Mẹ Âu Cơ từ xa xưa đi khai thiên lập địa.
Lạc Long Quân cùng bao con đi ra nơi biển rộng.
Để đất nước mãi rực rỡ.
Một gấm vóc mãi rạng rỡ.
"Mẹ Âu Cơ từ xa xưa đi khai thiên lập địa
Lạc Long Quân cùng bao con đi ra nơi biển rộng
Để đất nước mãi rực rỡ
Một gấm vóc mãi rạng rỡ”
(Bài hát “Đất nước lời ru”, tác giả Văn Thành Nho)
Người Việt Nam, có ai không biết truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ? Bà mẹ của dân tộc - Âu Cơ đã cùng năm mươi con lên rừng, còn người cha - Lạc Long Quân cùng năm mươi con xuống biển. Trăm người con tỏa đi các nơi, họ trở thành tổ tiên của người Bách Việt (tức dân tộc Việt Nam) để từ đó đất nước Việt Nam ngày càng mở mang, với những tài nguyên phong phú trên rừng dưới biển, với những con người đầy sức mạnh và tình yêu, đã làm nên mấy ngàn năm lịch sử hào hùng. Nhưng, trước những biến động đầu thiên niên kỷ thứ ba, một người con gái trẻ - tác giả Hạnh Vân đã phải: “Nói với mẹ Âu Cơ” trong bài thơ 7 khổ, về rất nhiều điều của giang sơn gấm vóc bây giờ. Bài thơ đã được đăng tải trên Báo Văn nghệ trẻ số 35-36, ngày 1-9-2013).
“Tạm biệt mẹ con trở về với biển
Thủ thỉ cha nghe rừng sắp cạn rồi...”
Đọc kỹ, có thể thấy bài thơ gồm bốn thông điệp chính. Thông điệp bao trùm là: Tổ quốc lâm nguy!, khi “rừng sắp cạn”, “tàu lạ rập rình”, “lũ quét về xuôi”... Thông điệp thứ hai: Lịch sử dân tộc nhắc nhở, truyền thuyết dân tộc (truyện Mỵ Châu, truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh) được gợi lại để báo động về tình hình đất nước: họa ngoại xâm từ ngàn xưa, giờ tái diễn; tài nguyên thiên nhiên bị xâm hại ngày nay. Thông điệp thứ ba: Trách nhiệm công dân của người Việt Nam, mà trước hết là tác giả, trách nhiệm của người con, cháu của mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân trước đất nước đang lâm nguy (ngoại xâm rình rập, tài nguyên thiên nhiên trên rừng dưới biển bị hao mòn, cạn kiệt, thiên tai nghiêm trọng do sự khai thác tài nguyên). Thông điệp này tập trung ở khổ thơ thứ năm: “Con học thuộc câu “rừng vàng biển bạc”/Vẫn không biết làm sao để giữ trọn bạc vàng/Xuống biển theo cha lên rừng theo mẹ/Lặn lội chốn nào lòng cũng hoang mang”. Thông điệp thứ tư: “Dòng máu Lạc Hồng rạo rực mãi ngàn sau...”. Để giữ được đất nước trước ngoại xâm, bảo vệ tài nguyên đang cạn kiệt, chống lại thiên tai phải có sự đoàn kết, nỗ lực, hy sinh của mọi người con đất Việt. Dòng máu Lạc Hồng, tinh thần yêu nước, đoàn kết của những công dân Việt Nam, những người chung một gốc: con Rồng cháu Tiên, dù ở bất kỳ nơi đâu sẽ còn mãi, dù đất nước lâm vào tình cảnh nào!
Những thông điệp trên đã được chuyển tải bằng một hình thức thật nhẹ nhàng: lời tâm tình với Mẹ Âu Cơ. Sự dịu dàng, nhỏ nhẹ, truyền cảm trong giọng thơ đã khiến những thông điệp dễ đi vào lòng người. Trong vai người con Việt, tạm biệt mẹ (ở rừng) để về với cha (ở biển), trút hết tâm tư với cha mẹ về Tổ quốc, tại nơi biển cả bao la - đó là một cách diễn đạt khéo léo, đặc sắc, mềm mại mà sâu lắng.
“Thủ thỉ cha nghe rừng sắp cạn rồi”
“Mẹ ơi chiều nay con hòa mình vào biển”.
Không chỉ dừng lại ở đó, bằng trọn vẹn tình cảm của người con gái đầy nữ tính, nhập vai một người con hiếu thảo của Cha Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ, tác giả còn hiểu được và nói thay tâm tình của Cha với Mẹ, của Mẹ với Cha, của biển với rừng, của người cha với đất nước:
“Tiếng sóng vỗ như lòng cha thao thức
Thương mẹ hao mòn ở phía xa xôi”
“Chỉ mẹ hiểu lòng cha đang quặn thắt
Tàu lạ rập rình
ngọn sóng cũng lênh đênh”
Tác giả đã vận dụng nhuần nhuyễn truyền thuyết, lịch sử dân tộc, văn học nghệ thuật để nói lên tình cảm của mình. Điều này nói lên sự sáng tạo và tâm huyết của tác giả với đất nước. Thể thơ tự do, mỗi khổ chỉ hai câu: 2 và 4 vần với nhau là mạch tuôn trào, phóng túng của cảm xúc, của lời tâm tình với Mẹ, Cha.
Đây là một giọng thơ đáng quý, đã khai thác đề tài đất nước hiện nay dưới nhiều góc cạnh. Bài thơ gợi ra nhiều vấn đề phải suy nghĩ trong lòng mỗi người yêu nước Việt Nam. Tuy nhiên, nếu tác giả viết cô đọng hơn, có điểm nhấn hơn thì bài thơ sẽ súc tích và lắng đọng hơn.
Trần Thị Tích