09:08, 12/08/2014

Chút quà xưa gửi quê nhà...

Một tập tản văn, nhưng cũng có thể tạm gọi đó là cuốn cẩm nang về những món ăn dân dã và đầy chất quê của mảnh đất Ninh Hòa, Khánh Hòa. Bởi vậy, cầm trên tay và đọc "Chồm hổm giữa chợ quê" của Nguyễn Hữu Tài (Nhà xuất bản Văn hóa - văn nghệ), người ta cứ ngỡ là một món quà quê bất chợt đến với mình lúc đói lòng.

Một tập tản văn, nhưng cũng có thể tạm gọi đó là cuốn cẩm nang về những món ăn dân dã và đầy chất quê của mảnh đất Ninh Hòa, Khánh Hòa. Bởi vậy, cầm trên tay và đọc “Chồm hổm giữa chợ quê” của Nguyễn Hữu Tài (Nhà xuất bản Văn hóa - văn nghệ), người ta cứ ngỡ là một món quà quê bất chợt đến với mình lúc đói lòng.


Cuốn sách không mới, xuất bản từ quý IV/2013 và lọt thỏm giữa một rừng sách là sách, nhưng bỗng thấy tò mò khi người bạn giới thiệu tác giả là người xứ Trầm Hương, quê Ninh Hòa. Rồi thấy thu hút bởi lời khuyên của tác giả ngay ở trang đầu rằng, “độc giả không nên đọc lúc đói, nhất là lúc nửa đêm”. Thu hút bởi hiếm cuốn sách nào nói trọn vẹn về một vùng đất ở xứ Trầm, về con người nơi ấy, trọn vẹn trong tâm tưởng tác giả - người con xa quê ở tận trời Mỹ.


Rồi lại tự hỏi Nguyễn Hữu Tài là ai? Vào facebook cá nhân của cây bút ấy mới ngạc nhiên khi đó là tác giả của 5 tập sách xuất bản từ năm 2012 đến 2014, và trước mỗi lần ra sách, tác giả đều tổ chức giới thiệu, giao lưu với bạn đọc ở TP. Hồ Chí Minh, Ninh Hòa. Anh cũng có hẳn trang fanpage với số lượng fan gần 600 người, vừa là nơi giới thiệu tác phẩm vừa là nơi chia sẻ, giao lưu. 5 tập sách vừa du ký vừa tản văn ấy là kết quả của những lúc quay quắt nhớ nhà và rồi lặng lẽ khăn gói thiên di về chốn cũ. Viết như kể, như tặng xứ sở, tặng người thân, bạn bè và cũng là tặng chính mình trong nỗi nhớ giằng dai.

 


Với “Chồm hổm giữa chợ quê”, 42 bài tản văn trong ngót nghét 300 trang sách chỉ là sự tỉ tê về những món ăn quen thuộc nay còn nay mất mà bất kỳ ai đi xa cũng thấy quay quắt nhớ, từ việc lựa chọn nguyên liệu cho ngon, ướp với gia vị nào, chế biến ra sao, nhấm nháp mùi vị… Này là 8 món ăn quen được miêu tả đến tỉ mỉ từ các sản vật của lòng sông Dinh hiền hòa mang lại, với cá trắng tương gừng, cá rô đồng đâm xóc, chình vừa um vừa nướng… Này là 13 hương vị dân dã giữa chợ quê - chợ Dinh với nồng nàn cơm rượu, bún cá, bánh xèo, bánh ướt hay các gánh hàng chè trưa. Này 10 món ăn đậm đà từ vị biển của ruốc, của gỏi sứa tía tô, mắm ruột cá bò…, hay 11 món thương món nhớ. Thế nên, dù chia cuốn sách làm 4 chủ đề rõ ràng: Ơi con sông Dinh, Ra chợ mà coi, À ơi biển mặn, Món thương món nhớ, nhưng mạch cảm xúc thì cũng quẩn quanh với cuộc sống, sinh hoạt của người dân Ninh Hòa, với những món ăn mang mùi đồng, mùi quê, đầy vị sông, vị biển và là cả vị thương, vị nhớ. Lại có những thứ được định vị, định danh hẳn hoi: Xôi chị Tuyết, bánh ướt bà Năm, bánh xèo bà Bì, bún cá chị Hai, cơm vịt chị Liễu… Nhẩn nha đọc mà chợt liên tưởng đến Thương nhớ mười hai, Miếng ngon Hà Nội của Vũ Bằng. Dĩ nhiên không phải để so sánh trong sự khập khiễng với các tác phẩm làm nên cái danh của nhà văn lớn ấy, mà cũng cách nhẩn nha như thế, tỉ tê như thế khiến người ta vừa đọc vừa mường tượng đến thòm thèm, không phải lúc bụng đói mà cũng thấy đói thật. Đói giữa vô vàn mùi vị của các món ăn nơi chợ quê, và là cả mùi quê cũ kỹ mà thân thuộc đến cháy lòng, luôn lẩn khuất đâu đó trong tâm tưởng mỗi người xa xứ, đói những nỗi nhớ mang tên hoài hương. Thế nên, cuốn sách ấy không chỉ là món ăn dành riêng cho tác giả vốn tự nhận “ăn bằng ký ức của mười tám năm gắn bó, bằng những chuyến thiên di đi về vội vã niềm thương nỗi nhớ của mười ba năm miên viễn, vì thế mà ngon, vì thế mà thèm, vì thế mà ray rứt”, mà cũng là món ăn trong nỗi nhớ của rất nhiều người.

 

Nguyễn Hữu Tài sinh năm 1981, quê Ninh Hòa, hiện sống tại Maryland, Hoa Kỳ. Các tác phẩm đã xuất bản: Những chuyến thiên di, Những nỗi buồn rực rỡ (2012), Cô đơn thẳng đứng, Chồm hổm giữa chợ quê (2013), Nước Mỹ có gì vui (2014).

Trên Facebook cá nhân cũng như trang fanpage, Nguyễn Hữu Tài giãi bày rằng viết một cuốn sách là mình phải đau đáu với từng con chữ, vật vã với những ký ức buồn vui. Thế nhưng, đọc “Chồm hổm giữa chợ quê”, người ta lại không thấy sự vật vã, sự đau đáu, mà chỉ như sự tuôn chảy không ngừng của ký ức để tìm lại những dư vị, những bà hàng của muôn năm cũ, cũng là để gửi gắm nỗi niềm người trong cuộc - như một món quà quê gửi quê hương Ninh Hòa yêu dấu. Và nếu mục đích xuất bản tập sách này như trong lời đề tựa là để giới thiệu quê mình tới độc giả cả nước, trả ơn vùng đất đã cưu mang gia đình sau bao năm thăng trầm thời cuộc thì Nguyễn Hữu Tài đã làm được và còn nhiều hơn thế. Một Ninh Hòa với con sông Dinh hiền hòa, với cuộc sống thôn quê dẫu còn cơ cực nhưng đầm ấm hiển hiện ra một cách đầy ắp.  


ĐĂNG QUỲNH