10:06, 03/06/2014

Văn hóa facebook

Facebook (FB - trang mạng xã hội) đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hiện tại. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ kỹ năng để quản lý FB, giữ FB như một công cụ để kết nối với người thân, giúp ích cho công việc…

Facebook (FB - trang mạng xã hội) đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hiện tại. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ kỹ năng để quản lý FB, giữ FB như một công cụ để kết nối với người thân, giúp ích cho công việc… Việc thiếu kỹ năng quản lý, lạm dụng FB đã, đang để lại nhiều câu chuyện dở khóc dở cười, thậm chí cả những mất mát cho chính chủ nhân của nó.


Chỉ trong vòng vài năm, FB đã “chinh phục” hầu hết lớp trẻ (nhất là ở đô thị), thậm chí nhiều người đã bị dính vào hội chứng “nghiện” FB. Nhiều người đã nói đến mặt trái của việc “nghiện” FB như: tốn thời gian, ảnh hưởng đến học tập, công việc... Tuy nhiên, còn một khía cạnh khác ít người nhắc đến, đó là văn hóa chơi FB.


Câu like bằng mọi cách


Không biết từ bao giờ, trong lớp trẻ chơi FB vẫn có sự ngấm ngầm chạy đua về lượt like (ưa thích). Chính vì vậy, để tăng độ hot của FB, nhiều bạn trẻ đã chấp nhận đăng những bức ảnh khoe thân, khoe của rất phản cảm nhằm tìm kiếm sự nổi tiếng. Rất nhiều chủ nhân FB đang ở tuổi học sinh đã cho đăng những bức ảnh rất “nóng” với suy nghĩ giản đơn đây là thế giới ảo, bất chấp hậu quả của nó.

 

Nhiều người đã ấn nút like khi thấy bức hình N.T với cánh tay đang bó bột.


Phổ biến nhất của việc câu like là tình trạng “ăn mày tình cảm” trên FB. Mới đây, cộng đồng mạng được một phen cười ra nước mắt khi một cô gái đăng status về việc bà nội mất với dòng chữ: “Trời ơi... con không kịp về mà nội đã qua đời vậy nội ơi”, kèm theo đó là 3 tấm ảnh cô gái “tự sướng” về cảnh mình đang khóc. Ngay sau đó đã có rất nhiều comment (bình luận) chế giễu, “ném đá” cô gái này.

 
Người viết có một anh bạn, cứ có chuyện gì là lên FB than vãn nửa như muốn tìm kiếm sự chia sẻ, nửa như muốn câu like. Vừa chia tay bạn gái, anh đưa lên FB bức hình ngồi buồn bên ly cà phê cùng lời than thở nên nhiều người chia sẻ, động viên. Được vài hôm, anh lại đăng ảnh tay trong tay với người con gái khác, bạn bè tặc lưỡi “cái thằng vậy mà nhanh” nhưng rồi cũng nhấn nút like, kèm theo câu chúc mừng. Mấy bữa nữa lại thấy anh đăng ảnh, status về cái sự hợp rồi tan, tan rồi hợp... để câu like như một trò hề.


Cái gì cũng like


Trong thế giới FB, song hành với việc câu like bằng mọi giá chính là việc ấn nút “like” một cách bừa bãi bất chấp nội dung mà người khác chia sẻ. Điển hình, cách đây vài ngày, N.T - kỹ thuật viên của Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa bị gãy tay trong một trận giao hữu bóng đá. Sau trận đấu, N.T đăng bức ảnh với cánh tay đang bó bột cùng lời than thở nuối tiếc vì bỏ lỡ chuyến đi hội thao ở Đắk Nông. Một số bạn bè biết chuyện đã vào chia sẻ, an ủi với chủ nhân FB, nhưng nhiều hơn là những người ấn nút “like” (nghĩa là thích việc bạn bị gãy tay?). Tương tự, làng báo Đà Nẵng cũng có chuyện cười ra nước mắt. Chuyện là một nhóm phóng viên yêu bóng đá ở thành phố bên sông Hàn đã lập nên một đội bóng. Để tiện liên lạc, nhóm đã lập FB. Ngày nọ, bố của phóng viên H.N qua đời, ban quản trị đã đăng tin lên FB để mọi người biết tin đến phúng điếu. Điều khôi hài là ngay sau khi đăng tin, rất nhiều thành viên của đội bóng đã bấm nút “like”. Không biết khi ấn nút “like”, những người kia đã nghĩ gì? Có thể nói, việc người chơi FB tiện tay nhấn nút “like” khá phổ biến, có người gọi là hội chứng cuồng “like”.


Facebook như thùng rác


Một trong những tính năng vượt trội của FB so với blog, yahoo messenger trước đây chính là sự tương tác rất cao. Chỉ cần một dòng status, một bức ảnh được đăng công khai sau vài phút có thể lan truyền đi khắp thế giới. Người chơi FB đều biết điều này, nhưng không phải ai cũng đủ tỉnh táo để dừng tay trước cửa ngõ FB. Rất nhiều người đã xem FB như cái... thùng rác để ném lên đó tất cả những buồn, vui, yêu, ghét... trong đời sống hàng ngày. Vợ chồng K. đều là tri thức trẻ và đều “nghiện” FB. Cách đây 1 tuần, khoảng 21 giờ, vợ K. cho đăng status “Đồ vô dụng!”. Câu status chê trách ấy nhanh chóng lan truyền đến bạn bè 2 người, người chia sẻ thì ít nhưng lời châm chọc, à ơi về chuyện nhạy cảm thì nhiều. Không ai biết đằng sau cái câu “Đồ vô dụng” ấy là gì, nhưng từ đó mọi người nhìn vợ chồng K. với ánh mắt khác. Hoặc chuyện vợ D. bắt gặp trong điện thoại của chồng những tấm ảnh tình tứ cùng cô gái lạ. Trong cơn ghen tức, vợ D. đã cho đăng công khai trên FB những tấm hình nhạy cảm của chồng cùng những lời chì chiết khá nặng nề. Bây giờ, tuy đã làm lành nhưng thỉnh thoảng bạn bè lại đem chuyện ấy ra trêu khiến vợ D. không quên được nỗi nghi ngờ trong lòng. Không biết sau bài học đó, vợ chồng D. có rút ra được kinh nghiệm về việc sử dụng FB!


FB là một thế giới mở vô hạn. Chính vì độ mở của nó, hơn ai hết, những người chơi FB phải biết đâu là điểm dừng, phải tự mình kiểm duyệt tất cả hình ảnh, thông tin trước khi đăng tải. Việt Nam là một trong những nước có tốc độ phát triển FB cao nhất thế giới, số người chơi FB tăng chóng mặt, và độ tuổi của người chơi FB ngày càng trẻ. Chính vì vậy, việc tuyên truyền về kỹ năng, văn hóa sử dụng FB cần phải được chú trọng, nhất là với những người chơi đang ở độ tuổi học sinh!


THÀNH NGUYỄN