Mới đây, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Khánh Hòa tổ chức lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Lễ Bỏ mả của người Raglai" ở Khánh Sơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nghi lễ độc đáo ấy đang dần có những thay đổi theo hướng tiêu cực… Vì vậy, cùng với việc vinh danh, ngành Văn hóa cần sớm đưa ra những giải pháp để bảo tồn di sản văn hóa này.
Mới đây, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Khánh Hòa tổ chức lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ Bỏ mả của người Raglai” ở Khánh Sơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nghi lễ độc đáo ấy đang dần có những thay đổi theo hướng tiêu cực… Vì vậy, cùng với việc vinh danh, ngành Văn hóa cần sớm đưa ra những giải pháp để bảo tồn di sản văn hóa này.
Nghi lễ độc đáo
Người Raglai quan niệm rằng, trong cõi nhân gian có hai thế giới cùng tồn tại, đó là thế giới của người đang sống (cõi tạm) và thế giới của những người đã khuất (vĩnh hằng). Trong vòng quay của cuộc đời, mỗi con người đều phải trải qua rất nhiều nghi lễ cầu cúng, trong đó lễ Bỏ mả là nghi lễ quan trọng nhất, đánh dấu thời khắc chia tay vĩnh viễn giữa người sống và người chết, để người chết được trở về thế giới vĩnh hằng. Theo luật tục của người Raglai, lễ Bỏ mả được tiến hành với các nghi lễ như: lễ bầu chủ nhang (thầy cúng), dặn hồn ma, cúng kago; lễ đập heo đập gà (tương tự lễ Tỉnh sanh của người Việt), rước hồn ma về nhà ăn cơm, làm tầng mả cho người chết, cúng cơm sáng (bữa cơm cuối cùng); lễ dứt đứt; lễ dặn người sống.
Nhà mồ theo kiểu truyền thống của người Raglai. |
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Mấu Quốc Tiến, lễ Bỏ mả thường được tiến hành trong 3 ngày nhưng nếu điều kiện khó khăn, gia chủ có thể rút ngắn thời gian tổ chức lễ. Khi tổ chức Lễ Bỏ mả cho người thân, gia đình phải mời đủ những người đã từng tham dự lễ tang để họ chia tay lần cuối với người chết, đồng thời để bày tỏ lòng tri ân của gia đình đối với cộng đồng. Vì vậy, để tổ chức Lễ Bỏ mả, gia chủ phải chọn ngày giờ, sau đó chuẩn bị trước hàng tháng việc ủ rượu cần, dựng sạp lễ, làm nhà mồ, trang trí nhà mồ và đặc biệt là làm kagor (vật mang hình con thuyền gỗ được đặt trên nóc nhà mồ - biểu tượng cho nơi trú ngụ của ông bà ở thế giới bên kia)… Điều làm nên sự độc đáo của lễ Bỏ mả chính là sự tích hợp nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống, mang giá trị gắn kết cộng đồng. Trong lễ Bỏ mả, ngoài các nghi thức cầu cúng còn có các hình thức nghệ thuật dân gian được trao truyền từ nhiều thế hệ như nghệ thuật chạm khắc gỗ (trụ nhà mồ, kagor), nghệ thuật trình diễn (múa, âm nhạc)… trong đó nghệ thuật làm kagor ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa hơn cả. Khi làm kagor, các nghệ nhân Raglai chạm khắc, vẽ nhiều hình ảnh về chim muông, rồng, cá... Các màu sắc để trang trí cột nhà mồ và kagor đều được lấy từ màu tự nhiên rất đẹp mắt. Dựa vào kagor, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng người Raglai xuất thân từ miền biển. Kargor là những gì còn sót lại trong ký ức về biển của người Raglai, là nguồn cội mà họ hướng về với tất cả lòng thành kính.
Cần được bảo tồn nguyên bản
Việc lễ Bỏ mả trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là một tin vui cho cộng đồng người Raglai ở Khánh Sơn và những ai yêu quý huyện vùng cao này. Ông Mấu Xuân Danh (xã Ba Cụm Bắc, Khánh Sơn) bày tỏ: “Chúng tôi rất tự hào khi lễ Bỏ mả được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều này chứng tỏ Nhà nước đánh giá cao văn hóa truyền thống của người Raglai…”. Tuy nhiên, cùng với niềm vinh dự ấy, một nhiệm vụ quan trọng là làm sao để bảo tồn và phát huy giá trị nghi lễ này.
Thực tế cho thấy, sự va đập về văn hóa đã làm lễ Bỏ mả có những sự pha tạp, mất dần những nét độc đáo vốn có. Trong những lần lên Khánh Sơn, người viết bài đã nhìn thấy những ngôi mộ của người Raglai ở các xã Sơn Hiệp, Sơn Lâm… không được lợp tranh theo kiểu truyền thống mà được lợp tôn trông rất phản cảm. Hoa văn trang trí ở cột nhà mồ và kagor được vẽ bằng sơn công nghiệp chứ không phải bằng màu sắc tự nhiên: màu đen được làm từ than, màu xanh bằng nước lá cây, màu vàng của nghệ, màu đỏ là sự hòa trộn của vôi và trầu. Theo tín ngưỡng của người Raglai, sau khi làm lễ Bỏ mả xong là cắt đứt mọi quan hệ giữa người sống và người chết, vì thế sẽ không quay lại thăm mồ mả của người thân, cũng không làm bia đề tên như người Kinh nhưng thời gian gần đây, khá nhiều mộ của người Raglai ở Khánh Sơn đã có bia ghi tên người chết.
Lễ Bỏ mả của người Raglai ở Khánh Sơn. |
Trao đổi với người viết, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Mấu Quốc Tiến khẳng định, việc lai tạp trong cách thức xây dựng nhà mồ, làm kagor là điều có thật và ngày càng rõ nét hơn. Theo ông Tiến, thông thường người Raglai làm kagor với những nét chạm khắc thô nhưng rất có hồn, còn bây giờ nhiều người đã sử dụng cưa máy để làm kagor rất cầu kỳ. Kagor theo kiểu truyền thống chỉ có chim muông, cá… nhưng bây giờ nhiều người lại vẽ thêm hình người. “Nhìn những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào mình ngày càng mất đi, tôi rất tiếc nuối. Tôi mong muốn, cùng với việc công nhận lễ Bỏ mả là di sản văn hóa quốc gia, chính quyền và ngành Văn hóa sẽ đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác bảo tồn văn hóa truyền thống của người Raglai”, ông Tiến nói.
Việc ngành Văn hóa tiến hành lập hồ sơ để Bộ VH-TT-DL công nhận lễ Bỏ mả của người Raglai là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, điều quan trọng không kém là phải làm sao để bảo tồn được di sản. Thiết nghĩ, ngành Văn hóa cần phối hợp với địa phương xây dựng kế hoạch dài hạn về bảo tồn văn hóa Raglai. Trong đó, đặc biệt đẩy mạnh việc tuyên truyền đối với đồng bào Raglai - chủ thể của nền văn hóa bản địa; gắn việc bảo tồn văn hóa truyền thống với việc xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn mới; đưa việc bảo tồn văn hóa truyền thống thành tiêu chí hàng đầu trong việc xét duyệt danh hiệu làng văn hóa…
XUÂN THÀNH