10:06, 17/06/2014

Những ngôi chùa ở Trường Sa

Ở Trường Sa, chùa không chỉ là địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của người dân, mà còn là nơi thờ tự những người đã hy sinh quên mình vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…

Ở Trường Sa, chùa không chỉ là địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của người dân, mà còn là nơi thờ tự những người đã hy sinh quên mình vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…


Mới đây, cùng đoàn công tác của tỉnh Khánh Hòa ra thăm huyện đảo Trường Sa, chúng tôi có dịp được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những ngôi chùa giữa nghìn trùng sóng gió. Bên Phật điện trang nghiêm, tiếng chuông chùa ngân vang làm lắng đọng trong mỗi người những cảm xúc khó tả. Từ xa xưa, trên quần đảo Trường Sa đã có những am thờ do ngư dân xây dựng, để cầu trời, Phật phù hộ, độ trì cho những chuyến đi biển được bình yên... Trên nền tảng đó, hiện nay ở quần đảo Trường Sa đã phát triển 6 ngôi chùa, trong đó các chùa Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa lớn được xây dựng sớm nhất. Những năm gần đây, các ngôi chùa này được đầu tư tu bổ xứng tầm. Những ngôi chùa ở đây đều có những điểm chung như: chính điện hướng về thủ đô Hà Nội; tượng Phật làm bằng đá quý; gỗ xây chùa là loại gỗ tốt chống chịu được sự bào mòn của gió, muối biển; các câu đối, hoành phi đều được sơn son thếp vàng và viết bằng chữ quốc ngữ. Trong khuôn viên các chùa đều có bàn thờ anh hùng liệt sĩ - những người đã hy sinh anh dũng để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.


Chùa Song Tử Tây là ngôi chùa lớn nhất trong số những ngôi chùa tại huyện đảo. Chùa được xây dựng theo lối cổ lầu, cửa tam quan 2 tầng, 8 mái. Chính điện 3 gian, 2 chái, có tả vu, hữu vu, bên ngoài là sân vườn thoáng đãng. Chùa cùng với đền thờ Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn và ngọn hải đăng bề thế, cao vút làm thành một quần thể kiến trúc giàu giá trị truyền thống, văn hóa, lịch sử trên Biển Đông...

 

Chùa Song Tử Tây.
Chùa Trường Sa lớn.


Chùa Sinh Tồn nhỏ hơn, mang dáng dấp của một ngôi chùa vùng đồng bằng Bắc bộ: 1 gian, 2 chái, tường trổ hoa, hệ thống sân, vườn rợp bóng phong ba, bàng vuông... Bên trái sân chùa có bia tưởng niệm 64 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh oanh liệt trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988.


Chùa Trường Sa Lớn tọa lạc tại thị trấn Trường Sa, có khuôn viên rộng rãi, thoáng mát. Chính điện 1 gian 2 chái, mái cong có đầu đao. Chùa có thư viện với đầy đủ các đầu sách Phật học để bộ đội và người dân đến tìm hiểu, tu học. Trong chùa có tượng đá quý màu xanh bằng ngọc thạch do Liên đoàn Phật giáo thế giới tặng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Sau đó, Thủ tướng đã tặng lại cho cán bộ và nhân dân trên đảo.


Theo những vị sư trụ trì, các chùa ở Trường Sa đã có từ lâu, gắn liền với bước chân khai phá, khẳng định chủ quyền của dân tộc Việt Nam. Thượng tọa Thích Giác Nghĩa hiện đang trụ trì tại chùa Trường Sa Lớn chia sẻ: “Các bậc tiền bối của chúng ta đã ra Trường Sa sinh sống, lập chùa. Hiện nay, chúng ta tiếp tục công việc này là để duy trì sự thiêng liêng của chủ quyền quốc gia. Vì thế, chúng tôi nguyện đem hết tâm tư và nguyện vọng cũng như thời gian để tu tập, toàn tâm, toàn ý sống còn với mảnh đất mà cha ông đã gìn giữ...”.


Đại đức Thích Đức Nhẫn - trụ trì chùa Song Tử Tây tâm sự: “Bao đời nay, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc. Ở Trường Sa, tôi luôn nỗ lực để tu học và đóng góp sức mình cho quê hương, đất nước...”.


Các sư thầy cũng trải qua những khó khăn của đời sống thường ngày trên đảo như: thiếu rau xanh, nước ngọt... Hiện nay, chùa Song Tử Tây đã xây dựng được vườn rau, có bể trữ nước mưa, nước ngọt; chùa Trường Sa Lớn được bộ đội hỗ trợ thêm rau xanh bên cạnh việc tự túc của các chư tăng... Đối với các chư tăng, thiếu thốn, khó khăn về vật chất chỉ là chuyện nhỏ, bởi ở đó, điều lớn hơn là việc phát triển đạo pháp, khẳng định tinh thần yêu nước, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.


P.L