05:07, 30/07/2014

Người về miền "Gió tươi"

Nhà báo Khánh Hữu (1935 - 2014) từng là cây bút quen thuộc với bạn đọc báo Khánh Hòa từ nhiều năm trước. Thế nhưng, ít người biết, ngoài nghề báo, ông còn làm thơ, viết truyện ngắn…

Nhà báo Khánh Hữu (1935 - 2014) từng là cây bút quen thuộc với bạn đọc báo Khánh Hòa từ nhiều năm trước. Thế nhưng, ít người biết, ngoài nghề báo, ông còn làm thơ, viết truyện ngắn…


Nghiệp làm báo...


Nhà báo Khánh Hữu (tên thật là Phan Hữu Khánh) quê ở “xứ Đoài mây trắng” - mảnh đất nhiều thi sĩ xuất chúng như: Tản Đà, Quang Dũng. Làng Cổ Độ - Sơn Tây quê ông (nay thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội) nép mình bên sông Đà, xuôi xuôi một chút là Ngã Ba Hạc - nơi gặp gỡ của 3 con sông, chất chứa bao huyền thoại từ thuở hồng hoang. Truyền thống văn học của quê hương đã sớm phả vào trong ông tình yêu thơ ca, nghệ thuật. Vốn là cán bộ kỹ thuật lứa đầu tiên của Viện Thiết kế đường sắt, nhưng vì có khiếu viết lách nên khi Báo Giao thông vận tải được thành lập (năm 1963), ông được điều về làm phóng viên của báo. Những năm kháng chiến chống Mỹ, ông đã theo các chuyến mở đường, vào “điểm nóng” khu IV đầy đạn bom, khói lửa để ghi nhận những chiến công trên mặt trận giao thông. “Mỗi đợt đi công tác, có khi cả mấy tháng trời, tin bài ông ấy gửi về theo các chuyến xe...”, bà Nguyễn Vũ Nga - vợ nhà báo Khánh Hữu nhớ lại.


Năm 1975, khi miền Nam giải phóng, ông chuyển về Báo Lao động và được cử vào thường trú ở TP. Hồ Chí Minh một thời gian. Sau đó, vợ chồng ông định cư ở Nha Trang, nhà báo Khánh Hữu đã công tác ở Đài Phát thanh - Truyền hình Phú Khánh, Hội Văn nghệ Nha Trang, rồi chuyển về Báo Khánh Hòa. Cho đến bây giờ, nhắc đến nhà báo Khánh Hữu, nhiều bạn đọc vẫn nhớ đến những bài viết ngắn rất sâu sắc của ông ở chuyên mục “Nghĩ trong tuần” trên báo Khánh Hòa Chủ nhật. Sau khi về hưu, ông vẫn tiếp tục cộng tác với báo ở chuyên mục này...

 

Một số tác phẩm của nhà báo Khánh Hữu.
Một số tác phẩm của nhà báo Khánh Hữu.


Duyên với thơ văn...


Trước đây, tôi từng gặp nhà báo Khánh Hữu thoáng qua ở các dịp kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, hay những dịp Tòa soạn có lễ lạt, nhưng cũng chỉ “kính nhi viễn chi” bởi ông là bậc trưởng bối. Cũng chỉ biết Khánh Hữu là nhà báo, đến khi tìm hiểu tôi mới biết ông là người đa tài. Ngoài làm báo, ông còn làm thơ, viết truyện ngắn. “Nhà tôi làm thơ trước khi làm báo”, bà Vũ Nga nói với giọng hóm hỉnh pha lẫn tự hào. Hỏi chuyện mới biết, nhà báo Khánh Hữu đã làm thơ từ thuở hoa niên. Năm 1961, khi còn là cán bộ kỹ thuật, ông đã được giải thưởng thơ của Báo Văn nghệ với bài Sau ngày cưới. Những năm về sau, khi đã trở thành phóng viên của Báo Giao thông vận tải, có dịp đi đây đi đó, được tiếp xúc với nhiều cảnh huống xúc động, ông đã sáng tác những bài thơ đậm chất hiện thực nhưng rất đỗi trữ tình. Năm 1969, khi việc xuất bản tập thơ là cả một vấn đề, ông đã in được tập thơ Đường xanh (Nhà xuất bản - NXB Lao động), do nhạc sĩ Văn Cao vẽ bìa. Trong thơ ông, những thủy thủ bến phà, người tuần đường, công nhân mỏ... dù trong gian lao vẫn luôn lạc quan, đầy sức sống, đầy niềm tin về ngày mai của đất nước như cái tên “Đường xanh” mà ông đã đặt.


Cứ ngỡ, thơ chỉ là cuộc dạo chơi của thuở “đầu xanh tuổi trẻ”, thì đến năm 2006, nhà báo Khánh Hữu cho xuất bản tập thơ “Gió tươi” với nhiều bài thơ có tình ý trẻ trung. Ở tập thơ này, tác giả có nhiều bài thơ tứ tuyệt khá hay. Bài thơ xuân Thư ở Trường Sa là minh chứng: Đảo nhỏ giao thức thao thức sóng/Đài khuya nghe rộn pháo mừng xuân/Thư nhà, đồng đội chuyền tay đọc/Chừng thấy quê xa cũng nhích gần. Hay như bài Cánh thư hoa đào: Mây trắng bồng bềnh trôi qua lũng/Nhà sàn lưng núi bỗng như thuyền/Sông mây thả cánh hoa đào thắm/Chắc sáng xuân nay hoa tới em... Tuy chỉ một bài thơ ngắn nhưng tác giả đã khắc họa được bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, ẩn trong đó là mối tình thầm kín của thi nhân.


Ngoài làm thơ, Khánh Hữu còn có 3 tập truyện ngắn (Cây cùng tuổi - NXB Kim Đồng 1973, Bầu trời trò chuyện - NXB Kim Đồng 1977, Mưa nguồn - NXB Quân đội nhân dân 2006), 1 tập tản văn (Cỏ tháng Giêng). Truyện ngắn của Khánh Hữu nhẹ nhàng, có nhiều sáng tác phảng phất tự truyện.


Trong tập truyện Mưa nguồn, ngoài các tác phẩm mang dáng dấp tự truyện, ông còn có nhiều truyện ngắn ca ngợi phẩm chất người lính Cụ Hồ (Nhánh cỏ), tinh thần cách mạng kiên trung của người dân miền Trung - Tây Nguyên (Bức tranh vùng cát, Dáng núi). Mỗi khi kết thúc, ông thường mượn suy nghĩ của nhân vật để làm bật lên chủ đề của truyện. Đơn cử như trong truyện ngắn Nhánh cỏ (đăng báo Văn nghệ năm 1986), sau khi bám sát chuyến đi thăm lại cơ sở cách mạng của Thiếu tướng Đan, tác giả đã cho nhân vật tự bộc lộ suy nghĩ của mình: “Dù mang trong đời mình nhiều chiến công vinh quang, anh mong muốn trở lại nơi này như đứa con nhỏ, như nhánh cỏ xanh làm tươi mát đất vườn của má”. Câu văn đầy chất thơ của tác giả làm bật lên phẩm chất của người lính Cụ Hồ, giúp người đọc thấm sâu thêm điều mà tác giả muốn gửi gắm. Nhận xét về truyện ngắn của Khánh Hữu, bạn Ngô Ngọc Bội viết: Văn của anh “nhẹ nhàng, ngọt ngào, đằm thắm - vui không vui quá, không bốc lửa, buồn sâu lắng như một nét thu Hà Nội, một ngọn lửa nhỏ không bùng phát, mà là củi gộc tre đêm 30 Tết đun nồi bánh chưng đượm màu sắc quê hương xứ Đoài từ thuở ông cha”.  


Giờ đây, nhà báo Khánh Hữu đã đi về miền “Gió tươi” của đời mình. Ở nơi ấy, chắc ông đang luận bàn chuyện văn thơ với các bậc tiền bối của “xứ Đoài mây trắng”...  


THÀNH NGUYỄN