07:08, 09/08/2014

Annette Herfkens và câu chuyện về nghị lực sống

Luôn hướng về mặt tốt đẹp của cuộc sống chứ không phải điều mất mát, cuốn tự truyện của Annette Herfkens - người duy nhất sống sót trong vụ tai nạn máy bay năm 1992 ở thung lũng Ô Kha, xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn đã tạo nên cảm hứng về sự màu nhiệm và tinh thần sống bất diệt.

Luôn hướng về mặt tốt đẹp của cuộc sống chứ không phải điều mất mát, cuốn tự truyện của Annette Herfkens - người duy nhất sống sót trong vụ tai nạn máy bay năm 1992 ở thung lũng Ô Kha, xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn đã tạo nên cảm hứng về sự màu nhiệm và tinh thần sống bất diệt.


Công ty Sáng tạo văn hóa Trí Việt (First New) vừa phối hợp với Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh phát hành cuốn tự truyện 192 Hours - Giành giật sự sống từ chuyến bay định mệnh (tên gốc: Turbullence - A Survival Story, tạm dịch: Hỗn loạn - câu chuyện thật của một người sống sót) của Annette. Trong gần 300 trang sách, Annette đã kể lại sự sống sót diệu kỳ của mình cũng như hành trình vượt qua nỗi đau để xây dựng cuộc sống mới.


. Sức sống diệu kỳ

 

Sáng 14-11-1992, Annette được chồng chưa cưới (tên thường gọi là Pasje) đánh thức để đi hưởng kỳ nghỉ mát ở Nha Trang. Khi ra phi trường Tân Sơn Nhất, bà đã không muốn lên máy bay vì trông nó nhỏ bé và cũ kỹ. Tuy nhiên, người yêu của cô đã động viên cô lên máy bay để rồi “câu chuyện tình yêu thần tiên đã thành phim kinh dị” khi chiếc máy bay Yak 40 mang số hiệu VN 474 đâm vào núi, rơi xuống thung lũng Ô Kha.

 

 

Một ngày trước khi xảy ra tai nạn, Annette như “đứng trên đỉnh thế giới” khi làm việc ở ngân hàng quốc tế với mức thu nhập hàng triệu đô mỗi năm, chờ đón đám cưới như mơ với Pasje sau 13 năm hẹn hò... Tất cả chỉ còn là giấc mơ sau chuyến bay định mệnh đó. Khi tỉnh dậy, Annette thấy xung quanh đầy xác người và những mảnh vỡ máy bay, một cảm giác đau đớn như toàn bộ xương bị nát vụn. “Đầu gối trái có một vết thương lớn và sâu. Đầu gối phải đầy máu. Da trên mắt cá chân thì hầu như bị xé toạc ra. Nhưng cảnh tượng hãi hùng nhất phải nằm ở ống chân: tôi nhìn thấy cả xương mình. Một tấc xương phơi lồ lộ ra qua nhiều thớ thịt”, Annette viết. Số người còn sống sót ít ỏi sau khi máy bay rơi cũng đã qua đời nhanh chóng nên nữ du khách Hà Lan trơ trọi một mình giữa thung lũng hoang vắng. Để tồn tại, Annette đã phải vắt nước mưa từ những miếng xốp để uống. Cô không nghĩ đến mùi tử thi phân hủy cùng lũ giòi đang lúc nhúc mà hướng mình về vẻ đẹp, sự an toàn của khu rừng. Mãi đến hơn 8 ngày sau (192 giờ), cô mới được nhóm cứu hộ tìm thấy. Một sự sống sót diệu kỳ!


Kể về tai nạn kinh hoàng của đời mình, Annette đã chọn lối viết đan xen giữa hiện tại (sau tai nạn) và quá khứ, sau một hồi ức về mối tình đẹp với Pasje, về tương lai rộng mở lại đến tình cảnh vô vọng trước mắt. Lối viết này đã tạo nên sức hấp dẫn, bớt đi sự nặng nề về hậu quả của vụ tai nạn. Những hồi ức của người thân Annette về sự thắc thỏm đợi chờ, nỗi vui mừng khi biết tin cô còn sống, nỗi đau quặn thắt khi nhìn thấy hình hài rúm ró của cô sau tai nạn... được kể lại một cách ngắn gọn, xúc động đã tạo nên sức hút cho người đọc.


. Để cuộc đời tươi đẹp hơn


Phần hai của cuốn tự truyện, Annette dành để nói về quá trình “chiến đấu” để lấy lại nhịp sống bình thường: chấp nhận sự thật đau đớn chồng chưa cưới đã không còn, xây dựng lại sự nghiệp, làm quen với việc đi máy bay trở lại, kết hôn với người bạn đồng nghiệp và sinh con. Số phận dường như muốn thử thách Annette thêm một lần nữa, khi đứa con thứ 2 của cô bị bệnh tự kỷ. Câu chuyện chưa có hồi kết, nhưng người đọc tin rằng, nếu như vụ tai nạn kinh hoàng ở Ô Kha 22 năm trước đó đã không giết chết được Annette thì trên đời này, không có gì khiến cô gục ngã!

 

Vụ tai nạn máy bay ở Ô Kha là một trong những vụ tai nạn hàng không làm rúng động thế giới. Sáng 14-11-1992, chiếc máy bay Yak 40 mang số hiệu VN 474 chở 24 hành khách cùng phi hành đoàn 7 người từ TP. Hồ Chí Minh đi Nha Trang đã gặp tai nạn do ảnh hưởng của một cơn bão nhiệt đới. Máy bay rơi tại thung lũng Ô Kha, xã Sơn Trung. 30 người đã chết, người duy nhất sống sót chính là Annette Herfkens.

Ngày 22-11-1992, chiếc MI8 cùng các nhân viên cứu hộ bay lên Khánh Sơn để đón Annette về Nha Trang đã bị mất tích. 28 ngày sau, người ta phát hiện vị trí chiếc trực thăng rơi cách điểm máy bay Yak 40 rơi 5km, 7 người đi trên trực thăng đều thiệt mạng.

Annette Herfkens chia sẻ với dịch giả An Điền: “Trong bất kỳ nghịch cảnh nào, dù có nghiệt ngã đến đâu, mỗi chúng ta nên luôn biết cách sống với thực tại và đừng để những ám ảnh “giá như” giày vò tâm trí. Hãy mở lòng thấu cảm với những ai cùng cảnh ngộ. Bằng cách đó, chúng ta chẳng những sẽ tự xoa dịu vết thương cho mình mà còn góp phần san sẻ nỗi đau của người khác”. Và Annette đã sống đúng như vậy. Sau tai nạn ở Việt Nam, khi vẫn còn ở trên giường bệnh, Annette đã mở lòng thấu cảm với những người cùng cảnh ngộ. Cô đã gọi điện cho người thân của các nạn nhân chia sẻ nỗi đau mất mát, cho họ biết “người thân của họ không phải trải qua những giờ, thậm chí là những khắc cuối cùng trong đau đớn cực độ”.


Trong tự truyện, Annette đã dành khá nhiều trang viết kể lại chuyến trở lại Việt Nam năm 2006. Cô đã trở lại thung lũng Ô Kha, gặp những người đã cứu sống mình năm xưa. Càng cảm động hơn, khi Annette biết được 7 người Việt Nam đi cứu hộ cô cũng đã tử nạn, nhiều em bé mồ côi cha. Bởi thế, tuy đã mất đi những gì tốt đẹp nhất tại vùng đất này, nhưng cô không hề oán ghét mà trái lại ngày càng gắn bó với Việt Nam. “Sau hơn 20 năm, tôi ngày càng nhận rõ mối kết nối của mình với Việt Nam, với vẻ đẹp và những con người kiên cường nơi đây”.


Qua cuốn tự truyện chân thực và xúc động của Annette Herfkens, người đọc nhận ra không có một mất mát, nghịch cảnh nào là mãi mãi, ngay cả khi nó trở thành một ký ức đau thương ám ảnh, một phần không thể tách rời của cuộc sống. Những mất mát, tổn thất lớn có thể đem ta đến địa ngục, hoặc chỉ là thử thách cho ý chí và nghị lực tùy thuộc vào cách thức chúng ta đón nhận nó. Sau những gì đã diễn ra, Annette đã đúc kết: “Mọi thứ trong cuộc đời luôn tồn tại hai mặt. Khi bạn nhìn lại những xui rủi mình đã trải qua, luôn luôn có một điều tốt đẹp chờ bạn khám phá”.


THÀNH NGUYỄN