06:05, 14/05/2014

Thơ về biển, đảo - sợi dây kết nối tình yêu Tổ quốc

Những ngày qua, kể từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào đặt trong vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam, lòng người Việt lại như nước triều lên. Những bài thơ về biển, đảo lại được lan truyền một cách mạnh mẽ như động viên nhau chung tay bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.

Những ngày qua, kể từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào đặt trong vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam, lòng người Việt lại như nước triều lên. Những bài thơ về biển, đảo lại được lan truyền một cách mạnh mẽ như động viên nhau chung tay bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.


Đất nước chưa bao giờ bình yên


Những năm gần đây, khi tình hình Biển Đông có nhiều căng thẳng, nhiều nhà thơ đã có những câu thơ nóng hổi, kêu gọi tinh thần hiến dâng cho Tổ quốc. Nổi bật trong số đó là những sáng tác của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến. Lấy điểm nhìn “từ biển”, nhà thơ đã mở ra nhiều chiều kích khác nhau, thấy được bao hiểm họa, bão giông đang ngày đêm rình rập đất mẹ Việt Nam. Từ đó, nhà thơ đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với việc giữ gìn chủ quyền biển, đảo quê hương: Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển/Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng/Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa/Trong hồn người có ngọn sóng nào không? Câu hỏi Trong hồn người có ngọn sóng nào không? như mũi khoan khoan thẳng vào lòng người, nhức nhối khiến người đọc luôn thao thức với số phận của đất nước. Và nhà thơ cũng như bao người dân Việt luôn yêu Tổ quốc với tình yêu bằng máu thịt: Thương đất nước ba ngàn hòn đảo/Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn/Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy/Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân… Không chỉ gợi lại những đau thương mất mát, nhà thơ còn tự hào khẳng định về truyền thống quật cường của dân tộc: Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa/Đã mười lần giặc đến tự biển Đông/Những ngọn sóng hóa Bạch Đằng cảm tử/Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng. Trong sự tự hào, nhà thơ đã kết thúc bài thơ bằng những câu thơ hết sức sảng khoái: Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất/Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi.

 


Cũng trong dòng chảy thơ về biển đảo, nhà thơ trẻ Đinh Vũ Hoàng Nguyên (đã mất năm 2013) đã viết Những huyết cầu Tổ quốc để nhắc nhở thế hệ mai sau về trách nhiệm giữ gìn biển, đảo. Với Đinh Vũ Hoàng Nguyên, Tổ quốc là một cơ thể người, trong đó những ngư dân như hồng cầu vẫn ngày đêm bám biển để Trường Sa, Hoàng Sa vẫn là thịt trong huyết hình Tổ quốc. Để Tổ quốc nguyên vẹn hình hài đã có biết bao người ngã xuống vì Trường Sa, Hoàng Sa - những bạch cầu trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hơn ai hết, nhà thơ ý thức về lịch sử đau thương của dân tộc Mỗi con đường - mạch máu đất nước mình/Vết thương đạn bom vừa yên trong đất/Vọng phu còn trên nét mặt mồ côi. Thế nhưng, dân tộc ấy vẫn sống, vẫn đi tiếp bởi trong mỗi người dân Việt “mạch máu luôn nối liền với biển”: Nhưng những mũi tàu vẫn xẻ trùng khơi/Nơi sóng rẽ cũng là nơi máu chuyển/Và trong mỗi người Việt mình có mạch máu nối liền với biển/Mạch máu này con phải thấy bằng tim. Mượn lời người bố dạy dỗ con trai, nhà thơ nhắc nhở về hiểm họa ngày đêm đang rình rập: Kẻ thù lăm le cướp biển nước mình/Đất nước bốn nghìn năm trên sóng/Đừng quên: sau lời thề, lông ngỗng.../Giai nhân, huyết ngọc đổ bên trời. Nhà thơ kêu gọi thế hệ trẻ hãy “hiểu căm thù và biết yêu thương” để Nếu một ngày sóng nộ, cường lên/Giữa lòng Việt bốn nghìn năm cũng dậy…


Tiếng gọi của biển


Tiếp nối Tổ quốc nhìn từ biển, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến  viết tiếp Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra tưởng nhớ các liệt sĩ hy sinh ở vùng biển Gạc Ma năm 1988. Những vần thơ bi tráng đã tạc nên tượng đài của những người con đất Việt đã nằm xuống trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo: Các con đứng như tượng đài quyết tử/Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra… Giây phút “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của những người lính đảo được nhà thơ đặc tả như thước phim quay chậm, bằng những hình ảnh hết sức chân thực: Khi hy sinh ở đảo đá Gạc Ma/Họ đã lấy ngực mình làm lá chắn/Máu của anh thấm vào lòng biển thẳm/Để một lần Tổ quốc được sinh ra. Với mỗi người Việt Nam, đó là một trang sử bi tráng không bao giờ quên. Từ sự kiện cụ thể, nhà thơ đã gợi nhắc đến lịch sử của dân tộc Việt Nam - đất nước mà máu đã thấm vào từng thớ đất, từng trang sử đỏ. Có nơi nào như đất nước chúng ta/Viết bằng máu cả ngàn chương sử đỏ/Khi giặc đến vạn người con quyết tử/Cho một lần Tổ quốc được sinh ra. Đau thương đến vô cùng và tự hào cũng tột độ.


Những ngày này, khi Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981 trên vùng đặc quyền kinh tế biển Việt Nam, nhiều người Việt đã chia sẻ cho nhau những bài hát, vần thơ về biển, đảo. Bên cạnh những bài thơ cũ, trên các diễn đàn, báo mạng còn xuất hiện nhiều vần thơ mới. Ngày 7-5, trang facebook Lính Biển Việt Nam xuất hiện bài thơ Tiếng gọi của biển như lời nhắn gửi của người con với mẹ trước lúc lên tàu ra đảo. Nghẹn ngào chào mẹ ra đi/Mẹ nuôi con lớn chưa gì báo ân/Nhưng mẹ ơi… Tổ quốc cần/ Đời trai bao lớp hiến dâng thân mình. Giọng thơ trẻ, đầy ý thức công dân đó  khiến người đọc thêm tin tưởng vào lớp trẻ. Một ngày sau, trang facebook Lính Biển Việt Nam cho đăng tiếp bài thơ Tiếng biển - tiếng lòng của đảo xa gửi về đất liền. Vợ yêu ơi em có nghe tiếng biển/Lúc gầm vang lúc rì rào tha thiết/Những ngày này trong mỗi người dân Việt/Tiếng biển cuộn trào, tiếng biển sục sôi... Những câu thơ tưởng như rất riêng tư đã mở ra cả một chân trời rộng mở, tình cảm gia đình được lồng vào tình yêu đất nước. Nỗi nhớ hậu phương ở đất liền  được chuyển thành quyết tâm giữ biển, đảo. Nhà thơ đã bày tỏ quyết tâm  của người lính đảo, cũng là của người Việt: Biển xanh yên lành đâu muốn máu đỏ rơi nhưng Tàu giặc mà tấn công bờ cõi/Tiếng biển hiền hòa sẽ hóa tiếng ngư lôi. Bài thơ “viết vội” giữa 2 ca trực chiến của người lính đảo đã thực sự làm lay động lòng người, được lan truyền nhanh trên các trang mạng làm trào dâng cả làn sóng kêu gọi chung tay bảo vệ biển, đảo quê hương.


Trong những ngày này, những vần thơ đầy xúc cảm ấy về biển, đảo đã trở thành sợi dây kết nối lòng dân Việt. Trường Sa - Hoàng Sa đã trở thành máu thịt của Tổ quốc. Và mỗi người Việt luôn ý thức rằng: Khi giặc đến vạn người con quyết tử/Cho một lần Tổ quốc được sinh ra.


THÀNH NGUYỄN