11:07, 07/07/2014

Người đã về với "Cát bụi chân ai"

Trưa Chủ nhật (6-7), làng văn cùng hàng triệu bạn đọc nhiều thế hệ lặng người khi nghe tin nhà văn Tô Hoài đã từ trần. Dẫu biết rằng ra đi ở tuổi 95 như ông là đại thọ, lẽ thường của trời đất nhưng trong tâm mọi người vẫn tràn nỗi cô đơn, buồn thoảng vì từ nay sẽ không bao giờ được gặp nhà văn Tô Hoài thân thiết nữa!

Trưa Chủ nhật (6-7), làng văn cùng hàng triệu bạn đọc nhiều thế hệ lặng người khi nghe tin nhà văn Tô Hoài đã từ trần. Dẫu biết rằng ra đi ở tuổi 95 như ông là đại thọ, lẽ thường của trời đất nhưng trong tâm mọi người vẫn tràn nỗi cô đơn, buồn thoảng vì từ nay sẽ không bao giờ được gặp nhà văn Tô Hoài thân thiết nữa!


Nhà văn Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh năm 1920, quê nội miền Tả Thanh Oai, Hà Đông nhưng thời tuổi thơ ông sống ở làng Nghè, Nghĩa Đô quê ngoại... Chính nơi đây, những năm để chỏm đi đúc dế, lội đồng bắt cá đã khơi gợi cho ông thiên truyện bất hủ sau này: Dế mèn phiêu lưu ký.


Cũng giống nhiều nhà văn thời trước Cách mạng Tháng tám, Tô Hoài (bút danh ghép từ Hoài Đức - quê nội và Tô Lịch - dòng sông quê ngoại) tham gia làm ký giả cho các tờ báo, viết văn, làm công chức... Tô Hoài thú thực mình không được học hành bài bản, phần lớn do tự học. Riêng lĩnh vực văn chương, ông học từ cuộc sống dân gian rất đặc sắc của quê mình.

 

Ảnh nhà văn Tô Hoài chụp năm 1997 tại nhà riêng.
Nhà văn Tô Hoài


Văn nghiệp của Tô Hoài rất to lớn ở hai khía cạnh số lượng (hàng trăm đầu sách, với hàng nghìn tác phẩm lớn nhỏ) và chất lượng. Ở lĩnh vực nào, thể loại nào ông cũng để lại dấu ấn riêng biệt và độc đáo: Dế mèn phiêu lưu ký, Vợ chồng A Phủ, Chuyện cũ Hà Nội, Cát bụi chân ai. Ở phần văn xuôi, Tô Hoài luôn đứng đầu ở mọi thể loại, bởi thế ông là lớp nhà văn được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên.


Nhà văn Tô Hoài thực sự là người lao động cần mẫn, ông ngồi đâu, đi đâu cũng viết được. Chính ông tâm sự, có khi trong đầu không nghĩ được cái gì nhưng trước trang giấy, cây bút trong ông phải làm việc. Cho nên ông luôn có tác phẩm. Tuy đọc rất nhiều sách, nhưng khả năng quan sát của ông thì đúng là bậc thầy, luôn chắt lọc những nét riêng tinh tế nhất để đưa vào câu văn của mình. Nhà văn Kim Lân từng nhận xét về bạn mình: “Bác Tô Hoài rất giỏi quan sát, không cái gì lọt ra ngoài được đôi mắt bác ấy”.


Nhiều lần gặp nhà văn cũng như qua lời đồng nghiệp, hay từ những trang văn thể hiện, tôi rất cảm phục cái tài hòa nhập cuộc sống của nhà văn. Ông có thể ăn uống, vui chơi với tất cả mọi con người, mọi dân tộc (không chỉ trong nước mà cả thế giới), cho nên những câu văn của ông gần như lấy ra từ cuộc sống rất chuẩn! Tác phẩm Vợ chồng A Phủ chính là minh chứng cho điều đấy, khi những năm tháng ông hòa nhập cuộc sống miền Tây Bắc.


Tuy nhiên, Tô Hoài vượt lên đứng riêng một cõi sừng sững, một nhà văn có màu sắc Việt nhất chính là sự sáng tạo ngôn ngữ! Đọc văn Tô Hoài từ những tác phẩm đầu tiên như O chuột, Dế mèn phiêu lưu ký cho đến những tác phẩm gần cuối đời như Ba người khác, Cát bụi chân ai... mỗi câu mỗi chữ đều rất độc đáo, riêng biệt không giống bất cứ ai. Có nhà văn nói: “Hình như tác phẩm văn học của Tô Hoài là những cuốn từ điển ngôn ngữ Việt suốt từ thời cổ đại tới hiện đại!”


Vẫn biết sẽ có ngày nhà văn Tô Hoài ra đi nhưng như một bóng cổ thụ quá lớn, quá rộng khi đổ xuống, biết bao giờ hàng cây xung quanh có thể lấp đầy một phần trống vắng đó? Từ hôm nay, thế hệ bạn đọc mỗi khi theo bước chân chú dế mèn đều nghĩ rằng hình như phía sau đó là hình bóng ông già nhân hậu đang bước theo mỉm cười! Đó là nhà văn Tô Hoài !


Lê Đức Dương