05:04, 11/04/2014

Đình Mỹ Thanh: Nơi sinh hoạt tâm linh

Ngày 9-4, người dân ở thôn Mỹ Thanh (xã Cam Thịnh Đông, Cam Ranh, Khánh Hòa) vui mừng khi đình Mỹ Thanh được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.

Ngày 9-4, người dân ở thôn Mỹ Thanh (xã Cam Thịnh Đông, Cam Ranh, Khánh Hòa) vui mừng khi đình Mỹ Thanh được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.


Đúng 0 giờ Mùng 10-3 Âm lịch, người dân trong thôn kính cẩn làm lễ tế Thần và kết thúc lễ cúng Xuân bằng lễ Tống ôn. Thực hiện xong các nghi lễ, ông Võ Văn Lịch - Trưởng ban Tế tự của đình cho biết, thôn Mỹ Thanh có khoảng 500 hộ với hơn 1.500 khẩu, phần nhiều người dân sống bằng nghề nông. Đình Mỹ Thanh là nơi sinh hoạt tâm linh của người dân nên việc đình được công nhận là di tích cấp tỉnh có ý nghĩa rất lớn đối với người dân nơi đây. Nó giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về cội nguồn, biết tôn trọng và yêu quý hơn giá trị văn hóa, tâm linh của làng.   


Đình Mỹ Thanh ra đời khi nào không ai nhớ rõ, nhưng căn cứ vào sắc phong hiện còn lưu giữ ở đình, có thể đình ra đời khoảng đầu thế kỷ XIX. Khi ra đời, đình có tên là An Mỹ và được làm bằng tranh tre nứa lá. Sau nhiều lần di dời và đổi tên, đến cuối những năm 40 của thế kỷ XX, đình được di dời đến thôn Mỹ Thanh và tồn tại từ đó đến nay.

 

Ban Tế tự của đình thực hiện nghi thức Lễ nghinh cô hồn.
Ban Tế tự của đình thực hiện nghi thức Lễ nghinh cô hồn.


Năm 1971, đình được nhân dân địa phương xây dựng lại bằng gạch ngói và xây thêm miếu thờ Tiền hiền. Năm 2001, dân làng xây dựng thêm miếu Thần nông và Bạch Hổ. Đình Mỹ Thanh thờ Thành hoàng, Thiên Y A Na Thánh Mẫu, Tiền hiền, Hậu hiền, Thần nông, Sơn lâm. Đình được xây dựng đơn giản theo kiểu tứ trụ như các đình làng truyền thống, các cột xây bằng gạch, vôi vữa. Bên trong chính điện của Đại đình có bài trí bộ Lỗ bộ (lữ bộ) gồm 10 binh khí, cùng hai tấm biển và cặp lõng đặt phía trước ban thờ Thành hoàng. Áp sát tường hồi là ba ban thờ; chính giữa là ban thờ Thành Hoàng, 2 bên là ban thờ Tả ban và Hữu ban. Phía Bắc của Đại đình có miếu thờ Tiền hiền, Hậu hiền để thờ những người có công dựng làng, lập ấp, xây dựng, tu bổ đình, miếu.


Ngày nay, đình Mỹ Thanh vẫn còn lưu giữ các cổ vật, di vật như các câu đối, lư hương, chiêng trống, mõ, quyển vở viết tay bằng chữ Hán Nôm về các văn tế của đình... Ngoài ra, còn có 7 sắc phong do các đời vua Tự Đức, Duy Tân, Đồng Khánh và Khải Định triều Nguyễn ban, cho phép nhân dân tiếp tục thờ cúng các vị thần tại đình, miếu. Hàng năm, đình Mỹ Thanh tổ chức cúng Xuân vào hai ngày mùng 9 và mùng 10-3 âm lịch. Theo truyền thống, cứ hai năm đình làng mở hội một lần, kéo dài trong 4 ngày 9, 10, 11 và 12 tháng 3 âm lịch. Cũng như các đình khác, các nghi thức cúng Xuân của đình gồm: Lễ nghinh cô hồn, cúng Tiền hiền, tế Thần, lễ Tống ôn và tổ chức hát bội.


Bà Phan Thị Thanh Thảo - Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin TP. Cam Ranh cho biết, Mỹ Thanh là ngôi làng nằm giáp ranh với tỉnh Ninh Thuận. Đình là chứng tích thể hiện sự thăng trầm của thôn Mỹ Thanh nói riêng và xã Cam Thịnh Đông nói chung trong tiến trình lịch sử. Đây là công trình kiến trúc mang dáng dấp đình làng truyền thống của Khánh Hòa. Hàng năm, nhân dân vẫn tổ chức lễ hội truyền thống ở đình làng để tưởng nhớ những người có công dựng làng lập ấp, bảo vệ quê hương.


T.L