39 năm đã qua kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975). Nhớ về thời khắc lịch sử ấy, trong tâm hồn mỗi người Việt vẫn vang vọng những giai điệu hào hùng về ngày "Bắc Nam sum họp một nhà"…
39 năm đã qua kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975). Nhớ về thời khắc lịch sử ấy, trong tâm hồn mỗi người Việt vẫn vang vọng những giai điệu hào hùng về ngày “Bắc Nam sum họp một nhà”…
Khúc ca mừng ngày đại thắng
Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 đã biến dòng Bến Hải (tỉnh Quảng Trị) thành giới tuyến chia đôi đất nước ra 2 miền Nam - Bắc. 21 năm đất mẹ bị chia cắt (1954 - 1975), người dân Việt vẫn dặn nhau “trong cơn bão tố vững bền lòng son” với niềm tin đất nước sẽ thống nhất. Bao năm đằng đẵng chờ đợi, khi miền Nam được giải phóng, cảm xúc dồn nén bấy lâu đã vỡ òa. Nhiều giai điệu reo vui mừng ngày chiến thắng đã được viết ra trong niềm cảm xúc dâng trào…
Trong những ca khúc mừng ngày đại thắng, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng của nhạc sĩ Phạm Tuyên được biết đến sớm nhất và quen thuộc hơn cả. Theo hồi ức của nhạc sĩ, đêm 28-4-1975, nghe tin máy bay của ta đã ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, ông dự cảm ngày giải phóng đã đến rất gần. Ngay lúc ấy, ông nghĩ đến Bác Hồ - vị cha già của dân tộc đã dành trọn cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, rồi từ trong lòng ông bật lên ca từ “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Nhạc sĩ đã hoàn thành ca khúc bất hủ này chỉ trong vòng 2 giờ. Chiều 30-4-1975, cùng với tin thông báo Sài Gòn đã được giải phóng, khúc ca khải hoàn “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng đã vang lên trên làn sóng phát thanh. Ca từ, nhịp điệu của bài hát chính là tiếng lòng của triệu triệu người dân Việt Nam: Cảm xúc vỡ òa của ngày chiến thắng và lòng thành kính tưởng nhớ vị cha già của dân tộc. Bài hát này đã sống mãi với thời gian, không chỉ phổ biến ở trong nước mà vượt ra khỏi biên giới nước nhà, lan tỏa đến nhiều nước như: Nga, Đức, Cuba, Trung Quốc, Nhật Bản…
Ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” do đoàn viên cụm Đảng - đoàn thể biểu diễn. |
Cũng trong mùa xuân lịch sử năm 1975, nhạc sĩ Hoàng Hà đã viết nên ca khúc Đất nước trọn niềm vui với những ca từ đẹp, giai điệu sôi nổi: “Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay, rộn ràng bao mê say những bước chân dồn về đây…”. Bằng những ca từ gợi hình, tiết tấu nhanh, tác giả đã tạo nên một bức tranh cờ hoa, tràn đầy khí thế của ngày giải phóng miền Nam. Bao nhiêu năm sống trong đợi chờ, đến giây phút lịch sử ấy, cảm xúc lại dâng trào, rạo rực, bay bổng đến thăng hoa: “Hội toàn thắng náo nức đất nước. Ta muốn bay lên say ngắm sông núi hiên ngang. Ta muốn ôm hôn mỗi tác đất quê hương... Âm nhạc với ca từ như mê đi trong ánh sáng hoa đăng của giây phút khải hoàn: “Tổ quốc muôn đời trọn vẹn/Cả non sông thống nhất/ Rạng rỡ Việt Nam”. Nhiều bạn trẻ tâm sự rằng, mỗi lần nghe ca khúc này tưởng như được hòa vào dòng người đi chào đón đoàn quân giải phóng miền Nam năm ấy.
Bắc - Nam sum họp một nhà
Khi khúc hoan ca ngày đại thắng còn chưa dứt, niềm hạnh phúc của người Việt đã được tiếp nối với giai điệu da diết của Bài ca thống nhất. “Biển trời bao la/Đẹp như gấm hoa/Nước mây muôn màu, những con tàu ra Bắc vào Nam”. Tình yêu đất nước hòa cùng niềm tự hào về sự thống nhất, trọn vẹn lãnh thổ đã giúp nhạc sĩ Võ Văn Di viết nên những ca từ tuyệt đẹp. Chưa bao giờ nước Việt đẹp hơn thế.
“Biển trời quê ta. Rộn vang tiếng ca. Bắc Nam một nhà, vui một nhà vang tiếng hò khoan…”. Sau bao nhiêu đợi chờ, giờ đây, non song nối liền một dải, người Việt sum họp tưng bừng trong tiếng hò khoan (điệu hò phổ biến ở vùng Bắc miền Trung). Khúc khải hoàn này không rộn ràng khoảnh khắc mà đằm thắm, thấm thía: “Khải hoàn ta ca - ta gạt mái chèo - tự do ra khơi - tự do vô lộng - đời tự do - gió xuân về…”. Bài ca thống nhất là bài ca của cuộc sum họp toàn dân tộc. Chút bâng khuâng, bồi hồi pha trộn giữa tình cảm yêu thương trong niềm vui sum họp của cả một dân tộc với nhiều cảnh ngộ khác nhau khiến cho bài hát cứ in đậm vào tâm hồn người nghe, thật khó phai nhòa.
Giữa những khúc ca khải hoàn reo vui, bỗng bật lên giai điệu dìu dặt của Mùa xuân đầu tiên: “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về. Mùa bình thường mùa vui nay đã về. Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên”. Khác với nhiều đồng nghiệp, bản nhạc của Văn Cao mừng ngày thống nhất đất nước không ồn ào mà nhẹ nhàng, da diết mà lắng sâu. Không có cờ hoa, không tiếng reo hò, niềm vui ngày thống nhất đọng lại ở ánh mắt hiền từ của người mẹ nhìn đàn con trở về sau bao năm binh lửa; giọt nước mắt hạnh phúc của ngày đoàn tụ đang lăn dài trên má... Sự tinh tế, nhạy cảm đã giúp nhạc sĩ nhận thấy những gì nhân văn nhất. Khi những phút sôi nổi cuộn trào qua đi, lòng người lắng lại, nhạc sĩ đã nhận ra cao hơn hết thảy chính là sự đoàn kết, sum họp của 2 miền Nam - Bắc. “Từ đây người biết quê người. Từ đây người biết thương người. Từ đây người biết yêu người”...
39 năm đã qua đi kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đất nước ngày càng phát triển, nhiều người ra đi nay đã trở về góp tay dựng xây đất nước... Phố phường lại rực rỡ màu cờ đỏ, lòng người lại vang vọng những bài ca thống nhất.
XUÂN THÀNH