Chiều 20-6, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức lễ kỷ niệm 89 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2014) và trao Giải báo chí Khánh Hòa 2014. Nhân dịp này, phóng viên Báo Khánh Hòa phỏng vấn ông Trương Tấn Minh - Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh.
Chiều 20-6, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức lễ kỷ niệm 89 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2014) và trao Giải báo chí Khánh Hòa 2014. Nhân dịp này, phóng viên Báo Khánh Hòa phỏng vấn ông Trương Tấn Minh - Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh.
- Xin ông cho biết vài nét về Giải báo chí Khánh Hòa năm 2014?
- Tham dự Giải báo chí năm nay có 135 tác phẩm của 75 tác giả và nhóm tác giả trong tỉnh, nhiều hơn 55 tác phẩm so với năm 2013. Trong đó, có tới 98 tác phẩm báo in, chiếm số lượng cao hơn hẳn so với các loại hình báo chí khác, tiếp theo là báo hình (19 tác phẩm), phát thanh (6 tác phẩm), báo ảnh (8 tác phẩm), video clip (4 tác phẩm).
Các tác phẩm dự thi thể hiện nội dung rất đa dạng, phong phú; đề cập đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, từ gương điển hình tiên tiến về người tốt việc tốt, gương điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đến những bài phóng sự điều tra dài kỳ, phát hiện những vấn đề nổi cộm để các cơ quan chức năng xử lý. Một đề tài thu hút khá đông các nhà báo, đó là đề tài về Trường Sa và biển, đảo quê hương Khánh Hòa. Hầu hết các loại hình báo chí, từ báo hình, báo viết, đến báo ảnh đều có tác phẩm về đề tài này...
- Đâu là nét mới của giải báo chí năm nay, thưa ông?
Phóng viên Báo Khánh Hòa tại một bãi tập kết gỗ lậu của lâm tặc ở rừng Khánh Thượng (Khánh Vĩnh). |
- Nét mới của giải năm nay là ngoài loại hình báo in, báo hình, phát thanh (báo nói), báo ảnh, còn xuất hiện các tác phẩm video clip của Báo Khánh Hòa điện tử. Tuy còn khá mới mẻ nhưng báo điện tử đã có một số tác phẩm có chất lượng khá tốt. Điều đáng nói, bên cạnh việc tham gia của các cơ quan báo chí trong tỉnh, cuộc thi năm nay còn thu hút sự quan tâm của khá nhiều báo Trung ương và ngành như: VTV Phú Yên, Công thương, Lao động, Thanh niên, Lao động - Xã hội, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Thế giới và Việt Nam... Điều này chứng tỏ uy tín ngày càng cao của Giải báo chí Khánh Hòa. Cuộc thi không chỉ dành cho các cơ quan báo chí tỉnh mà đã trở thành “sân chơi” chung của tất cả những người làm báo trên địa bàn.
- Ông đánh giá thế nào về chất lượng của các tác phẩm dự giải báo chí năm nay?
- So với những năm trước, chất lượng các tác phẩm dự Giải báo chí Khánh Hòa năm 2014 vẫn được giữ vững. Ở báo in, có không ít tác phẩm được các tác giả lấy tư liệu công phu, phản ánh kịp thời vấn đề, sự kiện nổi bật, nên hiệu quả đạt được rất cao. Đơn cử như Báo Khánh Hòa có bài điều tra dài kỳ “Rút ruột rừng Khánh Thượng” với hình ảnh chân thực về những cây gỗ to bị chặt hạ, những bãi tập kết gỗ rất lớn và đường đi của gỗ lậu trong tận rừng sâu; loạt bài “Công ty bí ẩn và dự án từ thiện đáng ngờ” chỉ ra hoạt động bất thường của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển Hiển Vinh, những người mang danh làm từ thiện để lừa người dân. Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh với tác phẩm “Doanh nghiệp tố bị ép trả tiền nhậu cho cảnh sát giao thông”, được độc giả quan tâm. Bài viết đã đưa ra chứng cứ rõ ràng, buộc người trong cuộc phải công nhận hành vi sai trái của mình... Ngoài các bài điều tra phê bình, các tác giả còn chú trọng đến việc phản ánh các nhân tố mới, nhân tố tích cực như bài “Người viết tiếp giấc mơ cho trẻ khuyết tật” của Báo Lao động - Xã hội, viết về một cựu chiến binh khắc phục khó khăn, mở cơ sở sản xuất, duy trì việc làm cho người khuyết tật. Các bài viết về Trường Sa và biển, đảo như loạt bài “Nơi tôi đến là Trường Sa”, “Ngư dân Khánh Hòa canh cánh nỗi lo bám biển” của Báo Khánh Hòa cũng được bạn đọc quan tâm.
Báo hình cũng có nhiều tác phẩm có chất lượng như tác phẩm “Nghịch lý lời giải bài toán đánh bắt hải sản miền Trung” - tọa đàm giữa các nhà quản lý với ngư dân khi họ gặp khó khăn trong quá trình khai thác hải sản ở vùng biển Trường Sa; phóng sự “Những vấn đề về môi trường trong việc nuôi tôm trên bạt” tại huyện Vạn Ninh, và phim tài liệu “Lời của cát” của các tác giả Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa. Phim đã phản ánh được tình trạng khai thác cát bừa bãi ở ven đầm Thủy Triều, xã Cam Hải Đông, Cam Lâm. Phóng sự “Ông Phước” kể về người cựu chiến binh bán nhà của mình ở trung tâm TP. Nha Trang để đến vùng ngoại ô Phước Đồng mua đất, làm nhà tưởng niệm Bác Hồ cho học sinh và người dân đến tham quan... cũng là tác phẩm đạt chất lượng cao.
Đặc biệt, giải báo chí năm nay đánh dấu sự “lên ngôi” của lĩnh vực phát thanh, khi chương trình phát thanh trực tiếp “Kết nối du lịch Khánh Hòa - Lâm Đồng” được xếp vào vị trí cao nhất của giải. Kế đến là tác phẩm “Đầu tư cho miền núi Khánh Hòa như thế nào cho hiệu quả?”.
Bên cạnh những ưu điểm đó, Giải báo chí Khánh Hòa năm nay còn có một số vấn đề cần lưu tâm như lượng bài đấu tranh phê bình dự thi cao hơn nhiều so với bài biểu dương nhân tố mới, điển hình tiên tiến; bài viết về Trường Sa nhiều nhưng chất lượng không bằng những năm trước.
- Xin cảm ơn ông!
X.T (Thực hiện)