"Sức mua giảm, sự cạnh tranh gay gắt của các loại hình truyền thông…" - đó là nhận định của Cục Xuất bản, in và phát hành về những khó khăn của ngành trong những tháng gần đây. Có thể coi đó là những tác động khách quan, còn chủ quan thì trong nội bộ ngành xuất bản, in và phát hành vẫn còn nhiều yếu tố làm giảm tốc độ quá trình phát triển.
“Sức mua giảm, sự cạnh tranh gay gắt của các loại hình truyền thông…” - đó là nhận định của Cục Xuất bản, in và phát hành về những khó khăn của ngành trong những tháng gần đây. Có thể coi đó là những tác động khách quan, còn chủ quan thì trong nội bộ ngành xuất bản, in và phát hành vẫn còn nhiều yếu tố làm giảm tốc độ quá trình phát triển.
Lỗi cũ lặp lại
Mới đây, khi cuốn tiểu thuyết mới của một nhà văn nổi tiếng được xuất bản, thì trong những ồn ào bình phẩm trên mạng xã hội của văn giới, báo giới có một chi tiết đáng buồn là sách có nhiều lỗi chính tả. Còn theo đánh giá của Cục Xuất bản, in và phát hành thì trong 6 tháng đầu năm nay có “nhiều cuốn sách còn sai quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp, sai tên người, địa danh, thời gian, sự kiện lịch sử... Ví như cuốn “Những anh hùng trong lòng dân” của Nhà xuất bản (NXB) Nghệ An, cuốn “Trang viết cuộc đời” - NXB Hội Nhà văn... Đặc biệt, có đến 13 cuốn sách mắc phải sai sót đáng tiếc là sử dụng logo, hình ảnh minh họa bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện đầy đủ chủ quyền quốc gia.
Xác suất lỗi in ấn trong xuất bản chỉ cho phép một tỷ lệ nhất định, nhưng điều quan trọng là người đọc hôm nay có quyền đòi hỏi một cuốn sách “sạch” theo nhiều nghĩa. Có khi chỉ vì thiếu cái dấu, mặc dù vẫn luận ra được nghĩa, nhưng ai cấm được người đọc khó chịu? Từ chuyện lỗi câu chữ, dẫn đến việc biên tập lơ là, bỏ lọt những cuốn sách mà chi tiết này, đoạn văn nọ còn nguyên tính dung tục. Có ít nhất 10 cuốn sách vi phạm điều này và đã bị cơ quan chức năng xử lý, trong đó có cả tác phẩm của NXB Hội Nhà văn... Và có thể con số này trong thực tế còn lớn hơn nhiều.
Việc ra đời hình thức xuất bản điện tử góp phần giúp bạn đọc có thêm cơ hội đọc sách, mua sách một cách linh hoạt hơn. |
Bên cạnh đó, một số yêu cầu tất yếu của quy trình xuất bản như nộp lưu chiểu xuất bản phẩm, ghi thông tin trên xuất bản phẩm... vẫn còn chưa được khắc phục hoàn toàn. Nhiều NXB đợi nhắc mới nộp lưu chiểu, hoặc nộp dồn... Việc ghi thông tin trên xuất bản phẩm đã được quy định trong Luật Xuất bản, nhưng 6 tháng đầu năm nay cũng có đến 74 cuốn sách vi phạm nội dung này... Thực tế, việc này ảnh hưởng nhiều đến công tác quản lý cả về số lượng lẫn chất lượng xuất bản phẩm. Đã có những cuốn sách gây ồn ào trong dư luận vì những sai sót hoặc có yếu tố nhạy cảm, nhưng khi truy ra mới biết là chưa nộp lưu chiểu.
Căn bệnh nằm ở đâu?
Năm 2014 là năm đánh dấu 10 năm thực hiện Chỉ thị 42/CT-TƯ của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”. Những hạn chế của xuất bản nêu trên thực chất vẫn phản ánh căn bệnh căn cốt của xuất bản nước nhà là nội lực còn yếu. Sức mua giảm, hay cạnh tranh của các loại hình truyền thông... là những vấn đề đã nói đi nói lại. Khó thì đúng thật khó, nhưng đó cũng vẫn là những yếu tố khách quan.
Nếu như các đối tác liên kết còn chưa phải chịu trách nhiệm về nội dung cuốn sách mà mình tham gia biên tập; nếu NXB còn phó mặc hoàn toàn cho đối tác và những đơn vị làm sách uy tín vẫn để lọt những lỗi sai đáng tiếc, hay trách nhiệm cơ bản là nộp lưu chiểu và ghi đầy đủ thông tin vẫn bị bỏ qua... thì nội lực của xuất bản trong nước nói chung còn giậm chân dài dài.
Điểm sáng đáng chú ý nếu có trong những tháng vừa qua có lẽ là việc nỗ lực tiếp cận độc giả bằng các hình thức mới của nhiều NXB. Đó chính là đẩy mạnh xuất bản điện tử. 10 NXB trong số 63 NXB trong cả nước tham gia hình thức xuất bản này vẫn là con số khiêm tốn, song trong bối cảnh hiện nay thì đây là một nỗ lực của những người làm nghề. Cũng như vậy, với hơn 2.500 xuất bản phẩm điện tử được đưa vào khai thác trong những tháng đầu năm, mặc dù phần lớn là tác phẩm đã được in bằng sách giấy, thì ít nhiều đây cũng là một tín hiệu đáng mừng cho thấy những rục rịch chuyển động của hoạt động xuất bản... Có thể kể đến NXB với trang sách điện tử Ybook riêng, NXB Kim Đồng có thư viện sách điện tử vừa khai trương với nhiều hình thức đọc sách miễn phí, mua sách phong phú, linh hoạt. Bên cạnh đó là NXB Thời đại, NXB Thông tin và Truyền thông và một số NXB khác hiện đang xây dựng, nâng cấp trung tâm phát hành sách in thông qua Internet; đưa ứng dụng kỹ thuật số vào xây dựng giải pháp xuất bản sách điện tử...
Như trên đã nói, 2014 là năm sẽ diễn ra tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 42 của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”. Tuy nhiên, cứ nhìn kỹ những biểu hiện của lĩnh vực này trong ít tháng vừa qua cũng có thể thấy “cuộc nhìn lại 10 năm” tới đây sẽ tiếp tục phải đối diện với nhiều thách thức về nội lực của ngành xuất bản.
Hà Dương (HNM)