11:05, 18/05/2014

Hồ Chí Minh - Đẹp nhất tên Người

Trong dòng chảy âm nhạc cách mạng Việt Nam, hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng bất tận. Các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam đã cất lên ngàn vạn lời ca dâng Bác. Mỗi ca khúc khai thác chân dung của Người ở nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng tất cả đều toát lên hình ảnh người lãnh đạo cách mạng hết lòng vì nước vì dân, tiêu biểu cho trí tuệ và tâm hồn Việt Nam.

Trong dòng chảy âm nhạc cách mạng Việt Nam, hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng bất tận. Các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam đã cất lên ngàn vạn lời ca dâng Bác. Mỗi ca khúc khai thác chân dung của Người ở nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng tất cả đều toát lên hình ảnh người lãnh đạo cách mạng hết lòng vì nước vì dân, tiêu biểu cho trí tuệ và tâm hồn Việt Nam.


. Hết lòng vì nước vì dân


Trong mạch nguồn ca khúc về Bác, các nhạc sĩ đặc biệt chú ý khai thác vai trò lãnh tụ của Người đối với lịch sử vận mệnh dân tộc. Với ca khúc Dấu chân phía trước, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã gợi lại phút giây người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước: Khi tôi còn là hạt bụi, Người đã lên tàu đi xa. Khi quê hương còn chìm nổi, Người đã lên tàu đi xa…Với việc sử dụng cấu trúc đối lập Khi tôi còn… Người đã, nhạc sĩ đã nhấn mạnh tầm nhìn, vai trò của Bác với vận mệnh dân tộc - người đã “khai rừng băng sông mở lối” đem lại tự do, độc lập cho Tổ quốc.


Cũng gợi lại giây phút Bác Hồ đi “tìm đường đi cho dân tộc theo đi”, trong ca khúc Thăm Bến Nhà Rồng, nhạc sĩ Trần Hoàn lại chọn thủ pháp hồi tưởng về phút giây người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Một lẽ tự nhiên, khi ghé đến Nhà Rồng nhìn sóng nước xôn xao, nghe tiếng còi tàu, nhạc sĩ như thấy “con tàu rời xa bến năm nào”: Bến Nhà Rồng xa xưa vẫn còn đây với chiếc cầu tàu nhưng nay Bác ở đâu? Bùi ngùi xót xa, về những ngày qua, lúc cập thuyền ai đưa tiễn Người đi. Hay chỉ mình Bác khăn gói biệt ly… Tiếng lòng tác giả cũng là tiếng lòng của mỗi người dân Việt. Một loạt câu hỏi đặt ra. Hỏi để mình tự trả lời, tự giãi bày; hỏi cũng là để một lần nữa khẳng định lại công ơn của Người đối với dân tộc.


Thời khắc Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam mới cũng đã để lại nhiều dấu ấn trong các ca khúc viết về Người. Tiêu biểu là ca khúc Ca ngợi Hồ Chủ tịch của nhạc sĩ Văn Cao: Người về đem tới ngày vui/Mùa thu nắng tỏa Ba Đình với tiếng Người còn dịu dàng như tiếng đất trời. Người về đem tiếng xuân đời, từ đất nước cằn, từ bùn lầy cả cuộc đời bừng lên. Với giai điệu, tiết tấu trang nghiêm, nhưng ca từ vẫn thắm đượm tình cảm quý mến, kính yêu Bác, nhạc sĩ Văn Cao đã thể hiện thành công tầm vóc của Hồ Chủ tịch, cũng như niềm tin yêu của muôn triệu người dân Việt Nam với vị lãnh tụ của dân tộc.

 

1
Bác Hồ với thiếu nhi (ảnh tư liệu).


Nhiều nhạc sĩ cũng đã khắc họa thành công hình tượng Bác Hồ - người có tình yêu bao la đối với người dân Việt Nam, nhân dân thế giới. 10 năm sau ngày Bác mất, nhạc sĩ Thuận Yến đã viết ca khúc Bác Hồ một tình yêu bao la: Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Cả cuộc đời, Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân. Cả cuộc đời, Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam... Hình tượng người lãnh tụ cả cuộc đời hy sinh cho dân tộc Việt Nam được nhạc sĩ xây dựng nên từ những chi tiết đời thực của Bác: tặng quà cho cụ già, em nhỏ trong những ngày lễ, Tết. Bài hát không chỉ là cảm xúc riêng của tác giả mà đã trở thành tiếng lòng, niềm kính yêu của người dân Việt với  Bác.

 

. Nhớ mãi ơn Người


 Viết về Bác, các nhạc sĩ không dùng những lời ca bóng bẩy để ca ngợi Bác, mà thay vào đó mỗi bài hát đều kể lại cho người nghe về cuộc đời vĩ đại của Bác, tình cảm của Bác với đất nước, dân tộc cũng như tình cảm của người dân Việt Nam đối với Bác. Với Người về thăm quê, nhạc sĩ Thuận Yến diễn tả lại tình cảm của Bác sau mấy mươi năm xa rời quê nhà: Đi suốt cuộc đời vẫn nhớ tới quê hương. Người về đây thăm làng Trù quê mẹ và làng Sen quê cha. Xúc động bồi hồi Người rơi giọt lệ, thương mái nhà tranh thương đất mẹ nghèo…  


Xúc động hơn cả là ca khúc Lời bác dặn trước lúc đi xa của nhạc sĩ Trần Hoàn, bài hát kỷ niệm 30 năm ngày Bác Hồ mất. Chuyện kể rằng trước lúc Người ra đi. Bác muốn nghe một câu hò xứ Huế. Nhưng không gian vẫn bốn bề lặng lẽ. Bác đành nằm im. Giai điệu thiết tha, ca từ chân chất, mộc mạc, nhạc sĩ nhẹ nhàng kể với người nghe câu chuyện về những giây phút cuối cùng của cuộc đời Bác. Với bài hát này, nhạc sĩ không chỉ thể hiện được sự giản dị thanh cao đến mẫu mực của Bác Hồ mà còn cho thấy tấm lòng của Người  đối với văn hóa dân tộc.


Trong ca khúc viết về Bác Hồ, các nhạc sĩ luôn khắc họa tình cảm mến yêu, lòng biết ơn của người dân đối với Bác. Có thể kể đến các ca khúc như: Miền Nam nhớ mãi ơn Người (Lưu Cầu), Miền Trung nhớ Bác (Thuận Yến), Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người (Trần Kiết Tường), Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng (Phong Nhã), Nhớ ơn Bác (Phan Huỳnh Điểu)... Trong lòng người dân Việt, Bác Hồ là hiện thân của những gì cao quý nhất, đẹp nhất của tinh hoa dân tộc.


Có thể nói, dòng ca khúc viết về Bác đã trở thành gia tài quý báu của nền âm nhạc Việt Nam. Những ca khúc về Người đã, đang và sẽ còn vang mãi, và hình ảnh của Người sẽ còn sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam!


XUÂN THÀNH