"Chín năm làm một Điện Biên. Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng", chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Như một lẽ tự nhiên, sự kiện Điện Biên Phủ được ghi lại bằng những vần thơ mang đậm chất sử thi với một khí thế cách mạng hào hùng…
“Chín năm làm một Điện Biên. Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”, chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Như một lẽ tự nhiên, sự kiện Điện Biên Phủ được ghi lại bằng những vần thơ mang đậm chất sử thi với một khí thế cách mạng hào hùng…
Chiến sĩ anh hùng
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã ghi dấu ấn sâu đậm trong thơ ca cách mạng Việt Nam. Cùng với khúc ca khải hoàn Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của nhà thơ Tố Hữu, các nhà thơ: Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Chính Hữu, Vũ Cao... cũng có nhiều vần thơ hay về chiến thắng lịch sử này. Hình tượng người chiến sĩ Điện Biên anh hùng bền gan, vững chí chiến đấu với kẻ thù đã được khắc ghi bằng những vần thơ mang đậm chất sử thi. Nhà thơ Tố Hữu đã tạc vào thời gian hình ảnh bất tử của người lính Điện Biên bằng những câu thơ: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/Chiến sĩ anh hùng/Đầu nung lửa sắt/Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non/Gan không núng/Chí không mòn (Hoan hô chiến sĩ Điện Biên).
Trong chiến dịch Điện Biên, có biết bao gương anh hùng đã xả thân vì nghĩa lớn như: Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng; Nguyễn Văn Chức, Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo; Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai... Từ thực tế đó, Tố Hữu đã khái quát thành phẩm chất anh hùng của người lính Điện Biên với một cảm hứng tự hào: Những đồng chí thân chôn làm giá súng/Đầu bịt lỗ châu mai/Băng mình qua núi thép gai/Ào ào vũ bão/Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/Nát thân, nhắm mắt, còn ôm.../Những bàn tay xẻ núi lăn bom... Đề cập đến sự hy sinh của đồng đội, nhà thơ Chính Hữu có những câu thơ thật bi tráng: Bạn ta đó/Ngã trên dây thép ba tầng/Một bàn tay chưa rời báng súng/Chân lưng chừng nửa bước xung phong/Ôi những con người mỗi khi nằm xuống/Vẫn nằm trong tư thế tiến công!... (Giá từng thước đất). Cùng với Tố Hữu, nhà thơ Chính Hữu đã khắc họa nét đẹp hùng tráng của người lính Điện Biên mà khó có tượng đài nào chạm khắc nổi.
Điều rất đáng trân trọng, những người lính Điện Biên thực sự là những “chiến binh thép”, nhưng không phải là những cỗ máy vô tri, các anh sống với nhau bằng tình đồng đội, đồng chí rất đỗi chân thành. Giữa chiến trường, những người lính hớp nước uống chung, nắm cơm bẻ nửa, chia khắp căn hầm một mẩu tin nhà và chia nhau chiến hào chật hẹp/Chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết (bài thơ Giá từng thước đất, nhà thơ Chính Hữu). Những người lính, người dân công hỏa tuyến phục vụ Điện Biên vẫn luôn lạc quan yêu đời, dồn sức ra trận, nhà thơ Tố Hữu ngợi ca: Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát/Dù bom đạn xương tan, thịt nát/Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh. Viết về trận quyết chiến Điện Biên Phủ, các nhà thơ không ngại nói về sự hy sinh, bởi đó là điều tất yếu của chiến tranh. Chính sự hy sinh trong giây phút cam go và quyết liệt ấy đã làm cho trận tổng tiến công được nối liền như mạch máu luôn chảy mãi. Hơn ai hết, những người lính Điện Biên ý thức được rằng, sự hy sinh của họ không vô nghĩa, máu của họ đổ xuống sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam/Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng.
Hào khí Điện Biên
Trong các bài thơ viết về thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ, còn có sáng tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo một số tài liệu, ngày 7-5-1954, quân ta kết thúc thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 12-5-1954, Báo Nhân Dân đăng bài thơ “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ” của Bác. Bài thơ có 4 đoạn được viết theo lối kể chuyện dân gian, kể lại chuyện đánh giặc từ khi quân Pháp nhảy dù ở Điện Biên Phủ đến khi quân ta chiến đấu giành thắng lợi cuối cùng. “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ” là bản tổng kết chiến thắng Điện Biên Phủ một cách ngắn gọn nhất bằng thơ. |
Thơ viết về “thiên sử vàng” Điện Biên Phủ luôn có hào khí ngút trời với giọng thơ hùng tráng. 60 năm đã qua đi nhưng mỗi lần đọc lại những vần thơ này, người Việt luôn thấy rần rật trong huyết quản một niềm tự hào Việt Nam. Trong Bài ca Điện Biên Phủ, nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã mô tả khí thế tiến công của quân ta như vũ bão: Đất trời mờ sắt thép/Chớp giật xé ngày đêm/Lửa ào ào bùng cuộn/Lấp những đồi cháy đen. Cùng niềm cảm hứng ấy, nhà thơ Tố Hữu lại càng khí thế hơn: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp/Sét đánh ngày đêm/Xuống đầu giặc Pháp. Giọng thơ của Tố Hữu vút lên cùng với những thắng lợi rực rỡ trên chiến trường Kháng chiến ba ngàn ngày/Không đêm nào vui bằng đêm nay/Đêm lịch sử Điện Biên sáng rực/Tên đất nước như huân chương trên ngực/Dân tộc ta dân tộc anh hùng. Trong sự tự hào tột độ, nhà thơ đã dõng dạc khẳng định chủ quyền của đất nước, sự thất bại tất yếu của kẻ thù: Của ta, trời đất, đêm ngày/ Núi kia, đồi nọ, sông này, của ta!/Chúng bay chỉ một đường ra/Một là tử địa, hai là tù binh. Dường như, trong những những câu thơ này phảng phất âm hưởng của các bài thơ thần: Nam quốc sơn hà, Bình Ngô đại cáo.
Viết về thắng lợi ngày 7-5 lịch sử, giọng thơ của Tố Hữu rền vang như đạn pháo rót xuống đầu quân thù: Hạ súng xuống rung mình run rẩy/Nghe pháo ta lừng lẫy thét gầm!/Nghe trưa nay tháng năm, mùng bảy/Trên đầu bay thác lửa hờn căm/Trông: Bốn mặt lũy hầm sụp đổ/Tướng quân bay lố nhố cờ hàng/Trông: Chúng ta cờ đỏ sao vàng/Rực trời đất Điện Biên toàn thắng!/Hoan hô chiến sĩ Điện Biên!/Tiếng reo núi vọng sông rền. Chiến thắng đã về ta, Điện Biên rực rỡ cờ sao, bừng sáng muôn nơi. Nhà thơ đã kết lại bằng những câu thơ khẳng định sức mạnh của dân tộc, lý giải chiến thắng thần kỳ của Việt Nam bằng những câu thơ mang tính thời đại: Ở Việt Nam, các anh nên nhớ/Tre đã thành chông, sông là sông lửa/Và trận thắng Điện Biên/Cũng mới là bài học đầu tiên!
Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự tiếp nối Bạch Đằng, Đống Đa - những mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Với mỗi người Việt, tinh thần, hào khí của Điện Biên còn mãi. Chín năm làm một Điện Biên. Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng, chiến thắng lịch sử ấy đã được khắc ghi trong lịch sử, văn thơ cách mạng Việt Nam đến muôn đời.
XUÂN THÀNH