06:07, 29/07/2014

Đưa phim truyền hình ra rạp: Ý tưởng hay

Sau mùa phim truyền hình 1 tập đầu tiên với nhiều dư âm đẹp trong công chúng, mùa phim thứ 2 lại được bắt đầu với ý tưởng mới: Sản xuất một bộ phim 90 phút với 2 phiên bản, một để chiếu trên truyền hình, một ra rạp. Đây là một ý tưởng nhiều tương lai cho phim truyền hình Việt.

Sau mùa phim truyền hình 1 tập đầu tiên với nhiều dư âm đẹp trong công chúng, mùa phim thứ 2 lại được bắt đầu với ý tưởng mới: Sản xuất một bộ phim 90 phút với 2 phiên bản, một để chiếu trên truyền hình, một ra rạp. Đây là một ý tưởng nhiều tương lai cho phim truyền hình Việt.


Ý tưởng độc đáo


Năm 2013, khi những bộ phim điện ảnh kinh điển thế giới, những tác phẩm nổi tiếng Việt Nam ở khung giờ phim cuối tuần đã trở nên quen thuộc với công chúng thì sự xuất hiện của dòng phim 1 tập đã giúp khán giả được “đổi món”. Năm nay, nhà đài lại tiếp tục đặt hàng sản xuất loạt phim khai thác đề tài nóng, phức tạp của đời sống. Tại cuộc họp báo mới đây, ông Ngô Hồng Dân - Trưởng phòng Phim Việt Nam (Ban Thư ký biên tập, Đài Truyền hình Việt Nam) cho biết: Nếu như năm ngoái, nhà sản xuất phải đau đầu tìm kịch bản phù hợp, thì năm nay, nguồn “tài nguyên” này lại phong phú đến bất ngờ. Đó là bởi sau khi xem và yêu thích loạt phim đã phát sóng, các tác giả đã chủ động viết kịch bản gửi về VTV. Chính vì thế, “tiệc phim 90 phút” năm nay trở lại với 30 bộ phim đa dạng ở các mảng đề tài, từ biển đảo với tâm tư của những người lính biển, nạn buôn bán phụ nữ, tình yêu, hôn nhân, gia đình, tâm lý tuổi học đường… đến phim tâm lý hình sự, hành động.

 

1
Những gương mặt diễn viên trẻ trong phim “Hạt mưa sa”.


Không chỉ làm phong phú bàn tiệc phim cho khán giả, sự trở lại của dòng phim 1 tập còn là cơ hội để các đạo diễn thể hiện mình. Quy tụ hơn 20 đạo diễn, từ gạo cội đến mới vào nghề, với sự tìm tòi, sáng tạo không ngừng, năm nay, chất lượng phim được chú trọng đặc biệt. “Chưa dám so sánh với phim điện ảnh, nhưng mỗi bộ phim 1 tập do VTV đầu tư sản xuất mới đều được làm rất bài bản, nhiều phim được giới chuyên môn đánh giá là có chất lượng, đủ tiêu chuẩn chiếu rạp. Vì thế, chúng tôi có ý tưởng làm phim “2 trong 1”, tức là cùng một tác phẩm sẽ làm thành 2 phiên bản để vừa phù hợp chiếu trên truyền hình, vừa đảm bảo chiếu rạp. Ý tưởng này nếu được lãnh đạo VTV phê duyệt chắc chắn sẽ giúp khán giả yêu điện ảnh có thêm nhiều trải nghiệm thú vị. Mặt khác, cùng một công, chỉ cần đầu tư thêm khâu hậu kỳ, nhà sản xuất có thể thu lợi nhuận từ việc bán vé để tái sản xuất. Đặc biệt, ý tưởng này sẽ phần nào khỏa lấp tình trạng phim nội lép vế ngoài rạp chiếu hiện nay” - ông Dân chia sẻ.


Tính khả thi cao


Đồng quan điểm này, đạo diễn Trần Vịnh - “cha đẻ” của bộ phim “Nỗi đau giấu kín” sắp lên sóng giờ phim cuối tuần trên VTV, chia sẻ: “Ý tưởng này của nhà đài táo bạo, có phần mạo hiểm nhưng rất khả thi. Bởi phim ngắn 90 phút là sự chắt lọc về chất lượng, từ kịch bản, tuyển diễn viên, khung hình… đến xử lý hậu kỳ đều làm kỹ lưỡng rồi kiểm duyệt gắt gao. Khi làm xong “Nỗi đau giấu kín”, tôi đã mời một đạo diễn gạo cội xem, ông nhận xét rằng: Phim hay, cậu làm để chiếu rạp đúng không? Thế nên, tôi rất có niềm tin với ý tưởng của Phòng Phim Việt Nam”.

 

Khai màn cho “Mùa phim ngắn cuối tuần VTV 2014” là bộ phim “Hạt mưa sa” của đạo diễn Nguyễn Văn Đức, lên sóng VTV1 vào 21 giờ 30 phút ngày 3-8.

Với ý tưởng làm phim “2 trong 1”, đạo diễn Đỗ Đức Thịnh đang ra sức thực hiện loạt phim tâm lý hình sự, hành động chất lượng cao. Diễn viên Thanh Thúy cho biết: “Ngay từ khâu chọn kịch bản, chúng tôi đã luôn tâm niệm, làm phim truyền hình nhưng chất lượng nghệ thuật phải tương đương với phim điện ảnh chiếu rạp. Thế nên, cả êkíp đã rất nỗ lực, trau chuốt từng hình ảnh, góc máy… kết hợp với sử dụng kỹ xảo dựng hình tân tiến. Trong đó, “Biệt thự mờ sương” được chúng tôi kỳ vọng rất nhiều vì đây là phim đạt chuẩn 4K, đủ tiêu chuẩn chiếu rạp”.


Bên cạnh đó, nhà đài cho biết, nhiều đoàn phim đã không ngần ngại di chuyển hàng trăm cây số để tìm được bối cảnh thể hiện chính xác dụng ý của tác giả. Như “Hạt mưa sa” quay tại vùng núi phía Bắc, “Con cu ly bé nhỏ” tại vùng cát trắng Phan Thiết, “Đảo ngọt” ghi hình tại Phú Quốc… Tất cả thể hiện tâm huyết, tình yêu, sự nghiêm túc của những người làm phim nhằm đưa đến cho khán giả yêu điện ảnh những thước phim có giá trị cao về mặt nghệ thuật, đồng thời đưa phim ngắn truyền hình đến với khán giả.


Hồ Hạ (KTĐT)