11:07, 18/07/2014

Bằng chứng quan trọng khẳng định chủ quyền biển đảo

Tại lễ công bố và đón nhận di tích lịch sử Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa ở đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết (huyện Trường Sa) do UBND tỉnh tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã khẳng định: "2 tấm bia chủ quyền được xây dựng trên đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết là những bằng chứng lịch sử quan trọng ....

Tại lễ công bố và đón nhận di tích lịch sử Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa ở đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết (huyện Trường Sa) do UBND tỉnh tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã khẳng định: “2 tấm bia chủ quyền được xây dựng trên đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết là những bằng chứng lịch sử quan trọng vì ở đó khắc ghi cụ thể sự quản lý liên tục và toàn diện của Việt Nam đối với Trường Sa”.


. Chủ quyền xuyên suốt


Việt Nam đã xác lập chủ quyền lịch sử từ rất lâu đời trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chiến tranh cùng những biến động của lịch sử đã khiến nhiều thư tịch cổ của Việt Nam bị mất mát, thất lạc. Tuy nhiên, những tư liệu còn lại cho đến nay vẫn đủ để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các vua chúa nhà Nguyễn đã liên tục thực thi chủ quyền ở 2 quần đảo này. Thời kỳ Pháp thuộc, nhân danh Việt Nam, người Pháp tiếp tục có những hành động thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1930, Toàn quyền Đông Dương đã cho dựng bia chủ quyền, đóng giữ đảo Trường Sa và các đảo, đá, bãi phụ thuộc. Sau đó, Chính phủ Pháp gửi thông báo ngoại giao cho các cường quốc về sự kiện đóng giữ quần đảo Trường Sa theo đúng thủ tục. Năm 1933, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định quy thuộc quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa. Năm 1938, Pháp cho xây trạm khí tượng ở đảo Ba Bình, quần đảo Trường Sa... Năm 1951, tại Hội nghị San Francisco (Hoa Kỳ), Ngoại trưởng Trần Văn Hữu dẫn đầu phái đoàn Chính phủ Quốc gia Việt Nam đã tuyên bố khẳng định chủ quyền lâu đời của người Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp sự phản đối hay bảo lưu của nước nào.

 

Bia chủ quyền ở đảo Song Tử Tây, xã Song Tử Tây, huyện Trường Sa.  (Ảnh do Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh cung cấp)
Bia chủ quyền ở đảo Song Tử Tây, xã Song Tử Tây, huyện Trường Sa. (Ảnh do Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh cung cấp)


Năm 1956, sau khi ký kết hiệp định Geneve, Pháp chuyển giao lãnh thổ miền Nam Việt Nam cho Chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Sau đó, Việt Nam Cộng hòa đã cho quân ra tiếp quản, tổ chức hai quần đảo về mặt hành chính (lập ở mỗi quần đảo một xã thuộc một huyện ở đất liền), xây các bia chủ quyền, duy trì các trạm khí tượng. Theo một số tài liệu, sau lần xây dựng năm 1956, năm 1963 Hải quân Việt Nam Cộng hòa đã cho xây dựng lại bia chủ quyền Việt Nam tại một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Sách trắng năm 1975 về quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa nêu rõ ngày xây dựng lại bia chủ quyền ở 6 đảo: ngày 19-5-1963, ở đảo Trường Sa; ngày 20-5-1963, ở đảo An Bang; ngày 22-5-1963, ở đảo Thị Tứ và Loại Ta; ngày 24-5-1963 ở đảo Song Tử Đông và đảo Song Tử Tây.  Năm 1975, quân đội nhân dân Việt Nam giải phóng quần đảo Trường Sa, góp phần vào thắng lợi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Từ đó đến nay, Việt Nam tiếp tục thực thi chủ quyền ở quần đảo này. Trải qua thời gian và biến động lịch sử, đến nay chỉ còn lại 2 bia chủ quyền xây dựng năm 1956 ở đảo Song Tử Tây và Nam Yết.


. Khẳng định giá trị trường tồn


Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Tâm (Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh), người trực tiếp lập hồ sơ di tích bia chủ quyền quần đảo Trường Sa cho biết: Bia chủ quyền ở đảo Song Tử Tây (thuộc xã Song Tử Tây) có chiều cao 3,36m, gồm phần thân và phần chóp. Bia chủ quyền ở đảo Nam Yết hiện đã bị mất phần chóp, chỉ còn phần thân cao 1,32m. Trên cả 2 bia có dòng chữ được khắc chìm với nội dung: “Quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy. Phái bộ quân sự thị sát nghiên cứu đến viếng quần đảo ngày 22-8-1956 dưới sự hướng dẫn của Hải quân Việt Nam”. Căn cứ vào giá trị khoa học nhiều mặt về lịch sử, quân sự, văn hóa..., năm 2011, UBND tỉnh có quyết định xếp hạng cụm bia chủ quyền Trường Sa là di tích cấp tỉnh. Do bia ở đảo Song Tử Tây bị sụt lún, nên ngay sau đó UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Trường Sa trùng tu, tôn tạo cả 2 bia chủ quyền do Việt Nam Cộng hòa xây dựng ở đảo Song Tử Tây và Nam Yết.  


Ngày 13-6-2014, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ra quyết định xếp hạng Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa ở đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết là di tích lịch sử quốc gia. Ngay sau đó, Bộ đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh phối hợp với Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cơ quan chức năng có phương án cụ thể bảo vệ cụm di tích này. Ngày 17-7, UBND tỉnh đã tổ chức lễ công bố và đón nhận di tích lịch sử Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa ở đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết (huyện Trường Sa). Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Viết Thuân - Chủ tịch UBND huyện Trường Sa nhấn mạnh: “Di tích một lần nữa khẳng định quần đảo Trường Sa là của Việt Nam, chúng tôi sẽ có kế hoạch để bảo vệ. Đây cũng là sự tri ân các thế hệ đi trước đã bảo vệ chủ quyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong huyện đảo sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ vững chắc chủ quyền quần đảo Trường Sa”.


Trong suốt chiều dài lịch sử, cha ông ta đã đổ nhiều xương máu để gìn giữ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Rất nhiều văn tự và các bằng chứng vật chất khác hiện đang được giữ gìn đã phản ánh cuộc đấu tranh bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là những bằng chứng pháp lý, cơ sở lịch sử để khẳng định chủ quyền. Bia chủ quyền được xây dựng năm 1956 ở đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết có ý nghĩa không nhỏ trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Trường Sa nói riêng, biển đảo Việt Nam nói chung. Phát biểu tại buổi lễ công bố di tích quốc gia Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa ở đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh khẳng định: Việc xếp hạng cụm bia chủ quyền trên quần đảo Trường Sa thể hiện sự trân trọng và tinh thần quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước của Đảng và Nhà nước.


Với những giá trị đó, ngành Văn hóa cần sớm có nghiên cứu chuyên sâu, toàn diện hơn về hệ thống bia chủ quyền ở Trường Sa nhằm khẳng định chủ quyền lâu đời, xuyên suốt của người Việt đối với quần đảo thiêng liêng này.


XUÂN THÀNH