07:04, 15/04/2014

Tiếc thương người nghệ sĩ tài hoa

Thật ngạc nhiên bởi xuất thân của diễn viên điện ảnh lừng danh với những vai quan chức và đặc biệt là những vai nông dân cũng như nhân vật hài lại là viên công chức "thời Pháp thuộc" chính hiệu, một nhân viên ngân hàng. Đó chính là Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thịnh, người vừa ra đi sáng 12-4-2014, thọ 87 tuổi.

Thật ngạc nhiên bởi xuất thân của diễn viên điện ảnh lừng danh với những vai quan chức và đặc biệt là những vai nông dân cũng như nhân vật hài lại là viên công chức “thời Pháp thuộc” chính hiệu, một nhân viên ngân hàng. Đó chính là Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thịnh, người vừa ra đi sáng 12-4-2014, thọ 87 tuổi.


Có lẽ vì thế, khi trở thành diễn viên ở môi trường phóng khoáng, tự do và có phần hơi “phiêu” một chút thì Trịnh Thịnh vẫn có thói quen công chức làm các đạo diễn đều ngả mũ kính trọng: nghiêm túc, đúng giờ, chính xác và làm trọn phận sự của bản thân. Đạo diễn Trần Lực kể, khi mời cụ đóng một nhân vật trong phim hài “Tết này ai đến xông nhà”, khi đó cụ đã có tuổi nên được đặc cách  đưa đón bằng ô tô, tuy nhiên lúc nào cụ cũng tới phim trường sớm nhất. Đạo diễn Khải Hưng kể, sau mỗi lần đóng xong vai, cụ Trịnh đều lấy sổ ghi chép lại cảnh quay, trang phục hậu cảnh… và cả phần sắp tới mình đóng để chuẩn bị; còn lời thoại thì đương nhiên cụ luôn thuộc làu. Về điều này, chính Trịnh Thịnh kể, những năm tháng đóng phim trong suốt thập niên 60, 70…, tham gia mỗi bộ phim ít nhất là nửa năm, dài tới hơn năm nên gần như diễn viên thuộc làu kịch bản, lời thoại để hóa thân nhân vật!

Diễn viên Trịnh Thịnh trong phim Thị trấn yên tĩnh.
Diễn viên Trịnh Thịnh trong phim Thị trấn yên tĩnh.


Vị công chức nghiêm túc, công dân Hà thành thứ thiệt thế mà vào vai phim từ thuở đầu như “Vợ chồng anh Lực”, “Không nơi ẩn nấp”, “Chuyến xe bão táp”, Trịnh Thịnh đều đóng vai người nông dân mộc mạc, chân lấm tay bùn… làm cho nhiều khán giả xem đều nghĩ diễn viên này nhất định là dân cày!


Nhưng việc vào vai nông dân hay quan lại phong kiến như lý trưởng, chánh tổng, quan huyện… cũng chưa phải là nét độc đáo của Trịnh Thịnh, mà điều tuyệt vời tới bất ngờ chính là những vai hài của ông. Khác hẳn với nhiều diễn viên khác khi diễn thường làm hành động cường điệu dạng “phùng mang trợn mắt, méo mồm” thì Trịnh Thịnh lại diễn tự nhiên theo đúng kiểu diễn như không diễn. Đạo diễn Lê Đức Tiến, người đã mời Trịnh Thịnh vào vai phó chủ tịch huyện háo danh, hình thức, ngây ngô… đến tức cười đã nói: “Trịnh Thịnh đúng là bậc thầy diễn hài của điện ảnh!”. Quả đúng như thế, vai diễn này đã đưa Trịnh Thịnh lên đài vinh quang: nhận giải diễn viên xuất sắc nhất liên hoan phim lần thứ VIII - 1988 (đây là lần thứ 2 ông nhận). Tiếp theo, ông đóng vai hài trong các phim “Dịch cười”, “Thằng Bờm”, “Thằng Cuội”… tất cả đều là những vai kinh điển của điện ảnh. Người ta vẫn băn khoăn không hiểu sao Trịnh Thịnh đóng hài được? Thực ra chính là phong cách “nghiêm túc” tới tức cười của gương mặt “có một không hai” của ông, đặc biệt là đôi mắt, cái miệng và cái mũi to đùng. Ông là diễn viên bẩm sinh cách diễn. Cũng đôi mắt đó, ông vào vai người nông dân hiền lành như đất, nhưng nhếch ngược thành quan lại tham tàn và trở thành tên hề tự nhiên như đâu ở đất này!


Suốt hơn 40 năm làm diễn viên, ông tham gia từ bộ phim đầu tiên “Chung  một dòng sông” năm 1959 cho tới vai cuối cùng “Tết này ai đến xông nhà” năm 2002, với gần 50 vai diễn, trong đó có những vai chính đều ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng người. Sự ra đi của ông thực sự để một tiếc nuối lớn trong lòng khán giả.


LÊ ĐỨC DƯƠNG