Gặp người dân xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa), chúng tôi cảm nhận ai cũng tự hào về truyền thống lịch sử văn hóa của quê hương nói chung, trong đó đình Diên Toàn (tọa lạc tại thôn Phước Thạnh) - ngôi đình mới được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh - là một minh chứng sống động.
Gặp người dân xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa), chúng tôi cảm nhận ai cũng tự hào về truyền thống lịch sử văn hóa của quê hương nói chung, trong đó đình Diên Toàn (tọa lạc tại thôn Phước Thạnh) - ngôi đình mới được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh - là một minh chứng sống động.
Ông Huỳnh Thanh, người được nhân dân trong xã giao nhiệm vụ trông coi, gìn giữ, bảo quản các di sản của đình cho biết: “Các văn tự ghi chép lại từ xưa đến nay cho thấy, ngôi đình được khởi dựng từ năm 1790 với tâm nguyện để thờ Thành Hoàng làng, phối thờ Thiên Y An Na, Tiền hiền, Hậu hiền và các anh linh liệt sĩ... Đình lưu giữ 8 đạo sắc phong do các vua triều Nguyễn ban tặng. Trải qua trên 200 năm, với bao thăng trầm của lịch sử, do chiến tranh, thiên tai tàn phá... có lúc đình gần như bị hoang phế. Tuy nhiên, với ý thức bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, chính quyền và người dân xã Diên Toàn đã đồng lòng trùng tu ngôi đình này”.
Khuôn viên Đình Diên Toàn. |
Đại tá Vũ Đình Nã, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2 (Quân khu 5), hiện sinh sống tại địa phương, một trong số những người tích cực vận động và góp công sức vào việc trùng tu ngôi đình cho biết: “Trước kia, trong đình có rất nhiều hiện vật quý, như các sắc phong của vua, trống, mõ, hoành phi câu đối, các loại bàn ghế cổ... nhưng do lũ lụt nên nhiều hiện vật bị trôi dạt đi nhiều nơi, vào nhà dân. Khi xã thực hiện kế hoạch trùng tu đình, nhiều gia đình đã tự nguyện mang trả hiện vật lại cho đình. Đặc biệt, nơi đây từng là nơi hội họp của nhiều thế hệ cán bộ cách mạng trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Năm 1993, đình hoàn thành việc trùng tu. Năm 2009, đình được công nhận Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh”.
Theo ông Huỳnh Thanh, diện tích đất sử dụng của đình hiện nay còn khoảng 3.500m2, trong đó diện tích xây đình và khuôn viên của đình gần 2.000m2. Hàng năm, cứ vào ngày 17-2 (âm lịch), xã tổ chức Giỗ đình làng, thu hút hàng nghìn người dân đến dự và chung vui những thắng lợi về mùa màng bội thu, đồng thời cầu cho mưa thuận, gió hòa, quốc thái dân an... Đây là nét đẹp, thể hiện đúng tinh thần cuộc vận động Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
CÔNG THI