10:05, 15/05/2014

3 lần được gặp Bác Hồ

Tròn 18 tuổi, nữ diễn viên múa Phạm Thị Bích Thuần vinh dự được gặp Bác Hồ lần đầu tiên. Nay tuy đã bước sang tuổi 73, nhưng mỗi khi nhớ về những lần gặp Bác, bà vẫn cảm thấy xúc động, tưởng như mình mới được gặp Bác hôm qua...

Tròn 18 tuổi, nữ diễn viên múa Phạm Thị Bích Thuần vinh dự được gặp Bác Hồ lần đầu tiên. Nay tuy đã bước sang tuổi 73, nhưng mỗi khi nhớ về những lần gặp Bác, bà vẫn cảm thấy xúc động, tưởng như mình mới được gặp Bác hôm qua...


Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, bà Phạm Thị Bích Thuần nhập ngũ cuối tháng 9-1956 và được biên chế vào Đoàn Văn công Quân khu Tây Bắc. Hiện nay, bà đang là thành viên Đội văn nghệ Cựu chiến binh Khánh Hòa. Chúng tôi gặp bà khi bà đang say mê tập các tiết mục hát múa để chuẩn bị cho đợt diễn văn nghệ nhân kỷ niệm 124 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà vui vẻ kể: “Đầu năm 1959, Bác Hồ lên thăm đồng bào Tây Bắc, Đoàn Văn công Quân khu Tây Bắc vinh dự được biểu diễn cho Bác xem, rất tiếc lúc đó tôi lại bị bệnh phải đi điều trị. Thời gian không lâu sau, vào tháng 4-1959, khi Chính phủ và Bác tiếp đón Tổng thống Indonesia Suharto sang thăm. Đoàn văn công của chúng tôi lại vinh dự được Bác gọi về Thủ đô Hà Nội phục vụ. Tất cả mọi người trong đoàn cứ thắc mắc rằng, ở Hà Nội có rất nhiều đoàn văn công hùng hậu, sao Bác lại gọi đoàn của chúng tôi về biểu diễn? Rồi chúng tôi hiểu ra rằng, Bác rất thích những lời ca, điệu múa mang đậm nét văn hóa các dân tộc anh em”. Lần đầu tiên bước chân vào Phủ Chủ tịch, được gặp Bác Phạm Văn Đồng, Bác Trường Chinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... và rất nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong đoàn ai cũng vui, tự hào nhưng cũng rất lo lắng và mong sao biểu diễn cho tốt. Đầu tiên là tiết mục Múa chai (múa dân tộc Thái) của bà Thuần và các chị em trong đội múa. “Chúng tôi mỗi người hai tay cầm hoa, đầu đội chai, trên miệng chai là cái chén. Do hơi run nên cái chén trên đầu tôi bị rơi xuống sàn gỗ, may mà không bị vỡ. Lúc ấy, Bác vừa bước vào hội trường, thấy vậy Bác liền cúi xuống nhặt và nói nhỏ: “Cháu cứ bình tĩnh mà múa, Bác cầm cái chén này cho cháu”. Đang mất bình tĩnh, được Bác động viên, tôi cảm thấy bình tĩnh hơn, biểu diễn trọn vẹn bài múa. Ngay sau khi tiết mục kết thúc, Bác đứng dậy và bước nhanh lên sân khấu khen ngợi tốp múa, đưa cho tôi cái chén. Bác ân cần nói: “Bác trả lại cho cháu cái chén đây”. Tôi thấy Bác thật gần gũi, giản dị. Bác còn đặt tên chị Tuyết Mai trong đoàn với biệt danh “Hạt Mít”, bởi chị có dáng người thấp, béo.

 


Mấy năm sau, vì lý do sức khỏe, bà Thuần chuyển về làm việc ở Nhà máy Dệt kim Đông Xuân, Hà Nội. Tháng 3-1960, nhà máy cử một số chị em công nhân, trong đó có bà tham gia đoàn đại diện cho nhân dân Thủ đô ra sân bay Gia Lâm đón đoàn quốc tế. “Với trí nhớ tuyệt vời, Bác nhận ngay ra tôi và hỏi: “Sao cháu lại ở đây”? Tôi trả lời: “Thưa Bác, cháu chuyển ngành vì lý do sức khỏe”. Bác lại hỏi: “Thế Hạt Mít có chuyển ngành không?”. “Thưa Bác, Hạt Mít vẫn ở Đoàn Văn công Tây Bắc ạ”. Được Bác hỏi thăm và nói chuyện, tôi cảm thấy rất vui, không ngờ Bác vẫn nhận ra và nhớ từng người” - bà Thuần kể.


Tháng 8-1960, Bác đến thăm Nhà máy Dệt kim Đông Xuân, lại thêm một niềm hạnh phúc lớn đến với bà Thuần, vì đó là lần thứ 3 bà được gặp Bác. Bà nhớ lại: “Hôm đó, lúc Bác xuống thăm xưởng sản xuất, Bác nhìn thấy dép guốc của công nhân để ở ngoài cửa xưởng, Bác cởi dép ra rồi mới bước vào phòng, cho dù nhiều ý kiến đề nghị Bác cứ đi dép vào... Bác bảo, các cháu đều để guốc, dép ngoài cửa cả, Bác cũng phải cởi dép để ở ngoài chứ, đã là quy định chung thì ai cũng phải chấp hành. Cử chỉ, lời nói của Bác khiến mọi người thấy vị lãnh tụ đáng kính rất gần gũi và giản dị”.


Những lần được gặp Bác Hồ đã để lại cho bà Thuần ấn tượng sâu sắc. Mỗi lần gặp, bà lại học ở Bác đức tính giản dị, dễ gần, dễ mến, đồng thời được tiếp thêm sức mạnh tinh thần, hăng say hơn trong lao động sản xuất. Đã hơn nửa thế kỷ qua, những cảm xúc ấy vẫn vẹn nguyên trong bà...


Công Thi