08:06, 07/06/2014

Sách về biển, đảo được độc giả Khánh Hòa quan tâm

Những năm gần đây, các nhà xuất bản trong nước liên tục cho in sách về biển, đảo. Kể từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, các đơn vị làm sách đã cho ra đời rất nhiều đầu sách khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. …

Những năm gần đây, các nhà xuất bản (NXB) trong nước liên tục cho in sách về biển, đảo. Kể từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, các đơn vị làm sách đã cho ra đời rất nhiều đầu sách khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bạn đọc cũng quan tâm hơn đến mảng sách về biển, đảo…


. Danh mục lớn sách về biển, đảo


Giữa tháng 5 vừa qua, NXB Chính trị quốc gia đã cho in 3 đầu sách quan trọng: Các hiệp định biển giữa Việt Nam và các nước láng giềng (Lê Quý Quỳnh và Nguyễn Trường Giang chủ biên), Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982, Chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Ủy ban Biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao biên soạn). Mới nhất, ngày 3-6, NXB Đại học Quốc gia ra mắt tập sách Chủ quyền Việt Nam trên biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu...


Chỉ trong vòng vài năm, sách về biển, đảo đã có một danh mục lớn. Tuy không bằng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nhưng các đơn vị phát hành sách (PHS) ở Khánh Hòa (có huyện đảo Trường Sa) rất chú trọng về mảng sách biển, đảo. “Chúng tôi ý thức được tầm quan trọng của các sách về biển, đảo, nhất là với những sách cung cấp kiến thức về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Chính vì vậy, dù là loại sách kén độc giả, chúng tôi vẫn luôn cập nhật đầy đủ các đầu sách được phát hành”, ông Vũ Đức Chung - phụ trách mảng sách của Nhà sách Tân Tiến (Công ty Cổ phần - CP PHS Khánh Hòa) bày tỏ. Hiện nay, hệ thống nhà sách, nhất là các nhà sách của Công ty CP PHS Khánh Hòa, Nhà sách Phương Nam Nha Trang, Nhà sách Fahasa Nha Trang... bày bán rất nhiều sách về biển, đảo, đặc biệt là các ấn phẩm về Hoàng Sa và Trường Sa. Nổi bật là các đầu sách nằm trong Tủ sách biển, đảo của NXB Trẻ như: Bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam (nhiều tác giả); Việt Nam Quốc hiệu & Cương vực: Hoàng Sa - Trường Sa (Nguyễn Đình Đầu); Hoàng Sa, Trường Sa: Các sự kiện, Tư liệu lịch sử, Pháp lý chính (2 tập, Nguyễn Việt Long); Địa lý biển Đông với Hoàng Sa - Trường Sa (Vũ Hữu San, NXB Trẻ); Lẽ phải, luật quốc tế và chủ quyền trên 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (Nguyễn Việt Long)... Loạt sách của NXB Tuổi trẻ đã cung cấp rất nhiều tư liệu chứng minh chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa về mặt pháp lý cũng như về lịch sử.

Nhiều độc giả trẻ quan tâm đến sách về biển, đảo.
Nhiều độc giả trẻ quan tâm đến sách về biển, đảo.


Bên cạnh đó, các nhà sách của Công ty CP PHS Khánh Hòa còn bày bán các bộ sách Chủ quyền biển đảo Việt Nam (NXB Thanh Niên) và Biển Việt Nam mến yêu (NXB Quân đội nhân dân). 20 tác phẩm, bộ sách Chủ quyền biển đảo Việt Nam cung cấp các kiến thức cơ bản về luật biển của quốc tế và Việt Nam; cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo trên Biển Đông; quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong việc giải quyết tranh chấp; điều kiện tự nhiên và tiềm năng phát triển của đảo, quần đảo, vịnh, vũng, các bãi biển ở nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... Trong khi đó, bộ sách Biển Việt Nam mến yêu (8 tập) lại mang hơi thở và linh hồn của biển, đảo với nội dung về những trang sử oanh liệt trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; về những câu chuyện tình người lính biển, văn hóa biển của người Việt, nỗi niềm đau đáu về Hoàng Sa đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép... Bộ sách truyền vào lòng bạn đọc tình cảm tự hào về những vùng biển xinh đẹp, nơi có những con người vững lòng tin, chắc tay súng ngày đêm canh giữ biển, đảo Tổ quốc.


l Độc giả ngày càng quan tâm hơn


Theo nhân viên Nhà sách Tân Tiến, thời gian gần đây, khi vấn đề về Biển Đông ngày càng “nóng” thì sách về biển, đảo bán chạy hơn trước. Một số cuốn như: Hoàng Sa - Trường Sa (Trần Nam Tiến, NXB Trẻ); Hỏi và đáp, Biển Đông yêu dấu (Trần Ngọc Toản, NXB Trẻ); Có một đường mòn trên Biển Đông (Nguyên Ngọc, NXB Trẻ)... đã bán hết. Đặc biệt, 2 tập đầu tiên của bộ truyện tranh Thần Đồng đất Việt: Hoàng Sa - Trường Sa (Công ty Phan Thị) được các thiếu nhi hào hứng đón nhận. Đây là một tín hiệu đáng mừng, bởi điều này đồng nghĩa với việc bạn đọc ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề chủ quyền biển, đảo hợp pháp của Việt Nam, nhất là Hoàng Sa và Trường Sa. Những quyển sách này sẽ gieo vào lòng người đọc, nhất là thế hệ trẻ về tình yêu Tổ quốc, tình yêu biển, đảo Việt Nam.


Tuy nhiên, theo quan sát của người viết, lượng sách về biển, đảo khá nhiều, nhưng phần lớn các nhà sách để sách biển, đảo vào giá sách lịch sử, thậm chí có nhà sách còn để sách biển, đảo ở tạm tại mục thơ - dân ca. Thiết nghĩ, với việc lượng sách về biển, đảo ngày càng nhiều, đặc biệt là khi việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo ngày càng khó khăn, phức tạp, các nhà sách nên dành cho sách về biển, đảo một vị thế lớn hơn. “Nên có bảng đề tên khu vực sách biển, đảo để tạo được sự chú ý cho độc giả, kích thích ham muốn đọc sách về biển, đảo để thêm yêu đất nước mình”, độc giả Nguyễn Thanh Hiếu (phường Phương Sài, TP. Nha Trang) nói.


XUÂN THÀNH