03:04, 17/04/2014

"Lễ Bỏ mả của người Raglai" là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

Sáng 17-4, tại Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Khánh Sơn, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Khánh Hòa tổ chức Lễ đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Lễ Bỏ mả của người Raglai". Dự lễ có các ông: Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh; Nguyễn Duy Bắc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Sáng 17-4, tại Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Khánh Sơn, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTT&DL)  Khánh Hòa tổ chức Lễ đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ Bỏ mả của người Raglai”. Dự lễ có các ông: Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh; Nguyễn Duy Bắc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở VHTT&DL, huyện Khánh Sơn, các già làng, người có uy tín trong cộng đồng người Raglai ở Khánh Sơn.

 

Ông Nguyễn Tấn Tuân (thứ hai từ trái sang) trao bằng chứng nhận Lễ Bỏ mả của người Raglai là Di sản văn hoá phi vật thể quốc cho cộng đồng người Raglai ở Khánh Sơn

 


Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã công bố quyết định của Bộ VHTT&DL công nhận Lễ Bỏ mả của người Raglai ở xã Ba Cụm Bắc (Khánh Sơn) là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng.


Thay mặt Bộ VHTT&DL, ông Nguyễn Tấn Tuân trao bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho cộng đồng người Raglai ở xã Ba Cụm Bắc.


Lễ Bỏ mả là nghi lễ quan trọng nhất trong các nghi lễ vòng đời của người Raglai - lễ chia tay vĩnh viễn giữa người sống và người chết để người chết được trở về thế giới vĩnh hằng. Lễ được tiến  hành với nhiều nghi thức như: lễ nhà mồ, lễ cúng, lễ đặt kagor (vật trang trí mang hình con thuyền đặt trên nóc nhà mồ biểu tượng cho nơi trú ngụ của ông bà ở thế giới bên kia), lễ rước ông bà, lễ giáp mặt tổ tiên và tục chia của… Trải qua nhiều thăng trầm, Lễ Bỏ mả hiện vẫn được thực hành và trao truyền trong cộng đồng người Raglai, trong đó được bảo tồn nguyên vẹn nhất là ở xã Ba Cụm Bắc. Lễ bỏ mả không chỉ thể hiện sự hiếu ngĩa với người đã khuất mà còn tích hợp các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống, mang giá trị gắn kết cộng đồng (mọi người cùng đóng góp vật chất để tổ chức lễ).


Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Duy Bắc nhấn mạnh, Lễ Bỏ mã của người Raglai được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vừa là niềm vinh dự, đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm rất lớn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản này. Ngành văn hóa và huyện Khánh Sơn cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị của lễ Bỏ mả của người Raglai, gắn việc bảo tồn và phát huy giá trị sản này với xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa sẽ  tập trung xây dựng đời sống văn hóa mới, tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở các huyện miền núi để tạo điều kiện cho sự bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc Raglai ở các địa phương.


X.T