báo đi du lịch ở Đức kể, Kiều Hưng với con của mình đã giúp cộng đồng người Việt định cư ở Đức hòa nhập với văn hóa Đức bằng việc dạy nhạc. Ngoài dạy nhạc bác học, Kiều Hưng còn dạy dân ca Việt nên nhiều đứa trẻ ở đây rất thích bác Kiều Hưng hát dân ca!


Kiều Hưng đã trở lại quê hương với tâm thế của một người con của đất nước. Chẳng ai trách gì nhưng ông vẫn nặng lòng về thời gian xa cách.


Tôi xem trên youtube có nhiều đoạn phim do bạn bè, khán giả hâm mộ Kiều Hưng tự quay mới thấy, hóa ra cái tên Kiều Hưng không bao giờ phai nhạt. Mỗi khi ông từ Đức trở về, từ sân bay tới ngôi nhà nhỏ ở ngõ Hào Nam gần Nhạc viện luôn có bạn bè, người hâm mộ mang hoa đón và thăm vui. Chỉ có điều, ngày ra đi còn trung niên khỏe mạnh, nay trở về thành ông lão gần 80 tuổi (ông sinh năm 1937). Vậy nhưng gương mặt ông luôn rạng rỡ. Trong hàng trăm bài hát mà Kiều Hưng thể hiện có bài “Về thăm mẹ” của nhạc sĩ Trần Chung, trong đó có câu: Rạo rực niềm vui, nhớ về thăm mẹ. Rộn ràng bàn chân, đường quê mong nhớ!… Đó chính là nỗi lòng của ông, Nghệ sĩ Ưu tú Kiều Hưng, người hát tình ca hay nhất mọi thời!


Dương Trang Hương