Tô Vũ, vị sứ giả cuối cùng của dòng nhạc tiền chiến, vị giáo sư nghiên cứu đầu ngành của âm nhạc dân tộc đã từ giã cõi đời vào ngày 13-5 tại thành phố Hồ Chí Minh, thọ 91 tuổi. Sự ra đi của ông để lại những tiếc nuối khôn nguôi trong lòng người yêu nhạc Việt Nam và công chúng.
Tô Vũ, vị sứ giả cuối cùng của dòng nhạc tiền chiến, vị giáo sư nghiên cứu đầu ngành của âm nhạc dân tộc đã từ giã cõi đời vào ngày 13-5 tại TP. Hồ Chí Minh, thọ 91 tuổi. Sự ra đi của ông để lại những tiếc nuối khôn nguôi trong lòng người yêu nhạc Việt Nam và công chúng.
Tô Vũ là đại diện còn lại của lớp nhạc sĩ tiền chiến lừng danh: Hoàng Quý, Lê Thương, Đặng Thế Phong, Văn Cao... Ông là em ruột của nhạc sĩ Hoàng Quý - tác giả bản nhạc nổi tiếng Cô láng giềng. Ông có gương mặt quắc thước, đôi mắt long lanh luôn tươi cười, chòm râu bạc lịch thiệp, giọng nói thật sôi nổi, hào sảng. Người viết bài gặp ông nhiều lần bởi thật đơn giản, những năm khi còn khỏe, ông luôn đi làm giám khảo cho các hội thi liên hoan thiếu nhi hát dân ca khu vực hay toàn quốc. Hình ảnh vị giáo sư già hồn hậu với đôi kính trắng uyên bác ngồi chánh chủ khảo luôn được mọi người ngưỡng mộ và kính trọng.
Cũng như mọi người, câu hỏi đầu tiên của tôi là về nghệ danh rất lạ và nổi tiếng: Tô Vũ, vì cái tên này đã thành thơ văn, họa trong văn hóa Trung Hoa gần hai nghìn năm nay. Vị nhạc sĩ hồn nhiên kể, ngày đó dù rất trẻ nhưng bắt chước bạn bè văn nghệ, Hoàng Phú (tên thật của nhạc sĩ Tô Vũ) cũng để chòm râu, đi guốc mộc, đội nón sơn khệnh khạng như ông lão. Trong một lần đến nhà bạn chơi, người đó chợt thốt lên: Ơ, ông giống như ông Tô Vũ(*) chăn dê nhỉ, rồi chỉ vào bức họa trong chiếc bình gốm ở góc nhà để chứng minh nhận định của mình. Hoàng Phú gật gù công nhận! Chỉ có điều, ông có chút trầm ngâm, bởi lẽ đi đâu cũng được bạn bè nể trọng vì là em của nhạc sĩ nổi tiếng Hoàng Quý, nay thêm cái danh Tô Vũ thì thật là càng khó. Nhưng chẳng bao lâu sau, Tô Vũ cũng nổi danh không kém gì anh trai. Ông kể rằng, sau này, khi tham gia văn nghệ cứu quốc, lên dự Đại hội văn nghệ, ông băn khoăn định từ bỏ cái tên Tô Vũ vì thấy lai hướng Trung Quốc nhưng bạn văn nghệ cùng thời đất Cảng như Nguyễn Đình Thi, Văn Cao đều can và nói cứ để cái tên đó, nó rất hay, nói như Văn Cao: Ông phải trở thành nhạc sĩ chứ đừng đi chăn dê như Tô Vũ là được! Sau này, Tô Vũ trở thành tác giả của nhiều bản nhạc diễm tình: Em đến thăm anh một chiều mưa, Tạ từ, Tiếng chuông chiều thu... Ca khúc cách mạng Nhớ ơn Hồ Chủ tịch cũng rất hay, sánh ngang cùng bạn bè trang lứa... Sau đó vài thập kỷ, ông trở thành giáo sư đầu ngành về âm nhạc dân tộc của Việt Nam.
Tô Vũ kể, hồi đầu thập niên 30, 40, ở Hải Phòng phong trào văn nghệ rất sôi nổi, có rất nhiều văn nghệ sĩ ở đây như Thế Lữ, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Nguyên Hồng... Anh em Hoàng Quý, Hoàng Phú (Tô Vũ) lập ra nhóm Đồng Vọng để kích thích sáng tác những bản nhạc mang phong cách tân nhạc... Rất tiếc, đang trong thời thăng hoa thì trưởng nhóm Hoàng Quý mất, Hoàng Phú - đành từ bỏ nhiều ước mơ, kể cả du học để ở lại gánh vác gia đình và sự nghiệp dang dở của anh trai... Ít lâu sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Tô Vũ lên đường theo đội ngũ cách mạng như Văn Cao, Nguyễn Đình Thi... Sau kháng chiến 9 năm, Tô Vũ trở thành giảng viên trường âm nhạc, nghiên cứu âm nhạc dân tộc, làm văn nghệ. Sau khi giải phóng miền Nam, Giáo sư Tô Vũ vào TP. Hồ Chí Minh làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu âm nhạc chi nhánh phía Nam. Đây cũng là thời điểm ông được thỏa chí nghiên cứu toàn diện về âm nhạc Việt Nam. Ông là thầy dạy của rất nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như: Thế Bảo, Lư Nhất Vũ, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn... Có thể nói, cùng với bạn đồng niên là Giáo sư Hoàng Như Mai, Giáo sư Trần Văn Khê, Tô Vũ trở thành vị thầy khả kính bậc nhất của giới âm nhạc phía Nam.
Dù cả tuổi hoa niên sôi nổi sống ở thành phố Cảng Hải Phòng nhưng bất cứ khi nào nhắc về miền thơ ấu Phủ Lạng Thương - Bắc Giang nơi “chôn nhau cắt rốn”, Tô Vũ đều tràn trề cảm xúc như dòng sông Thương: Mây đi vắng trời xanh buồn rộng rãi/Sông im dòng đọng nắng đứng không trôi (Thi sĩ Anh Thơ).
Cũng ngẫu nhiên, ông sinh ra vào tháng 4-1923 khi tiếng chim tu hú gọi mùa vải chín và khi trở về với dòng sông Thương cũng là mùa tu hú gọi sang hè... Chắc chắn dòng sông Thương sẽ chở tâm hồn người nghệ sĩ đến với thành phố Cảng, nơi đó cũng đang rực đỏ hoa phượng nhớ thương.
Lê Đức Dương
-----------------------------------
(*): Tô Vũ - vị quan triều Hán Vũ Đế (Đông Hán) đi sứ sang Hung Nô, bị vua Hung Nô là Thiền Vu bắt chăn dê 19 năm.