Mỗi khi đến Thành cổ Quảng Trị, mọi người đều rung cảm tới nghẹn ngào khi nghe bài hát "Cỏ non Thành cổ"… Một bài hát giản dị như cỏ, trầm lắng như nền đất nâu và thật bi tráng. Nhạc sĩ Tân Huyền đã sáng tác bài hát này ngay trên nền cỏ xanh Thành cổ trong một buổi sáng lấp loáng mưa xuân cách đây hơn 20 năm!
Mỗi khi đến Thành cổ Quảng Trị, mọi người đều rung cảm tới nghẹn ngào khi nghe bài hát “Cỏ non Thành cổ”… Một bài hát giản dị như cỏ, trầm lắng như nền đất nâu và thật bi tráng. Nhạc sĩ Tân Huyền đã sáng tác bài hát này ngay trên nền cỏ xanh Thành cổ trong một buổi sáng lấp loáng mưa xuân cách đây hơn 20 năm!
Nhạc sĩ Tân Huyền kể lại kỷ niệm về nguồn cảm hứng của bài hát đặc biệt này. Đó là một buổi sáng đầu năm 1990, Tân Huyền đi cùng với Vũ Thanh, Huy Thục, Thuận Yến, Cát Vận... của đoàn nhạc sĩ đi thực tế tại Quảng Trị. Nơi đây chiến tranh vừa đi qua, tất cả vẫn còn đổ nát vì chưa được xây dựng, sửa sang gì, đoàn nhạc sĩ đi lang thang trong gạch vụn rêu phong. Khi tới Bảo tàng Quảng Trị thì gặp mưa..., anh em trú lại. Lúc đoàn bước ra, trời quang mây tạnh, mây vờn trắng xóa. Kỳ lạ là mùa xuân mà lại có tiết trời chớm như hè; đặc biệt dưới đất cỏ trải dài xanh biếc, tơ non, đong đưa trong gió. Nhà văn Nguyễn Quang Lập, người bản địa đi cùng nói nhỏ với Tân Huyền: “Dưới lớp cỏ xanh này hiện có rất nhiều hài cốt chiến sĩ mình hy sinh trong 81 ngày đêm, anh xem sáng tác bài hát về đề tài này đi!”. Câu nói của Quang Lập làm Tân Huyền lặng người, hình như trong tâm khảm của mình, ông hình dung ra những gương mặt trai trẻ, trong đó có cả đứa em trai thân thương của mình đang nhìn lên qua lớp cỏ xanh... “Cỏ non Thành cổ, một màu xanh non tơ...”. Đó là lời thốt lên từ đáy lòng, tràn ngập cảm xúc đầu tiên, cũng chính là khúc mở đầu của bài hát. Khi trở về ông sáng tác ngay: “...Bình minh Thành cổ, dập dờn trong gió đong đưa. Bình minh Thành cổ, một màu xanh non tơ. Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ. Cho tôi hôm nay vào Thành cổ, thắp một nén nhang cho người nằm dưới cỏ...”.
Khác với những suy nghĩ trước đây của Tân Huyền hay các bạn bè sáng tác, triết lý trong ca khúc “Cỏ non Thành cổ” thật giản dị mà sâu lắng: sự hy sinh xương máu cho đời xanh như cỏ, cho thế hệ sau long lanh, tươi tắn như ngọn cỏ xuân... Chính điều này làm cho bạn bè nhạc sĩ đều ngạc nhiên và cảm phục. Nhạc sĩ Doãn Nho nói: “Ca khúc “Cỏ non Thành cổ” của Tân Huyền là một trong những ca khúc viết về chiến tranh hay nhất, giản dị tới mẫu mực...”. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhận xét: “Nói về cấu trúc thì ca khúc của anh Tân Huyền rất đơn giản nhưng lại thấm đẫm cảm xúc nên rất hay”. Còn nhà văn Chu Lai nói: “Có những ca khúc phải nghe mãi mới thấm, có ca khúc vừa nghe đã thấm và càng nghe càng hay, thì “Cỏ non Thành cổ” là vế thứ hai, và tôi nghĩ bài hát này sẽ mãi mãi cùng Thành cổ bi tráng!”.
Đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị. |
Có một điều kỳ lạ, ca khúc “Cỏ non Thành cổ” hoàn thành tại Hà Nội cuối năm 1990, nhưng ca sĩ thể hiện thành công và để lại dấu ấn trong lòng khán thính giả lại là Lệ Thu, ca sĩ ở TP. Hồ Chí Minh. Với chất giọng hơi trầm khàn riêng biệt, Lệ Thu đã làm say đắm người nghe và trở thành người hát mẫu chính khi muốn nghe “Cỏ non Thành cổ”. Cùng với Lệ Thu có Nhã Phương, Thái Bảo, Minh Huyền, mỗi người thể hiện một vẻ nhưng với thời gian, Lệ Thu là người thể hiện hay nhất và thấm nhất chất của bài hát.
Nói thêm về nhạc sĩ Tân Huyền, nhiều người nếu không để ý sẽ dễ nhầm ông với người đồng hương Nghệ An cũng tên Huyền: nhạc sĩ Dân Huyền, tác giả ca khúc “Bên Lăng Bác Hồ” nổi tiếng và những bản dân ca cổ truyền. Tân Huyền tên thật Phan Văn Tần, sinh năm 1930 tại Nghệ An, xuất thân từ thầy giáo, nhưng không hiểu sao ông rời bục giảng đi làm văn nghệ với công việc sáng tác âm nhạc rất chuyên nghiệp. Trước ca khúc “Cỏ non Thành cổ”, Tân Huyền đã có những bài hát nổi tiếng như: “Tiếng hò trên đất Nghệ An”, “Mỗi bước ta đi thêm yêu Tổ quốc”, “Xe ta đi trong đêm Trường Sơn”, “Em đứng giữa giảng đường hôm nay” cùng với các bài hát thiếu nhi quen thuộc: “Chị ong nâu và em bé”, “Cháu vẽ ông mặt trời”... Có nhạc sĩ nói: “Tân Huyền hiền lành giản dị, gia tài âm nhạc chưa hẳn là to lớn và hoành tráng nhưng với gần 20 bài hát... mà khán giả từ người lớn đến em nhỏ đều thuộc lòng, yêu thích thì quá là sung sướng, hạnh phúc rồi!”.
Người viết bài này vẫn giữ món quà kỷ niệm của nhạc sĩ - băng nhạc có tên “Có một chiều Hồ Gươm như thế” khi tới thăm ông tại nhà riêng, đó là băng nhạc gần cuối đời ông được hãng Dihavina làm tặng. Đúng như suy nghĩ, ngoài đời Tân Huyền rất đa cảm, khi nói về ca khúc “Cỏ non Thành cổ” ông rươm rướm xúc động, giọng xứ Nghệ chậm rãi, rõ ràng nhưng có lúc thánh thót như mưa. Rất tiếc những năm cuối đời, sức khỏe giảm sút, ông không còn đi thực tế sáng tác... và từ giã cuộc đời về với cỏ xanh vào mùa hè 2008 trong niềm tiếc thương của mọi người.
Dẫu vậy, ông thực sự hạnh phúc vì ông đã “Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ”, “trên mảnh đất quê mình”.
Lê Đức Dương
Cỏ non thành cổ
Trên mảnh đất quê mình. |