Đoạn phim tư liệu Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ở Quảng trường Ba Đình với những lời lẽ thuyết phục, hùng hồn đã in sâu vào tâm trí người Việt Nam suốt mấy mươi năm qua. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, đằng sau những thước phim ấy là một câu chuyện dài, trong đó có những bí ẩn…
Đoạn phim tư liệu Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ở Quảng trường Ba Đình với những lời lẽ thuyết phục, hùng hồn đã in sâu vào tâm trí người Việt Nam suốt mấy mươi năm qua. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, đằng sau những thước phim ấy là một câu chuyện dài, trong đó có những bí ẩn…
Mỗi lần đến ngày lễ Quốc khánh 2-9, truyền hình phát đoạn phim tư liệu về Lễ Tuyên ngôn độc lập 2-9-1945, trong lòng người Việt lại dâng lên niềm xúc động. Giọng nói ấm áp của Người cùng hình ảnh cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió trong giờ phút khai sinh ra nước Việt Nam độc lập đã trở thành bất tử. Ít người biết rằng đến cuối năm 1974, những thước phim tư liệu về ngày Độc lập 2-9-1945 mới được tìm thấy.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. |
Lưu lạc tận trời Âu
Trong bộ phim tài liệu liên quan đến xuất xứ của phim Ngày Độc lập 2-9-1945 (đạo diễn Phạm Kỳ Nam), ông Nguyễn Hồng Hà, tác giả kịch bản phim cho biết: Năm 1974, ông cùng đạo diễn Phạm Kỳ Nam và nhà quay phim Nguyễn Như Ái được giao nhiệm vụ sang Tây Âu thực hiện bộ phim “Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh”. Trước khi đi, đoàn vào thăm khu nhà sàn Bác Hồ. Tại đây, đồng chí Trường Chinh đã giao nhiệm vụ, nhân chuyến đi này đoàn tìm những thước phim tài liệu về Ngày Độc lập 2-9-1945. Khi sang Pháp, đoàn đã tìm trong các kho lưu trữ của các hãng phim lớn như Gaumont, Pathe… kể cả kho tư liệu của quân đội Pháp, tìm gặp các đạo diễn nổi tiếng của Pháp có nhiều tư liệu về Đông Dương nhưng vẫn không thấy. Sau đó, đoàn đã gặp đạo diễn phim tài liệu người Hà Lan Joris Ivens (người từng đến Việt Nam làm phim về Bác Hồ) để nhờ giúp đỡ. Một tuần sau, đạo diễn Joris Ivens gọi điện cho đoàn làm phim cho biết có một Việt kiều còn lưu trữ nhiều phim về Đông Dương. “Khi chúng tôi đến, chủ nhà dẫn xuống kho lưu trữ phim ở tầng hầm. Ông chủ nhà soạn ra và tặng cho đoàn 3 hộp phim về Đông Dương”, ông Hồng Hà kể.
Về xưởng phim, đoàn đưa lên bản dựng xem ngay, trong 3 hộp có 2 hộp phim còn khô xem trước nhưng nội dung không liên quan gì đến ngày 2-9. Hộp thứ 3 bị gỉ một góc, mở ra xem thì đoạn đầu của cuộn phim đã bị mục, nhiều đoạn bị chảy nước nên phải cắt bỏ các đoạn hỏng. “Khi xem cuốn thứ 3 thì thấy một số cảnh Hà Nội, tiếp đến là cảnh đám đông nhân dân cầm biểu ngữ mừng ngày độc lập, tiếp đó là cảnh đoàn xe đi vào quảng trường có cảnh sát đi xe đạp hộ tống 2 bên. Rồi bất ngờ xuất hiện hình ảnh Bác Hồ trên lễ đài, đúng là cảnh ngày 2-9 đây rồi, đúng là những thước phim mà chúng tôi tìm kiếm. Sau khi xem xong, chúng tôi ôm nhau rớm lệ vì xúc động, sung sướng đến tột độ” - ông Hà nhớ lại. Đoàn đã đem cuộn phim đến Cơ quan đại diện của ta ở Pháp gửi vào két sắt để chờ ngày đưa về nước.
Đầu năm 1975, cuốn phim được mang về nước. Xưởng phim tài liệu Trung ương được lệnh gấp rút sản xuất bộ phim tài liệu Ngày Độc lập 2-9-1945 để chiếu trong dịp 30 năm Quốc khánh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Số cảnh quay về ngày độc lập rất ít nên nhà quay phim Nguyễn Như Ái đã phải quay bổ sung một số cảnh như: Khu di tích 48 Hàng Ngang nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập, cảnh lá cờ tung bay trong gió được quay trên nóc sân vận động Hà Nội… Ê kíp làm phim cũng bỏ ra hàng tháng trời lục trong kho tư liệu để có những cảnh thực dân Pháp, phát xít Nhật xâm chiếm đô hộ nước ta. Vì đoạn phim tư liệu về Ngày Độc lập quá ít (hơn 5 phút), nhóm làm phim đã phối hợp với nhà quay phim kỹ xảo Nguyễn Kim Khánh phóng to các hình ảnh đã có, từ một cảnh phóng ra 4 cảnh (toàn, trung, cận và cảnh lật ngược) để dựng phim. Nhờ có hình ảnh sống động đó, người xem đã thấy rõ hơn về Ngày Độc lập. Sau 3 tháng nỗ lực làm việc, nhóm làm phim đã hoàn thành bộ phim tài liệu dài 18 phút. Ngày 2-9-1975, nhân dân cả nước đã được xem những thước phim thiêng liêng về ngày lễ trọng đại của dân tộc. Hình ảnh những đoàn người nô nức kéo về Quảng trường Ba Đình, hát vang bài “Diệt phát xít”, cùng lời tuyên thệ Độc lập của quốc dân vang động quảng trường... đã làm nhiều người xúc động rơi nước mắt.
. Người quay phim bí ẩn
Ông Nguyễn Hồng Hà cho biết, khi tặng phim, người Việt kiều không cho biết ai là người quay những thước phim ấy, và người này cũng đã ra điều kiện không được nói tên, số nhà của ông cho ai biết. Khi mở cuộn phim ra, thấy cuối đuôi cuộn phim có chữ ký tên Thu nên đoàn phim phán đoán đó là do họa sĩ Mai Trung Thứ quay nên đã tìm đến hỏi, tuy nhiên họa sĩ cho biết không liên quan gì đến những thước phim ấy.
Trong một bài báo đăng trên tạp chí Nghệ thuật điện ảnh năm 1990, ông Nguyễn Hữu Đang - Trưởng Ban tổ chức ngày lễ Độc lập (2-9-1945) cho biết, khi chuẩn bị cho buổi lễ này, Ban tổ chức đã thuê chủ hiệu Hương Ký (tên thật là Nguyễn Lan Hương) quay phim lại buổi lễ, nhưng một tuần lễ sau Ngày Độc lập, ông chủ Hương Ký cho biết không quay được vì máy trục trặc. Sau đó, câu chuyện cũng bị chìm đi, không mấy ai còn nhắc đến nữa. Ông Đang đã đưa ra hai giả thiết: những thước phim đó có thể do nhà Hương Ký quay nhưng họ giấu không giao lại cho Việt Minh (sau này nhà Hương Ký đã theo Quốc dân Đảng chống lại Việt Minh) rồi lưu lạc ra nước ngoài; cũng có thể do chính nhân viên phái bộ Mỹ quay. Ông lý giải, với danh nghĩa là đại diện quân Đồng minh, họ được quyền đi lại thoải mái trên quảng trường để quay phim, chụp ảnh mà không bị ai cản trở. Gần đây, nhà sử học Dương Trung Quốc dựa vào tấm ảnh về lễ Độc lập 2-9-1945 do nhà sử học người Úc cung cấp (do người Mỹ chụp), trong đó có hình một người quay phim trên lễ đài (không phải người nước ngoài), góc quay ứng với đoạn phim quay Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập nhìn nghiêng như trên đoạn phim đã được xem. Từ đó, nhà sử học Dương Trung Quốc nghiêng về giả thuyết những thước phim này do người của hiệu Hương Ký quay nhưng vì thái độ chính trị nên đã không chuyển cho Ban tổ chức mà nói dối là máy quay bị hỏng.
40 năm đã qua kể từ ngày những thước phim quý giá về Ngày Độc lập 2-9-1945 được tìm thấy, tác giả của những thước phim ấy vẫn nằm trong vùng bí ẩn. Nhưng dù là ai đi nữa thì cũng phải cảm ơn người quay phim đã có ý thức giữ gìn lại những thước phim tư liệu lịch sử quý giá để người Việt biết về ngày lễ trọng đại của đất nước.
THÀNH NGUYỄN