11:08, 22/08/2014

Đi hết 79 mùa xuân đời người, nhà văn đậm chất Nam bộ Anh Đức nay đã về với "hòn đất" của riêng mình

Các thế hệ người đọc Việt Nam có lẽ ai cũng đều biết đến cái tên Anh Đức, tác giả của cuốn tiểu thuyết "Hòn đất" được trích đoạn trong sách văn học phổ thông cùng với các trích đoạn tác phẩm: "Giấc mơ ông lão vườn chim", "Bức thư Cà Mau". Ông được coi là một nhà văn của đất và con người phương Nam.

Các thế hệ người đọc Việt Nam có lẽ ai cũng đều biết đến cái tên Anh Đức, tác giả của cuốn tiểu thuyết “Hòn đất” được trích đoạn trong sách văn học phổ thông cùng với các trích đoạn tác phẩm: “Giấc mơ ông lão vườn chim”, “Bức thư Cà Mau”. Ông được coi là một nhà văn của đất và con người phương Nam. Các tác phẩm của ông (“Hòn đất”, “Đứa con của đất”, “Miền sóng vỗ”, “Lão anh hùng dưới hầm bí mật”...) được đánh giá là nêu bật được nét đặc sắc của vùng đất Nam bộ, ca ngợi tình người, sự anh dũng của lực lượng kháng chiến ở miền Nam Việt Nam. Chất Nam bộ trong văn của ông giúp bạn đọc hiểu thêm về con người và mảnh đất nơi thành đồng Tổ quốc.

 

Nhà văn Anh Đức tên thật là Bùi Đức Ái, sinh năm 1935 tại xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Ông từng đoạt giải nhất truyện ngắn của tạp chí Văn Nghệ (năm 1958), giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu (năm 1965). Năm 2000, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học.

Trong số các tác phẩm, tiểu thuyết “Hòn đất” đã làm nên tên tuổi ông (đoạt giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu, năm 1965). Tác phẩm này được coi là một trong những tiểu thuyết viết về chiến tranh tiêu biểu thời bấy giờ với những nhân vật rất sống động. Cho tới giờ, bạn đọc vẫn luôn nhớ tới “Hòn đất” với hình tượng nhân vật chị Sứ được chuyển thể thành kịch bản phim “Hòn Đất”. Một tác phẩm khác của ông cũng để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc là “Một chuyện chép ở bệnh viện”, với hình tượng nhân vật chị Tư Hậu trong truyện cũng đã được chuyển thể thành kịch bản phim “Chị Tư Hậu”.


Còn tôi, khi đọc dòng tin trên báo nhà văn Anh Đức đã về với cõi vĩnh hằng tối 21-8, ngay lập tức trong ký ức tôi hiện lên lần may mắn được gặp ông. Với tôi, đó là cuộc gặp bất ngờ trong phút chốc, thật ra là chỉ vài phút nhưng vẫn để lại ấn tượng cho đến bây giờ. Chuyện cách đây mười mấy năm, khi còn là sinh viên văn khoa, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP. Hồ Chí Minh, tôi cũng tập tành sáng tác thơ và thỉnh thoảng gửi cho Tạp chí Văn, tờ báo khi ấy do nhà văn Anh Đức làm Tổng Biên tập. Trong một lần đạp xe đến Tòa soạn tạp chí Văn (số 81 Trần Quốc Thảo, quận 3, TP. Hồ Chí Minh) lĩnh nhuận bút, tôi đã gặp ông. Khi đó ông hỏi tôi đi đâu, tên gì, và khi tôi trả lời, ông à lên rồi nói quê tôi thể nào cũng là gốc ở vùng Hà Nam Ninh ngày trước, bởi đọc giọng văn là đoán biết ngay. Lúc ấy tôi chỉ biết cười gật đầu, thầm khen ông thật tinh tế.


Giờ thì ông đã về với đất sau khi đi hết 79 mùa xuân đời người. Chân trời văn nghiệp của ông mở ra với “Hòn đất”, nay hòn đất ấy lại bao dung ôm ấp ông vào trong từng thớ đất...


G.C