03:08, 26/08/2014

Cuốn sách tham khảo "gối đầu giường" của các nhà Việt Nam học Pháp ngữ

Cuốn "Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX" của GS Lê Thành Khôi vừa được Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam cùng với NXB Thế giới ấn hành tháng 8 vừa qua là sự kết hợp của hai chuyên khảo có tính kinh điển về lịch sử và văn hóa Việt Nam từng được xuất bản tại Pháp.

Cuốn “Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX” của GS Lê Thành Khôi vừa được Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam cùng với NXB Thế giới ấn hành tháng 8 vừa qua là sự kết hợp của hai chuyên khảo có tính kinh điển về lịch sử và văn hóa Việt Nam từng được xuất bản tại Pháp.

 

 

Đó là cuốn “Le Viet-Nam, Histoire et Civilisation” (Việt Nam, Lịch sử và Văn minh, NXB Editionds de Minuit, Paris, 1955) và “L’Histoire du Viet Nam , des origines à 1858” (Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến năm 1858, NXB Sud-Est Asie, Paris, 1982).

 

Đây là hai công trình có giá trị khoa học cao, được sử dụng phổ biến trong các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu và đào tạo về Việt Nam . Các nhà Việt Nam học hàng đầu ở Pháp đã coi những công trình này như sách tham khảo căn bản “gối đầu gường” khi nghiên cứu về Việt Nam .

Georges Condominas, nhà dân tộc học nổi tiếng gắn bó với dân tộc M’Nông và miền đất Tây Nguyên, viết: “Cũng như nhiều người nghiên cứu Việt Nam , tôi đã sử dụng trong gần ba mươi năm quyển ‘Le Viet-Nam, Histoire et Civilisation’ của Lê Thành Khôi do Editionds de Minuit xuất bản năm 1955. Nhưng sau đó tôi gần như lệ thuộc hoàn toàn vào kiệt tác của anh mà nhiều người đã ca ngợi: ‘L’Histoire du Viêt Nam , des origines à 1858’ do Sud-Est Asie xuất bản năm 1982”.

Sử gia Charles Fourniau đánh giá: “Lê Thành Khôi không chỉ thuần túy là một nhà sử học theo nghĩa hẹp. Ông có cái nhìn về Việt Nam của một nhà dân tộc học, ngôn ngữ học, dịch giả, tóm lại của một nhà nho trong ý nghĩa cao đẹp nhất của từ này ở Việt Nam thời xưa”.

Những người nghiên cứu lịch sử trong nước cũng đọc sách của Lê Thành Khôi một cách hào hứng và nhận thấy ở ông cốt cách của một người làm sử chân chính - trung thực và khách quan. GS Phan Huy Lê coi “Giáo sư Lê Thành Khôi là một nhà sử học, một học giả uyên bác trên nhiều lĩnh vực, một nhà văn hóa lớn của đất nước”.

Sự am hiểu tường tận Pháp ngữ tới mức điêu luyện khi viết về lịch sử - văn hóa - văn minh Việt Nam cho những đối tượng đọc tiếng Pháp đã giúp GS Lê Thành Khôi chuyển tải hai chuyên luận lịch sử Việt Nam của mình sâu rộng trong giới học sinh, sinh viên, trí thức không chỉ ở Pháp và Việt Nam, mà còn trên phạm vi thế giới. Công trình của ông đã góp phần phổ biến một hình ảnh trung thực về lịch sử và văn hóa Việt Nam .

GS Lê Thành Khôi sinh ngày 3-5-1923 tại Hà Nội. Ông sang Pháp học tập từ năm 1947 và hai năm sau đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ kinh tế học ở Paris . Ông còn tốt nghiệp Học viện Luật pháp Quốc tế Den Haag (Hà Lan), Cử nhân Văn chương ở Đại học Sorbonne; học Hán ngữ tại Trường Ngoại ngữ phương Đông ở Paris.

 

Năm 1968, ông hoàn thành Luận án Tiến sĩ về Công nghệ Giáo dục và bảo vệ học vị Tiến sĩ nhà nước về văn khoa và khoa học xã hội. GS Lê Thành Khôi đã xuất bản 25 công trình nghiên cứu khoa học với tư cách tác giả, 33 công trình là đồng tác giả. Ông còn viết hàng trăm luận văn khoa học đăng tải trên nhiều tạp chí khoa học quốc tế.

Lê Thành Khôi đã giảng dạy tại Khoa Luật và Kinh tế học, Đại học Paris, Viện Khoa học Kinh tế Ứng dụng, Đại học Caen, Đại học Nanterre, Trường Cao đẳng Thực hành, nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Xã hội. Từ năm 1963, ông được mời làm tư vấn cho một số tổ chức quốc tế như UNESCO, Phòng Quốc tế Lao động (BIT), Cục Hợp tác Văn hóa và Kỹ thuật các nước Pháp ngữ (ACCT), Trường Đại học của Liên hiệp quốc ở Tokyo, UNDP.

Năm 1971, ông được bầu làm Giáo sư Đại học Paris V. Cùng với việc giảng dạy tại đây, ông vẫn tiếp tục làm tư vấn cho các tổ chức quốc tế và thỉnh giảng tại nhiều trường đại học trên thế giới.

Theo Nhân dân