04:04, 19/04/2014

Có một người yêu Nha Trang đến thế

"Ôi, những bàn chân nắng đốt cát hầm/Lời thề thấm vào vách sông mạch đá/Những thành phố ta yêu như thành Nha Trang/Nặng chắc đứng lên/Những bàn chân nặng chắc/Sức mạnh nhân dân nổi dậy kết liền/Trên sỏi đá xác bầy gian máu thẫm".

“Ôi, những bàn chân nắng đốt cát hầm/Lời thề thấm vào vách sông mạch đá/Những thành phố ta yêu như thành Nha Trang/Nặng chắc đứng lên/Những bàn chân nặng chắc/Sức mạnh nhân dân nổi dậy kết liền/Trên sỏi đá xác bầy gian máu thẫm”. Đó là những câu thơ tràn đầy nhiệt huyết trong bài “Cực Nam” của nhà thơ Trần Vũ Mai - người đã yêu Nha Trang bằng một tình yêu cháy bỏng lạ kỳ.


Nhà thơ tài hoa yểu mệnh ấy đã trở thành người thiên cổ hơn 20 năm, nhưng bạn bè văn nghệ ở Nha Trang vẫn luôn nhớ về anh. Trong những lần trà dư tửu hậu với các bậc lão làng văn nghệ như: họa sĩ Thanh Hồ, họa sĩ Lê Vũ..., tôi thường nghe nhắc đến nhà thơ Trần Vũ Mai với một sự yêu mến. Trong gia tài ký họa chân dung của họa sĩ Thanh Hồ cũng có bức vẽ phụ thân của nhà thơ này trong một lần ông vào Nha Trang thăm con.


Lớn dần một tình yêu

 

Nhà thơ Trần Vũ Mai (tên thật là Vũ Xuân Mai, sinh năm 1944) là người xứ Thanh. Ngay từ khi còn là sinh viên Văn khoa Đại học Tổng hợp Hà Nội, anh đã biết đến Nha Trang qua bài thơ Nhớ máu bất tử của nhà thơ, liệt sĩ Trần Mai Ninh: Ơi hỡi Nha Trang/Cái đô thành vĩ đại... Cũng chính vì yêu mến nhà thơ đồng hương Trần Mai Ninh nên Vũ Xuân Mai đã lấy họ nhà thơ ghép với tên của mình để thành bút danh Trần Vũ Mai. Tình yêu với vùng đất cực Nam Trung bộ, với Nha Trang cứ lớn dần; và đến một ngày, anh quyết định chia tay Hà Nội để vào chiến trường: Thảm cỏ bờ sông Hồng non tơ/Màu cẩm thạch nghiêng nghiêng giã biệt… Em ạ chớ buồn/Anh vào cực Nam đây.

 

 

Nhà báo Nguyễn Thế Khoa kể rằng, khi vào đến chiến trường khu V ở Quảng Nam, Trần Vũ Mai đã xin đi ngay về chiến trường cực Nam Trung bộ. Lúc ấy, đây là vùng vô cùng gian khổ và ác liệt; nhưng với chàng thi sĩ mộng mơ ấy, mọi thứ chẳng có nghĩa gì, bởi điều quan trọng nhất là được đến cực Nam, đến Nha Trang. Trên chặng đường đi tới, nỗi ám ảnh không dứt với anh không phải là đạn bom của kẻ thù, mà chính là “cái đô thành vĩ đại” mang tên Nha Trang: Rồi tôi đi qua những cánh rừng/Có đêm chợp ngủ bên dòng Daksuk/Súng để trên đầu chân thì gối dép/Nghe ngọn gió nào cũng như gió Nha Trang (Thành phố nghiêng mình). Và rồi Trần Vũ Mai đã đến Khánh Hòa, về nằm hầm ở làng Phú Ân Nam (huyện Diên Khánh) để được gần với Nha Trang yêu mến. Từ đây, những bài thơ của anh đã bắt đầu vang lên trên Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải Phóng: Cực Nam/Gió chướng ngang trời/Gió từ Phan Rang ngược lên Đaklak/Đường xuyên sơn hẳm dốc/Gió quầng vang trảng trăng thu/Một lối rẽ bất ngờ/Bạn đi Phan Thiết…” (Cực Nam); hay Bạn thân mến ơi/Nếu chúng ta không còn gặp lại/Thì hãy tìm trong gió thổi/Có vị biển hoàng hôn cát trắng Cam Ranh/Ở Vạn Giã, ở Tuy Hòa vẫn thế/Như vẫn có một giọng người ấm kể/Những vườn dừa xao động quanh tôi (Trở lại cực Nam)…


Ở thời điểm ấy, những bài thơ của Trần Vũ Mai thật sự mới lạ; chất thơ phóng khoáng, róng riết, giàu màu sắc và hình ảnh, nhịp điệu nhanh mạnh đầy sức lôi cuốn đã làm say lòng người. Trong thơ anh, hiện thực cuộc sống chiến đấu được hiện lên trần trụi như nó vốn có. Ở đó, có sự hào hùng xen lẫn bi thương; có niềm tin ánh lên từ máu lửa, từ sự gian truân đau đớn đến tột cùng: Tôi vẫn sống, em vừa ngã xuống/Tôi nhìn trời có ý nghĩa gì đâu/Đôi cuộn mây hồng hay ánh trăng sao/Em thường nói rồi chúng mình trẻ mãi/Tôi cầm khẩu súng lắng nghe em lần cuối/Đêm vượt đường chim hót em nghe (Thành phố nghiêng mình).


Khi Nha Trang giải phóng, Trần Vũ Mai có mặt từ những ngày đầu và đã kịp ghi lại hình ảnh thành phố ngập cờ sao: Lúc bây giờ/Nha Trang/Những người phá thành, phá vây đã tới/Nha Trang nghiêng mình/Manh áo Mỹ bạc màu rơi xuống biển/Những em gái cầm chổi ra đường/Hốt rác đầy mũ lính/Thành phố hiện ra đầy ánh cờ sao (Thành phố nghiêng mình). Trần Vũ Mai đã có những ngày tháng sống hết mình, trọn vẹn với Nha Trang. Bằng tài năng và nhiệt huyết của mình, anh đã lôi kéo được nhiều anh em văn nghệ giải phóng khu V về với Nha Trang - Khánh Hòa; giới thiệu họa sĩ Thanh Hồ, các nhà văn nghệ: Thế Vũ, Nguyễn Hoàng Thu, Trần Huyền Ân... vào các cơ quan văn hóa văn nghệ cách mạng. Anh chủ biên tập thơ Phú Khánh đầu tiên, sáng lập tờ Văn nghệ Phú Khánh.


Tình ở lại dẫu cho đời rẽ lối

 

Sinh thời, Trần Vũ Mai sống rất nghệ sĩ, mà bạn bè vẫn gọi là “sống như thơ”. Tuy là biên tập viên của nhà xuất bản nhưng ông không in thơ mình. Năm 2007, với sự hỗ trợ của Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa, bạn bè của anh đã tập hợp tác phẩm thơ, trường ca, văn xuôi, ghi chép cùng những bài viết về anh để in tập sách Trần Vũ Mai. Cuốn sách không quá dày nhưng đủ để vẽ nên chân dung Trần Vũ Mai - người có tâm hồn phóng khoáng và yêu Nha Trang đến lạ.

“Chúng tôi đã có những ngày tháng cùng nhau rất sôi nổi. Trần Vũ Mai đã chuẩn bị tất cả để làm một cuộc định cư lâu dài ở Nha Trang. Nhưng rồi năm 1979, anh lại quyết định chia tay Nha Trang về lại Hà Nội trong sự bất ngờ và nuối tiếc của bạn bè”, họa sĩ Thanh Hồ nhớ lại.


Tuy về Hà Nội làm một biên tập viên có uy tín của Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới, nhưng trong lòng nhà thơ Trần Vũ Mai không nguôi nỗi nhớ Nha Trang. Sống ở Hà Nội, nhà thơ vẫn bị một Nha Trang trong xanh, lộng gió, nôn nao tiếng sóng vỗ bờ ám ảnh: Vâng, Hà Nội cao vần lên xanh nhạt/Cũng như trời mây lộng gió Nha Trang (Vâng, Hà Nội). Theo lời những bạn bè của anh, sau này, Vũ Mai có về lại Nha Trang 1, 2 lần, nhưng đều chỉ ở vài ngày rồi vội vã ra đi, duy chỉ có tình yêu của anh cho mảnh đất này là không hề đổi thay: Ờ, Nha Trang, quả là, ồ, vẫn thế/Một chút tình yêu nối lại tình yêu/Thương nhau mãi dường như không thể/Một chút buồn mang, một chút ráng chiều… (Ờ, Nha Trang). Nhà thơ ví Nha Trang như một người tình, tuy không thể ở bên nhau mãi nhưng khi ra đi vẫn không yên lòng, bởi anh đã yêu thành phố này quá đỗi. Có lẽ, khó tìm thấy ai yêu Nha Trang hơn Trần Vũ Mai - Một tình yêu không thể nói bằng lời.


Trần Vũ Mai đã từ giã cõi đời trong dòng nước lạnh dưới đáy hồ Nghĩa Đô - Hà Nội giữa một ngày đông giá buốt năm 1991. Cái chết của anh đã để lại bao nỗi tiếc thương, day dứt nơi bạn bè. Nhiều người vẫn nói giá như Trần Vũ Mai không rời xa Nha Trang, có lẽ số phận anh đã khác. Họa sĩ Thanh Hồ có lần nói: “Trần Vũ Mai không thể sống thiếu Nha Trang…”.  


THÀNH NGUYỄN