Nhắc tới bộ ba tiểu thuyết văn học: "Hồ Quý Ly", "Mẫu thượng ngàn" và "Đội gạo lên chùa", gần như những ai quan tâm tới văn học nước nhà đều biết đến cái tên Nguyễn Xuân Khánh (sinh năm 1933, quê ở Hà Nội). Ông hiện là nhà tiểu thuyết xuất sắc nhất thập niên qua của nền văn học Việt Nam.
Nhắc tới bộ ba tiểu thuyết văn học: “Hồ Quý Ly”, “Mẫu thượng ngàn” và “Đội gạo lên chùa”, gần như những ai quan tâm tới văn học nước nhà đều biết đến cái tên Nguyễn Xuân Khánh (sinh năm 1933, quê ở Hà Nội). Ông hiện là nhà tiểu thuyết xuất sắc nhất thập niên qua của nền văn học Việt Nam.
Bộ ba tiểu thuyết
Có một nhà văn đã nói: “Tiểu thuyết là nền tảng của văn học, tiểu thuyết là đại lộ của nền văn. Nếu không có tiểu thuyết thì nền văn học đó trở nên nghèo nàn!”. Còn với mỗi nhà văn, muốn sự nghiệp của mình rạng rỡ hơn thì nhất định phải có đứa con tinh thần là cuốn tiểu thuyết. Nhưng sang thế kỷ XXI, nền văn học nước Việt không chỉ thiếu vắng tiểu thuyết mà chất lượng lại quá nhạt nhòa... Có mấy cuộc thi viết tiểu thuyết do những tờ báo, nhà xuất bản lớn khởi xướng đều không có kết quả. Còn bạn đọc thì chỉ thích đọc truyện ngắn mini, tản văn, nhàn đàm... Ấy thế mà có một ông già gần 80 tuổi lại làm được những điều không tưởng, đó chính là nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh trong một hội thảo. |
Năm 2000, khi tiểu thuyết 800 trang “Hồ Quý Ly” được xuất bản đã làm cho giới văn học ngỡ ngàng vì hai lẽ: đó là vì sao lại có cuốn “dã sử” dày đến thế, nội dung lại nói về nhân vật lịch sử đầy tranh cãi suốt 5 thế kỷ qua, và tác giả cuốn tiểu thuyết này là ai? Thật kỳ lạ, cuốn sách nặng và dày đó đã hút độc giả mọi tầng lớp và sau ít tháng ấn hành, cuốn tiểu thuyết đã vượt trên trăm cuốn sách khác đạt giải thưởng lớn nhất: giải nhất Hội Nhà văn Việt Nam. Sau đó, tên tuổi Nguyễn Xuân Khánh được nhắc trang trọng trên mọi diễn đàn, sách của ông được đưa ra hội thảo, được lấy làm đề tài nghiên cứu... Nhưng cái đáng quý nhất mà bất cứ nhà văn nào cũng muốn: Tiểu thuyết “Hồ Quý Ly” được tái bản liên tiếp cho đến năm 2014 (15 lần) với số lượng lớn, trở thành sách best seller (bán chạy) của thị trường sách. Không chỉ có quyển “Hồ Quý Ly”, năm 2006, cuốn “Mẫu thượng ngàn” (Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội), năm 2011 thêm “Đội gạo lên chùa” (Giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam 2011) trở thành những “bộ tiểu thuyết phong tục quý giá cuối cùng của văn học Việt Nam, là nhà văn biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn hóa và lịch sử dân tộc” (nhận xét của nhà văn Hoàng Quốc Hải).
Đằng sau những vinh quang
Trên đài vinh quang của nghiệp văn ở tuổi gần 80, có mấy ai biết rằng cuộc đời phía trước của nhà văn ra sao? Người viết bài này vẫn nhớ như in trong buổi chiều mùa đông 2003 se se lạnh trên góc đường Hòa Mã, Hà Nội, một anh đồng nghiệp chỉ tay về phía ông già gầy gò, móm mém cười đang dắt chiếc xe đạp cũ tới: “Đây là bác Nguyễn Xuân Khánh, cán bộ của báo ta năm xưa…”. Thấy tôi chưa mặn mà lắm về lời giới thiệu giữa đường, anh bạn nói thêm: “Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, tác giả tiểu thuyết đang nổi tiếng Hồ Quý Ly đó!”. Quả thực, lúc đó tôi mới giật mình ngắm kỹ con người này, đó chỉ là ông già hiền lành có nụ cười phúc hậu... Khi chia tay, ông nắm tay nói nhỏ nhẹ: “Khi nào tới nhà chơi!”.
Căn nhà ông ở trong ngõ nhỏ phố Trần Khát Chân, một nhân vật được nhắc rất nhiều trong tiểu thuyết “Hồ Quý Ly”, đây cũng là thái ấp của vị quan to triều Trần này! Nếu ai đã từng gặp các nhà văn hay trí giả đất Hà Thành sẽ không ngạc nhiên gì về không gian làm việc của họ, gần như đều có cái chung: sách ngập tràn, chật chội nhưng rất thấm đẫm chất văn hiến! Căn gác nhỏ làm thư phòng làm việc của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cũng thế, có chiếc bàn nhỏ thấp chân giống bàn salon cổ... Ông ngồi trên ghế, gò lưng cặm cụi viết tay dưới ngọn đèn nhỏ... Nhà văn kể rằng, suốt 50 năm qua ông viết, dịch sách, đọc đều trên cái bàn nhỏ này! Một người bạn kể lại, khi đến chơi là lúc ông mới viết xong bản thảo “Hồ Quý Ly” dày tới 1.200 trang, dày hơn 2 gang tay, số bút bi ông viết bỏ ra đầy một thúng ở góc phòng! Thật ấn tượng!
Mồ côi cha, tới 14 tuổi mới được đi học, khi học thì toàn học nhảy cóc cuốn chiếu... thế mà ông suýt nữa trở thành bác sĩ nếu không bỏ đi bộ đội. Khi trở về năm 1964, ông làm phóng viên báo Thiếu niên Tiền phong thường trú ở miền đất lửa khu 4. Tới năm 1973, ông nghỉ mất sức nhưng trong kỷ yếu của báo ông làm tới năm 1983! Vốn là cây bút có tài nhưng những tác phẩm như: Rừng sâu, Miền hoang tưởng… Trư Cuồng đã làm ông mang vạ, phải im hơi lặng tiếng suốt hơn 30 năm để làm những việc không dính dáng tới văn chương như: thợ may, thợ sửa khóa, nuôi heo, làm thủ kho... đầy vất vả.
Có một điều rất đáng nể về nhà văn già Nguyễn Xuân Khánh, đó là dù qua nhiều oan trái, khổ ải nhưng ông rất hiền hậu, khiêm tốn không một lời trách móc hay bất mãn gì... Sau này, khi in thêm 2 cuốn tiểu thuyết “Mẫu thượng ngàn”, “Đội gạo lên chùa”, ông phải dự hàng chục cuộc hội thảo về sách của mình, nghe khen nhiều, chê cũng lắm thế mà ông chỉ cười nhẹ nhàng, khiêm cung nhưng rất lịch thiệp, điều hiếm có của những nhà văn khi bị phê bình!
Nhiều người lầm tưởng Nguyễn Xuân Khánh viết văn ở tuổi 70 nhưng thực ra đó là sự trở lại của một nhà văn lớn, các tác phẩm của ông thành công chính là kết quả của sự tự học miệt mài, được chiêm nghiệm chín chắn suốt thời gian dài vất vả của mình. Đọc sách của ông, gặp gỡ ông và nghe về ông, tôi rất ngưỡng mộ nghị lực sống của ông!
Lê Đức Dương