Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận để các văn nghệ sĩ sáng tác các tác phẩm sống mãi với thời gian. Cùng với văn học, mỹ thuật, điện ảnh, âm nhạc cách mạng đã có nhiều ca khúc tái hiện không khí hào hùng của thiên sử vàng Điện Biên…
Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận để các văn nghệ sĩ sáng tác các tác phẩm sống mãi với thời gian. Cùng với văn học, mỹ thuật, điện ảnh, âm nhạc cách mạng đã có nhiều ca khúc tái hiện không khí hào hùng của thiên sử vàng Điện Biên…
Tái hiện lịch sử...
Một trong những ca khúc đầu tiên có bóng dáng của Điện Biên là Qua miền Tây Bắc được nhạc sĩ Nguyễn Thành viết trong một lần cùng chiến sĩ hành quân qua đèo Khâu Vác (cửa ngõ vào Điện Biên). Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa. Suối sâu đèo cao bao khó khăn vượt qua. Bộ đội ta vâng lệnh Cha già, về đây giải phóng quê nhà..., giai điệu hào hùng của bài hát đã theo chân những người lính đi vào chiến dịch Điện Biên Phủ, giúp họ có thêm sức mạnh vượt qua gian khổ hiểm nguy để đi đến thắng lợi cuối cùng. Vì vậy, khi nhắc đến những ca khúc mang dấu ấn về chiến dịch Điện Biên không thể không nhắc đến nhạc phẩm này.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, các văn nghệ sĩ đã đi đến tận nơi các đơn vị chiến đấu biểu diễn phục vụ bộ đội. Nhiều bài hát ra đời ngay trên chiến hào đã vượt qua sự thử thách khắc nghiệt của thời gian, trở thành những ca khúc kinh điển của âm nhạc cách mạng. Một trong số đó là Hò kéo pháo của nhạc sĩ Hoàng Vân. Có mặt tại Điện Biên trong những ngày lịch sử, người nhạc sĩ trẻ khi ấy đã không khỏi xúc động khi chứng kiến cảnh bộ đội kéo pháo vào rồi lại kéo pháo ra. Những tiếng “dô ta nào, hai ba nào” để người lính hiệp đồng kéo pháo đã trở thành tín hiệu thẩm mỹ để nhạc sĩ sáng tác nên ca khúc để đời: Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo. Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua núi. Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi. Vực sâu thăm thẳm vực nào sâu bằng chí căm thù… Mỗi lần nghe giai điệu hào hùng, lời ca hừng hực khí thế của Hò kéo pháo, ta tưởng như thấy hàng trăm người lính mặc áo trấn thủ, đầu đội mũ cối cúi rạp người choãi chân, vươn cách tay rắn chắc gồng mình kéo pháo ở Điện Biên năm nào. 60 năm đã trôi qua, Hò kéo pháo của Hoàng Vân vẫn sống mãi cùng kỳ tích kéo pháo của người chiến sĩ Việt Nam, như huyền thoại về sức mạnh của nhân dân.
Ca khúc “Chiến thắng Điện Biên” được biểu diễn tại Hội thi tuyên truyền ca khúc cách mạng của Đoàn Khối các cơ quan tỉnh. |
. Tượng đài chiến thắng bằng âm nhạc
Nói đến âm nhạc về Điện Biên, nhạc sĩ Đỗ Nhuận là người để lại nhiều dấu ấn hơn cả. Cuối năm 1953, khi cả nước đang dồn sức chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên, nhạc sĩ đã có ca khúc Hành quân xa đầy tinh thần lạc quan, yêu đời: Hành quân xa dẫu có nhiều gian khổ. Vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi. Mắt ta sáng chí căm thù bảo vệ đồng quê ta tiến bước. Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi. Nhiều cựu binh Điện Biên Phủ kể rằng, những ngày tham gia chiến dịch, họ đã cùng nhau hát vang ca khúc này để tự động viên mình. Khi khói súng trận chiến đầu ở Him Lam vừa tan, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã có ngay bài hát Trên đồi Him Lam ghi lại thắng lợi trận đầu của chiến dịch lịch sử: Hôm qua đánh trận Điện Biên. Chiến hào xuất kích đồi Him Lam ta tiến quân vào. Đột phá tiêm đao tiến đánh vào. Đi mở đường thắng lợi, ba tháng đổ mồ hôi ta tới đây quyết diệt cho hết quân thù... Bài hát không chỉ ghi lại trận đánh Him Lam mà còn thể hiện khát vọng chiến thắng lớn lao của những người lính Cụ Hồ, những người luôn mang trong mình quyết tâm “đoàn quân đã đi là thắng”.
Nếu như Hành quân xa là sự động viên nhẹ nhàng, chân tình đối với cán bộ, chiến sĩ, giúp họ vượt qua những cuộc hành quân khó khăn, gian khổ, thì Trên đồi Him Lam lại truyền đi niềm tin về một chiến thắng. Tuy nhiên, đỉnh cao của âm nhạc viết về chiến dịch Điên Biên chính là ca khúc Chiến thắng Điện Biên - tác phẩm được nhạc sĩ Đỗ Nhuận viết ngay trong đêm 7-5-1954 dưới chân nhà sàn ở Mường Phăng. Trong hồi ký “Âm thanh cuộc đời”, nhạc sĩ Đỗ Nhuận kể lại: Chiều 7-5-1954, khi ông cùng cánh lính văn công đang cuốc, rải đá thì một người lính liên lạc từ mặt trận đạp xe qua reo to báo tin: Mường Thanh địch hàng rồi! Giải phóng Điện Biên rồi. Tất cả đoàn văn công ngừng tay cuốc, ôm nhau nhảy không cần nhạc đệm... Đêm đó, ông ngồi bên bếp nhà sàn viết nên khúc khải hoàn ca của chiến dịch lịch sử. Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về, giữa mùa hoa nở miền Tây Bắc tưng bừng vui, những ca từ đầy tính gợi hình khiến mỗi khi nghe ca khúc này, ta cảm nhận như có tiếng kèn thắng trận hùng tráng, có âm hưởng điệu múa xòe hoa của dân tộc Thái xen lẫn với nhịp bước quân đi. Hình ảnh núi rừng và con người Tây Bắc cứ như một cuốn phim hiện lên khi gần khi xa trong ca từ của ông: Bản mường xưa nương lúa mới trồng, kìa đoàn em bé ra đồng nắm tay xòe hoa... Bài hát được kết lại bằng giai điệu vút lên thật hào hùng: Núi sông bừng lên. Đất nước ta sáng ngời. Cánh đồng Điện Biên. Cờ chiến thắng tưng bừng trên trời.
Sau khi ra mắt tại lễ mừng chiến thắng Điện Biên, ca khúc này được chọn làm nhạc hiệu bắt đầu chương trình một ngày mới của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngoài ra, ca khúc này còn được sử dụng trong phim tư liệu “Điện Biên Phủ”, phim “Hoa ban đỏ” và đã được chuyển soạn cho giao hưởng, được nhiều dàn nhạc của Nga, Đức dựng thành các hợp xướng lớn. Có thể nói, với bộ ba ca khúc: Hành quân xa, Trên đồi Him Lam và Chiến thắng Điện Biên, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã dựng nên một tượng đài về chiến thắng Điện Biên Phủ bằng âm nhạc.
XUÂN THÀNH