Hôm ngay (21-4), lần đầu tiên ngày Sách Việt Nam được tổ chức trên toàn quốc. Không rầm rộ như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… nhưng ngày Sách Việt Nam ở Khánh Hòa (được tổ chức ở Thư viện tỉnh) cũng sẽ có nhiều hoạt động liên quan đến sách như: trưng bày sách theo chủ đề, .....
Hôm ngay (21-4), lần đầu tiên ngày Sách Việt Nam được tổ chức trên toàn quốc. Không rầm rộ như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… nhưng ngày Sách Việt Nam ở Khánh Hòa (được tổ chức ở Thư viện tỉnh) cũng sẽ có nhiều hoạt động liên quan đến sách như: trưng bày sách theo chủ đề, giao lưu nói chuyện về chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các quyển sách hay; tọa đàm về ngày Sách Việt Nam; quyên góp ủng hộ sách cho các trường học vùng sâu vùng xa; bán sách giá ưu đãi... Có thể nói, những hoạt động này sẽ đem lại cái nhìn mới về sách.
Từ xa xưa, người Việt (chịu ảnh hưởng của Nho giáo) cũng rất coi trọng những người theo nghiệp đèn sách, coi trọng chuyện đọc sách. Từ khi mới được học chữ, học trò đã được dạy: Vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao (mọi nghề bình thường, chỉ có việc đọc sách mới là cao quý). Câu nói ấy không có chủ ý phân chia giai tầng xã hội mà chủ yếu là để ca ngợi lợi ích của việc đọc sách. Tiếc thay, người Việt hiện nay đang có xu hướng ngày càng xa rời sách. Thật đáng buồn khi theo một điều tra mới đây, trung bình người Việt chỉ đọc 0,8 quyển sách/năm. Một đất nước 90 triệu dân mà mỗi đầu sách xuất bản chỉ 2.000 - 3.000 cuốn, một tập thơ được bán với 10.000 bản đã xem là hiện tượng của ngành xuất bản, đủ thấy xã hội ít đọc sách đến nhường nào. Rất hiếm khi đi đến những nơi công cộng mà thấy người Việt tranh thủ đọc sách, trong khi khách du lịch nước ngoài đến Nha Trang vẫn tranh thủ đọc sách mọi lúc mọi nơi.
Nhiều người cứ biện hộ, giá sách bây giờ đắt quá, tuy nhiên nói một cách thẳng thắn, đó không phải là lý do chính đáng để biện minh cho việc không mua sách, không đọc sách. Có người sẵn sàng chi vài trăm ngàn, thậm chí vài triệu đồng cho một bữa nhậu, nhưng không bỏ ra vài chục ngàn để mua sách bởi họ không có thói quen mua sách, họ chưa thấy được ý nghĩa của việc đọc sách. Nhiều bạn trẻ lại cho rằng không có thời gian để đọc sách, nhưng chính họ lại có thể ngồi hàng giờ ở quán cà phê để tán chuyện. Điều đáng buồn hiện nay, cả xã hội dường như không coi trọng việc đọc sách. Ngày trước, khách đến chơi, gia chủ thường giới thiệu cho khách tủ sách của mình, còn ngày nay không ít người giàu có thường lấy tủ rượu để đo về độ giàu sang. Nhiều gia đình cũng đánh mất thói quen tặng sách cho con cái, thay vào đó là các đồ chơi điện tử đắt tiền và những món quà có giá trị vật chất khác.
Hy vọng, việc tổ chức ngày Sách Việt Nam sẽ tạo nên một cú hích cho văn hóa đọc ở xứ Trầm Hương. Hãy xây dựng những lớp người đọc mới từ sự đổi thay từ trong mỗi gia đình, mỗi trường học... bằng việc coi trọng giá trị của sách!
THÀNH NGUYỄN