Thời gian trôi qua, nhiều nhạc sĩ, ca sĩ của dòng nhạc cách mạng (thường được gọi là nhạc "đỏ") đã trở thành người thiên cổ. Vượt qua thời gian, những ca khúc thời chiến vẫn được khán giả hôm nay đón nhận, trở thành một giá trị văn hóa vững bền…
Thời gian trôi qua, nhiều nhạc sĩ, ca sĩ của dòng nhạc cách mạng (thường được gọi là nhạc “đỏ”) đã trở thành người thiên cổ. Vượt qua thời gian, những ca khúc thời chiến vẫn được khán giả hôm nay đón nhận, trở thành một giá trị văn hóa vững bền…
Nhạc “đỏ” với những tên tuổi lừng danh như: Văn Cao, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Hoàng Việt, Xuân Hồng, Phạm Tuyên, Hoàng Vân, Hoàng Hiệp... đã gắn chặt với cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc, dân tộc. Trong kháng chiến chống Pháp, những ca khúc như: Làng tôi, Sông Lô (Văn Cao), Đoàn Vệ quốc quân (Phan Huỳnh Điểu), Hành quân xa (Đỗ Nhuận) đã kêu gọi bao lớp người vượt khó khăn, gian khổ để chiến đấu bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc. Những năm kháng chiến chống Mỹ, sự xuất hiện của hàng loạt ca khúc mới như: Chiếc gậy Trường Sơn (Phạm Tuyên), Bài ca Trường Sơn (Trần Chung), Bài ca hy vọng (Văn Ký), Tiến về Sài Gòn (Lưu Hữu Phước)... đã kịp thời động viên tinh thần quân dân 2 miền Nam - Bắc ra sức thi đua sản xuất, đánh giặc. Những khúc ca hùng tráng, đầy niềm tin về một ngày mai tươi sáng ấy đã thôi thúc bao lớp người từ giã làng quê, mái trường lên đường ra trận, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hoàn cảnh đất nước đã buộc lời ca tiếng hát luôn gắn chặt với không khí thời chiến, luôn mang tính động viên. Ngay những ca khúc được xem là tình ca thời chiến như: Tình ca (Hoàng Việt), Câu hò bên bến Hiền Lương (nhạc: Hoàng Hiệp, lời: Đằng Giao)..., trong đó, tình yêu đôi lứa luôn được hòa chung vào tình yêu quê hương, đất nước. Vượt qua tính tuyên truyền nhất thời, nhạc “đỏ” có sức sống lâu bền, vượt thời gian, trở thành tài sản văn hóa của dân tộc. Mới đây, nhân kỷ niệm 60 năm Hiệp định Genève, nhiều người đã nhắc đến ca khúc Câu hò bên bến Hiền Lương như chứng tích một thời đất nước chia hai ở vỹ tuyến 17. Giờ đây, đất nước hòa bình đã gần 40 năm, nhưng mỗi khi được cất lên, bài hát ấy vẫn còn rung động lòng người với ca từ đậm chất thơ.
Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng biểu diễn các ca khúc cách mạng. |
Hiện nay, các phương tiện thông tin đại chúng vẫn thường đưa tin về nhạc trẻ; thế nhưng, dòng nhạc cách mạng vẫn giữ được vai trò chủ đạo trong nền âm nhạc đương đại. Hàng năm, các hãng đĩa như: Dihavina, Saigon Audio... vẫn đều đặn tái bản các album nhạc “đỏ” như: Bài ca bên cánh võng, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người, Bài ca hy vọng, Việt Nam quê hương tôi, Bài ca người lính... với giọng hát của các nghệ sĩ: Trung Kiên, Quý Dương, Lê Dung, Quang Thọ, Trung Đức. Bên cạnh đó, các ca sĩ như: Trọng Tấn, Anh Thơ, Phương Thảo, Việt Hoàn... cũng có chỗ đứng trong lòng khán giả. Các album nhạc của những giọng hát này tuy không tạo ra cơn sốt như nhiều ca sĩ hát nhạc trẻ, nhưng vẫn bán rất chạy và có thể phát hành trong một thời gian dài. Ngay cả các ca sĩ hàng đầu của dòng nhạc thị trường như: Đan Trường, Đàm Vĩnh Hưng... cũng tham gia phát hành các album nhạc “đỏ”...
Thời gian gần đây, một số chương trình, một số ca sĩ đã tìm cách làm mới các ca khúc nhạc “đỏ” với ý tưởng đưa đến gần hơn với lớp trẻ. Điển hình, năm 2012, ca sĩ Tùng Dương đã hát lại ca khúc Chiếc khăn piêu (Doãn Nho) với bản phối mới của nhạc sĩ Nguyên Lê và đã giành chiến thắng trong chương trình Bài hát yêu thích. Tuy nhiên, không phải ai cũng “mát tay” như Tùng Dương. Trong trào lưu làm mới nhạc “đỏ”, nhiều ca sĩ trẻ đã làm khác xa so với tinh thần bài hát gốc nên đã bị phản ứng dữ dội. Mới đây, trong chương trình “Những bài hát còn xanh”, ca sĩ Đồng Lan hát lại ca khúc Lá xanh (Hoàng Việt) theo cách hát một bài tình ca và đã bị 2 nghệ sĩ Ánh Tuyết và Ngọc Ánh phê phán kịch liệt bởi cách nhấn nhá của giọng hát trẻ này đã làm mất đi sự tươi trẻ, tràn đầy niềm tin của ca khúc. Các chương trình: Giai điệu tự hào, Tuổi 20 hát..., việc khuyến khích các giọng ca trẻ thể hiện ca khúc cách mạng theo phong cách mới cũng đã tạo ra sự tranh cãi nảy lửa. Trong đó, không ít ý kiến cho rằng, các ca sĩ trẻ đang phá nát nhạc “đỏ”.
Nhạc “đỏ” có sức sống vượt thời gian, tự thân nó đã là giá trị. Việc làm mới nhạc “đỏ” cũng chỉ là thêm chút hương vị chứ không phải là yêu cầu bắt buộc. Chính vì vậy, phải hết sức cân nhắc và chừng mực trong việc làm mới dòng nhạc này.
THÀNH NGUYỄN